Đất Tam Điệp vào một chiều nhạt nắng. Bỏ qua cái bụi bặm phồn tạp nơi con đường cái quan nườm nượp xe cộ, rẽ vào lối mòn có tên đường Thiên Lý. Cái tên đường vốn đã gợi nhiều hoài vọng về một thời quá vãng xưa cũ. Thời mà người ta đi từ nơi này tới nơi kia chỉ bằng đôi chân của kẻ bộ hành, hoặc giả nhanh hơn chỉ là nhờ sức ngựa. Bởi vậy người đời hình dung cái khoảng cách của hai miền Bắc- Nam như ngàn dặm xa xôi, cho nên mới có kiểu "chiết tự" con đường Bắc Nam ấy là đường Thiên Lý (ngàn dặm). Chính con đường này mấy trăm năm trước là lối đi của người dân Việt từ Thăng Long vào Nam thường đi qua. Không biết trong cuộc bộ hành vĩ đại của dân tộc trên dặm dài mở mang bờ cõi về phương Nam đã có bao nhiêu bước chân đã đi qua đường này. Chỉ biết dấu tích còn lại đến ngày nay là áng thơ, văn lưu lại cùng hậu thế. Từ Hồ Xuân Hương tới Nguyễn Du. Từ các danh sỹ như Ngô Thì Sỹ tới các bậc vua chúa như Thiệu Trị.
Trải qua mấy trăm năm, việc vượt qua con đèo Tam Điệp hiểm trở không còn là câu chuyện khó nữa. Một đoạn Quốc lộ I đã thay thế vai trò con đường Thiên Lý qua ba ngọn đèo (Tam Điệp). Cho nên đèo Tam Điệp bây giờ đã lùi vào quá vãng, trở thành một con đèo tồn tại nhiều hơn trong sách sử và thơ. Núi đèo Tam Điệp giờ không còn làm mỏi bước chân của khách bộ hành như mấy trăm năm trước, nhưng vẻ hoang vu dường như cũng chẳng bớt đi. Từ đường cái quan lên đỉnh đèo Tam Điệp con đường vẫn quanh co, khuất khúc. Cây lá vẫn ngời xanh dù những ngọn đồi toàn đá sỏi. Con đường như sợi chỉ mảnh dẫn lên ngọn đồi, vài căn nhà nhỏ vắng vẻ của người dân trong vùng. Những cư dân không chịu được với cuộc sống chật chội, bức bối của phố thị đã lên đây tìm kế mưu sinh để được hưởng cái không khí nguyên sinh trong lành của núi rừng còn sót lại. ít ai ngờ được, chỉ cách trung tâm đô thị Tam Điệp chưa đầy một cây số, nơi đây vẫn còn lưu giữ được một không gian xanh nguyên thủy như vậy. Những rặng núi đá vôi trầm mặc tự bao đời. Những vạt sim mua, cây mâm xôi, xấu hổ bò miên man khắp mặt đất. Không gian với đá núi và cây xanh làm không khí mát dịu hoàn toàn khác xa so với vẻ ngột ngạt, bụi bặm của phố phường Tam Điệp.
Con đường đồi càng lên cao không khí càng thoáng đãng, những dấu vết về sự tác động của người dân đến tự nhiên càng bớt đi. Thảng cũng có những vạt chè, đồi dứa của người dân, nhưng sự hiện diện ít ỏi ấy không thể nào lấn át được cái mênh mông quạnh vắng của tự nhiên. Với những cư dân nơi đây vẻ hoang lạnh của núi đồi gợi niềm u tịch nhưng với những người suốt ngày lăn lóc nơi phố thị như chúng tôi thì đây đích thị là một món quà. Và thực lòng mà nói chuyến đi này không phải không mang một chút tâm trạng. Trong bước chân của hai kẻ hậu nhân hôm nay biết đâu đấy chẳng in lại dấu chân bao nhiêu bậc hiền nhân.
Dù có những tên gọi khác nhau giữa các triều đại song điều này gián tiếp xác nhận rằng dù ở thời nào đèo Tam Điệp cũng có vị trí chiến lược quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc lui binh chiến lược của quân Tây Sơn, danh tướng Ngô Thì Nhậm đã chọn lui quân về đây để lập phòng tuyến Tam Điệp. Cũng không phải tự nhiên mà hoàng đế Quang Trung trong cuộc hành binh thần tốc ra Bắc đánh đuổi quân Thanh đã quyết định cho đại binh nghỉ chân nơi núi đèo Tam Điệp trước khi quyết kế tiến đánh Thăng Long.
Nữ sỹ Hồ Xuân Hương đã khắc họa hình ảnh con đèo Tam Điệp trong bài thơ nổi tiếng Đèo Ba Dội như sau: "Một đèo, một đèo, lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo". Như vậy sự "cheo leo" hiểm trở của đèo Ba Dội (tên Nôm của đèo Tam Điệp) ít nhất đã có từ thời của Xuân Hương nữ sỹ. Thi hào Nguyễn Du cũng từng đặt chân tới đất này và để lại thơ: "Đạp mây núi Ba Dội/ Kẻ lãng khách lại qua/ Trong mắt thu đất lớn/ Ngoài khơi thấy biển xa". Thi phẩm cho thấy địa thế đắc địa của con đèo khi kẻ "lãng khách" đứng ở đỉnh đèo có thể phóng tầm mắt nhìn một vùng rộng lớn hai tỉnh Thanh, Ninh vươn ra tới biển. Cái nhìn của nhà thơ Nguyễn Du dường như sắc nét như cái nhìn của một nhà quân sự. Sử cũ ghi, năm 1842 vua Thiệu Trị khi tuần du phương Bắc cũng đã đặt chân lên ngọn đèo Tam Điệp. ấn tượng trước vẻ hoang sơ hiểm trở của thiên nhiên nơi đây, bậc đế vương đã viết bài thơ Quá Tam Điệp Sơn: "Giữa lối xanh um núi chất chồng/ Tầng tầng phóng bước cưỡi Cầu Long/ Chẳng như Vương ốc chừa lối tắt/ Còn giống La Phù biệt lối thông/ Đón gặp thẳm xa xuôi một ngọn/ Vươn cao trùng điệp biết bao vòng/ Thanh, Ninh hai trấn đây ranh giới/ Đúc diệu kỳ quan, lượn khắp vùng". Ngày nay tấm bia khắc bài thơ của vua Thiệu Trị vẫn còn được lưu giữ tại một nhà bia ngay đỉnh đèo Tam Điệp, như một chứng nhân của lịch sử, nhắc nhở người đời sau về sự hiện hữu của đèo Tam Điệp. Người đời sau khi chiêm ngưỡng Tam Điệp Sơn, tận thấy tấm thạch bia khắc bài thơ của hoàng đế Thiệu Trị lòng không khỏi bùi ngùi! Bài thơ của vị vua lãng mạn còn đó mà cảnh vật đã đổi dời. Giống như khi đối diện với con đèo Tam Điệp, những danh sỹ, công hầu, đế vương rồi cũng mất đi, chỉ có Tam Điệp Sơn thì ngàn vạn năm sau vẫn còn đó.
Trông người lại nghĩ đến ta! Trong cuộc hành hương về quá khứ, phút giây tôi cùng người bạn thắp nén tâm nhang nơi nhà bia, lòng hai kẻ ham chơi không khỏi dâng lên mối hoài cảm. Tưởng mình như người nho sỹ Bắc Hà thuở nào vượt Cửu Chân Quan trên bước đường Thiên Lý. Phía này là Bắc Hà, miền cố quận, còn bên kia ngọn đèo là chân trời cao rộng của kẻ sỹ chí lớn dọc ngang. Bước qua ngọn đèo không chỉ là việc quá sơn mà nó còn hàm ý của một sự lựa chọn.
Đức Bá