Du lịch tâm linh, hợp phần không thể thiếu của ngành du lịch Ở Việt Nam, văn hóa tâm linh xuất hiện từ rất sớm, với những biểu hiện vô cùng phong phú, đa dạng. Phổ biến nhất là phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình. ở phạm vi cộng đồng là tục thờ cúng thành hoàng, các vị thần, các vị tổ sư, các vị anh hùng đã có công với nước, các danh nhân văn hóa…
Do ảnh hưởng của các tôn giáo, người Việt Nam xây đền, chùa, miếu mạo, nhà thờ, giáo đường…và thực hành các nghi lễ cầu cúng.
Nhiều công trình, hiện vật liên quan đến văn hóa tâm linh đã trở thành di sản văn hóa, lịch sử quý giá. Nhiều công trình văn hóa tâm linh được xây dựng ở những điểm có phong cảnh thiên nhiên đẹp, kỳ thú, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn…
Những đặc điểm đó đã góp phần to lớn vào sự phát triển của du lịch Việt Nam làm bạn bè quốc tế hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.
Nắm bắt được nhu cầu của đông đảo người dân, một loạt các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư vào lĩnh vực du lịch tâm linh. Hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch ngày càng mạnh cả về quy mô và tính chất.
Hầu hết các địa phương, vùng miền trên cả nước đều có những điểm du lịch tâm linh như: Đền Hùng (Phú Thọ); Chùa Hương (Hà Nội); chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình); Núi Bà Đen, Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh)…
Du lịch tâm linh đóng góp tích cực vào phát triển bền vững
Tại Hội nghị Quốc tế du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam đã nói: Du lịch tâm linh ngày càng được xã hội tiếp cận và nhìn nhận tích cực cả về khía cạnh kinh tế và xã hội. Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đối với phát triển du lịch tâm linh và coi đó là một trong những giải pháp đáp ứng đời sống tinh thần cho nhân dân.
Đồng thời thông qua hoạt động du lịch tâm linh góp phần vào việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị truyền thống, suy tôn những giá trị nhân văn cao cả.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, khách du lịch tâm linh chiếm tỷ trọng khá lớn. Thông thường khách đi du lịch hầu như kết hợp với mục đích tâm linh hoặc mục đích tâm linh được lồng ghép trong nhiều chuyến đi.
Năm 2012, chỉ tính riêng khách nội địa đến các điểm du lịch tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh) đã có khoảng 15,5 triệu lượt, chiếm 41,5% tổng số khách du lịch nội địa. Trong đó chủ yếu đến các điểm như: Miếu bà chúa Xứ An Giang: 3,6 triệu lượt khách; chùa Bái Đính 2,1 lượt; chùa Hương: 1,5 triệu lượt; Yên Tử 2,3 triệu lượt.
Mặc dù doanh thu từ các điểm du lịch tâm linh còn rất khiêm tốn, nhưng hiệu ứng lan tỏa của chi tiêu tại các điểm du lịch tâm linh đến cộng đồng dân cư là rất lớn, có tác động rõ rệt thông qua việc tạo việc làm, bán hàng lưu niệm, sản vật địa phương.
Một trong những mô hình tiêu biểu của việc chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang du lịch dịch vụ thành công đó là mô hình ở tỉnh Ninh Bình. Nơi đây người dân địa phương được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ khách tại các điểm du lịch tâm linh: chèo đò, xích lô, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, phục vụ ăn uống.
Theo khảo sát thì cứ một vụ chèo đò ở người dân có thu nhập bằng 3 vụ lúa. Du lịch tâm linh tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang kết hợp du lịch.
Điều đó cho thấy du lịch tâm linh không chỉ đơn thuần là hoạt động hành hương, tôn giáo tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là cách thức để thế hệ hôm nay bày tỏ sự tưởng nhớ và ngưỡng mộ đối với công lao của các bậc tiền bối.
Do đó, việc sử dụng có trách nhiệm và bền vững các giá trị văn hóa và tự nhiên trong phát triển du lịch tâm linh sẽ mang lại cơ hội việc làm, tạo thu nhập, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, tôn giáo, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, hỗ trợ hiệu quả cho việc tôn vinh, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản vật thể và phi vật thể của mỗi quốc gia cũng như toàn nhân loại.
Để khai thác những tiềm năng
Có thể khẳng định, với những điều kiện thuận lợi, hiện nay là ngành du lịch phải làm gì để khai thác những tiềm năng du lịch tâm linh.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: Để khai thác những tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành du lịch cần hướng tới là: Giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh, bảo đảm thực hiện đúng các quan điểm phát triển du lịch tâm linh mang lại những giá trị tinh thần tiến bộ xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Từng bước nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh cho các đối tượng từ cấp hoạch định chính sách cho tới phổ biến kiến thức cho dân cư trong việc phát triển du lịch cộng đồng.
Các địa phương cũng cần đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch theo quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm du lịch tâm linh đạt tới trình độ tinh tế, đáp ứng các nhu cầu về tâm linh của du khách. Đồng thời tiếp tục kết nối hình thành các tuyến du lịch tâm linh quốc gia.
Tập trung nguồn lực tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch tâm linh dựa trên quy hoạch các khu, điểm du lịch tâm linh. Đầu tư cho bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tâm linh, đặc biệt về tín ngưỡng, tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với điểm tâm linh trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc Việt Nam để thu hút du lịch.
Nhà nước cùng với các doanh nghiệp, nhân dân tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hệ thống cơ sở dịch vụ đảm bảo chất lượng, tiện nghi, hài hòa với không gian và tính chất khu, điểm du lịch tâm linh. Phát huy vai trò cộng đồng dân cư, mang lại sự hưởng lợi tối đa cho cộng đồng dân cư tại điểm du lịch tâm linh.
Ngoài ra, ngành du lịch cùng với các công ty lữ hành phải chủ động thực hiện các chương trình liên kết phát triển du lịch tâm linh giữa các điểm du lịch tâm linh trong nước như: Yên Tử, Côn Sơn Kiếp Bạc- Phủ Dầy, Tam Chúc - Ba Sao- Bái Đính…và ngoài nước như: Trung Quốc, Thái Lan, ấn Độ…trong khuôn khổ hợp tác du lịch song phương và đa phương.
Nguyễn Thơm