Và dẫu với tất cả những điều đó, thì khát vọng được đi, được viết của người trẻ bao giờ cũng là vô tận. Mỗi ngày tôi- một nhà báo trẻ vẫn miệt mài đi, hăm hở viết, vừa hồi hộp lại vừa vui sướng được làm cái việc mà đều đều suốt cả chục năm nay tôi vẫn làm đó là mở trang báo (hay lên mạng) xem bài viết của mình được đăng tải chưa, những đồng nghiệp của mình đã viết những gì ? Công việc ấy, giá như tôi không nói thì rất nhiều đồng nghiệp của mình hàng ngày vẫn làm, nhưng với tôi, điều ấy có một chút khoái cảm đặc biệt khiến bản thân có thêm nhiều năng lượng để làm tiếp những việc khó khăn, nhọc nhằn như nghề viết. Mấy chục năm trước khi còn là một gã học trò trường huyện, sẵn mang trong mình thói mơ mộng, tôi đã ước sau này lớn lên mình sẽ là một nhà báo, để được đi đây đi đó, để được dùng ngòi bút của mình dấn thân chiến đấu vì công lý. Khi tôi đem điều này tâm sự với ngoại tôi, thời bà ngoại- một người đàn bà cả đời chẳng đi đâu xa ra khỏi cánh đồng làng đã hết sức ngạc nhiên. Bà cũng không hình dung nghề báo là nghề thế nào nhưng đại để người khuyên: Cháu nên chọn nghề gì mà sau này lỡ có đi xe tàu thì cũng không phải xếp hàng mua vé, hay có đi xin dấu cho con cái đi học thì không phải chầu chực! Hẳn trong ký ức của bà, những công việc kiểu như trên vốn dĩ rất vất vả, cực nhọc. Điều mà bà tôi muốn là tôi kiếm được một việc làm, có một chút danh phận ở đời để thiên hạ đừng bắt nạt. Tất nhiên tất cả hình dung của bà ngoại về "thế giới bên ngoài" khắc nghiệt kia cũng chỉ gói gọn ở nơi có thói hách dịch của gã cán bộ xã hay tay bán vé bến xe thời còn bao cấp.
Sau này khi đã là một nhà báo chuyên nghiệp, cũng chưa từng bị gã văn thư ủy ban xã nào quát nạt khi xin dấu và cũng không còn cảnh xếp hàng mua vé tàu xe, tôi vẫn thường nhớ về những ngày tháng cũ và mỉm cười mỗi khi nhớ tới câu chuyện chọn nghề xa xưa của mình. Cho nên, tôi đồ rằng, không chỉ riêng tôi trong nghề viết mà rất nhiều bạn trẻ khi đến với nghề báo, không ít thì nhiều, ban đầu đều nuôi chút lãng mạn (thậm chí ảo tưởng) về nghề. Và rồi qua thời gian, kinh nghiệm, những ảo tưởng cũng dần được bớt đi nhường chỗ cho suy nghĩ mang tính thực tiễn. Khi nói tới điều này tôi chợt nhớ tới câu chuyện của chính mình vào mười mấy năm về trước, lúc mới theo đòi nghiệp chữ nghĩa. Lúc ấy khi còn là gã sinh viên văn khoa máu me viết lách, tôi thường hay gửi bài cho mấy tờ báo nhỏ. Của đáng tội, những món nhuận bút còm cõi ấy cũng giúp được tôi ít nhiều trong những ngày sinh viên khốn khó. Còn nhớ bài viết đầu tiên tôi viết gửi báo là về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Bởi đơn giản, vì học văn khoa, võ vẽ chút kiến thức về nhạc, tôi đã chọn ngay đề tài này. Tất nhiên bài viết đã không được đăng và rồi cũng không ai nói cho tôi biết vì sao bài viết công phu nhường ấy mà vẫn thất bại. Không nản lòng tôi vẫn hì hục viết nhiều đề tài khác, lại còn trau chuốt từ ngữ hơn nữa. Rốt cục bài gửi đi vẫn "một đi không trở lại". Mãi tới sau này, trong một cuộc rượu, một đàn anh trong nghề viết mới hé lộ nguyên nhân thất bại các bài viết của tôi... Rằng tôi đã chọn vấn đề viết hơi có vẻ cao siêu trong khi tờ báo chỉ cần những gì rất gần với cuộc sống thường nhật. Một bài học về nghề rất nhẹ nhàng nhưng khiến tôi thấm thía, rằng hãy viết những gì từ chính cuộc sống, đừng đi tìm những gì quá cao siêu, xa vời. Ngộ ra chân lý đơn giản ấy, tôi vận dụng ngay. Một lần cùng đám bạn đi chơi chợ Đông Ba (Huế), tôi gặp một người hát rong, đi cùng đứa con nhỏ. Người cha đàn hát, đứa nhỏ chìa mê nón xin tiền. Lại nghe, người cha nọ vốn là một nhạc sỹ, sau 1975 bị cô vợ trẻ bỏ lại con nhỏ, di tản sang Mỹ cùng người tình, nên hai cha con ở lại chơ vơ, dắt díu nuôi nhau. Câu chuyện của người hát rong chỉ nghe thôi đã khiến nhiều người muốn khóc... Tôi đã ghi lại câu chuyện này và gửi cho một tờ báo. Bài gửi đi hôm trước, hôm sau đã thấy báo đăng. Điều ấy khiến tôi nghiệm ra một điều rằng hãy viết những gì từ chính cuộc sống. Đề tài của bài viết cũng không có gì xa lạ, nó nằm ngay ở đời sống xung quanh mình.
Khi lựa chọn nghề báo cũng đồng nghĩa với việc người viết chấp nhận sự vất vả (thậm chí nguy hiểm) và cả những thị phi của nghề. Nhưng ngay cả điều đó cũng không hề làm nản lòng những người có khát khao viết lách. Khát vọng được thể hiện ý tưởng của mình thông qua từng con chữ. Và ở một phía khác nghề báo, đôi khi cũng có những hạnh phúc nho nhỏ. Tỷ như một cuộc điện thoại bất ngờ từ một bạn đọc cảm ơn vì một bài viết. Hay đơn giản hơn, giữa trưa hè nắng nóng, khi dừng xe ghé quán nước ven đường của một bà cụ làm bát nước chè xanh cho đỡ khát, khi trả tiền bà lão nhất định không nhận tiền lại còn nói: "tôi nhận ra chú rồi, chú là nhà báo trên tỉnh, năm trước có về làng tôi dịp ngày hội làng, báo gửi về cả làng tôi đều đọc..." Những lúc như vậy, khiến mọi mệt nhọc trong tôi đều tan biến. Ngay cả vợ tôi cũng phải bất ngờ bởi vẻ mặt hơn hớn của tôi lúc trở về. Nó khác hẳn với vẻ mệt nhọc, cau có của tôi sau mỗi chuyến đi cả ngày về cơ sở. Dù sao khi chọn nghề người ta phải biết học cả cách chấp nhận, vì rằng nghề báo không chỉ có những hào quang mà có cả những nhọc nhằn phía sau trang viết.
Lại nhớ lúc còn đi học tôi từng đọc nhiều trang viết nói về sự trải nghiệm của nghề cầm bút. Nhưng tôi ấn tượng nhất với hai người. Một là với nhà văn Nguyễn Tuân và một là cây phóng sự nổi tiếng Đỗ Doãn Hoàng. Cụ Nguyễn nói về việc viết trong phút giây đối diện với trang giấy trắng như người sắp ra pháp trường. Cho nên khi viết cũng là khi người cầm bút sa chân vào "pháp trường trắng". Người viết chân chính thường mang tâm thế của kẻ cần nói thật, nói hết trước khi lên đoạn đầu đài. Đỗ Doãn Hoàng, một nhà báo nổi tiếng với nhiều tập bút ký phóng sự thì ví von viết báo như kẻ "múa võ giữa chợ". Giữa chợ đời của nghề viết, biết bao nhiêu là ân, oán, kẻ khen người chê. Nhà báo nếu không vững tâm rất dễ ngã lòng. Cho dù với tất cả những điều đó, thì vẫn không thể phủ nhận được là nghề báo với những thú vị của nó như: được đi, được biết, được khám phá, trải nghiệm...vẫn có một mãnh lực không nhỏ thu hút giới trẻ. Và tôi, một một người cầm bút chuyên nghiệp sau mười mấy năm vẫn không hề cảm thấy ân hận khi đã chọn nghề này. Bởi vì đơn giản nghề viết cho tôi những cảm giác không nghề nào có được trong từng con chữ. Hạnh phúc ấy khiến tôi không thể ngã lòng dù nghề báo sẽ còn nhiều vất vả đang chờ tôi ở phía trước.
Mai Phương