Tái cơ cấu nền nông nghiệp thực chất là tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, con nuôi để tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho một bộ phận cư dân nông thôn, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" của tỉnh ta đề ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 2% năm 2014 và đạt 2,5% trong năm 2015; gắn với chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng đóng góp của thủy sản, chăn nuôi, kinh tế dịch vụ nông nghiệp... Là một tỉnh có tỷ lệ dân cư nông thôn chiếm trên 76%, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh ta đã chú trọng tới chuyển dịch cơ cấu cây lương thực có hạt. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu sản lượng lương thực có hạt đạt trên 50 vạn tấn, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực; quản lý và sử dụng hợp lý quỹ đất trồng lúa theo quy hoạch; hình thành các vùng chuyên canh các loại cây trồng có lợi thế, các loại cây mới có giá trị kinh tế cao và rau, củ, quả thực phẩm theo hướng VietGAP trên đất màu. Nâng giá trị canh tác trên đất nông nghiệp đạt trên 90 triệu đồng/ha.
Giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu là, chuyển diện tích lúa vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản, hoặc thủy sản kết hợp, vùng thiếu chủ động nước sang cây màu. Theo đó, kế hoạch phấn đấu năm 2014, chuyển trên 1.200 ha diện tích đất lúa trũng, cao sang cây trồng, con nuôi khác. Diện tích lúa còn lại gần 80 nghìn ha trong 1 năm tập trung cho chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, tăng cường áp dụng KHKT vào thâm canh tạo ra năng suất, hiệu quả cao trên đơn vị diện tích.
Trong cơ cấu mùa vụ, tỉnh ta đã tập trung mở rộng diện tích trà xuân muộn trong vụ đông xuân, trà mùa sớm, mùa trung ở vụ mùa để có điều kiện mở rộng diện tích trồng cây vụ đông. Đồng thời áp dụng các biện pháp KHKT, tiến bộ mới vào sản xuất lúa, hình thành cánh đồng mẫu lớn, hướng tới sản xuất chuyên canh, cơ giới hóa khép kín trong các khâu sản xuất, từng bước giải phóng sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất.
Từ sản xuất theo phương thức truyền thống, thủ công, riêng khâu sản xuất lúa, đến nay trên địa bàn tỉnh ta có 90% công đoạn được cơ giới hóa, từ khâu gieo mạ đến bảo quản sau thu hoạch. Đây là những yếu tố thuận lợi để tỉnh ta thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới nền sản xuất hiện đại, hiệu quả kinh tế cao.
Mục tiêu năm 2014, phấn đấu xây dựng từ 12 đến 20 cánh đồng với tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Sản lượng lúa hàng hóa tiêu thụ theo hợp đồng khoảng 5.000 tấn. Năm 2015, phấn đấu xây dựng từ 40 đến 50 cánh đồng với tổng diện tích từ 2.000 đến 2.500 ha.
Cùng với cây lúa, cây màu đã được chú trọng phát triển và mở rộng, trên cơ sở đầu tư, hỗ trợ kinh phí nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung phát triển cây màu theo hướng hàng hóa, đáp ứng thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trên cơ sở thực tế của địa hình canh tác, tỉnh ta có kế hoạch tập trung vào trồng các cây như: ngô, khoai lang, trong đó khoai lang Hoàng Long, các giống khoai lang Nhật, Trung Quốc đang được canh tác cho hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích ngô rau, ngô ngọt phục vụ chế biến xuất khẩu và cung ứng sản phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường. Đối với rau, quả thực phẩm, đã xây dựng được các vùng chuyên canh rau, quả thực phẩm theo quy hoạch trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, sản xuất theo hướng VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến năm 2015, phấn đấu toàn tỉnh có trên 9.500 ha các loại rau, đậu. Từng bước xây dựng phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm rau an toàn để chủ động cung ứng cho người tiêu dùng, khu du lịch, siêu thị, nhà hàng….
Đối với cây ăn quả, Đề án chỉ rõ việc tiếp tục phát triển các vùng sản xuất dứa, lạc tiên để phục vụ cho nhà máy chế biến của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và một phần cho thị trường tiêu thụ quả tươi. Riêng với cây nấm được tập trung xây dựng hệ thống sản xuất nấm theo hướng chuyên môn hóa, tập trung có quy mô lớn, thực hiện liên kết các hộ từ khâu nuôi trồng đến tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu Nấm Ninh Bình và trở thành cây trồng chủ lực giúp tăng thu nhập cho các hộ nông dân.
Trong kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh ta chú trọng tới tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản ở ruộng trũng. Phát triển thủy sản bền vững, ổn định, hợp lý có hướng phát triển diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, tốc độ tăng trưởng từ 6-7%/năm. Phát triển thủy sản trong hai năm 2014-2015 lấy trọng tâm là nuôi trồng thủy sản ruộng trũng và vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn, phấn đấu đến năm 2015, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 11.630 ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt trên 49 nghìn tấn.
Phấn đấu 2015 có 4.900 ha chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Nho Quan 1.900 ha, Gia Viễn 1.200 ha, Hoa Lư 615 ha; đối tượng nuôi chủ yếu ở ruộng trũng tập trung vào các loại cá truyền thống như cá trắm, chép... và phát triển thêm các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ cho các khu đô thị và nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh như cá diêu hồng, rô phi đơn tính, chép lai, trắm đen...
Theo đó thực hiện áp dụng công nghệ nuôi quảng canh cải tiến, công nghệ nuôi bán thâm canh và công nghệ nuôi thâm canh; trong đó công nghệ nuôi bán thâm canh và thâm canh sẽ được áp dụng chủ yếu cho các vùng chuyển đổi nuôi tập trung, nuôi thâm canh.
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng tới phát triển thủy sản vùng ven biển, tập trung nuôi thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao; tiếp tục đa dạng hóa các đối tượng nuôi theo nhu cầu của thị trường, áp dụng các biện pháp nuôi mới để khai thác thị trường; đẩy mạnh hình thức nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao và theo tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt (GAP); chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi thâm canh ở vùng ven biển huyện Kim Sơn, vùng ruộng trũng nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2015, diện tích nuôi cua xanh đạt 1.000 ha, sản lượng dự kiến 1.200 tấn; diện tích nuôi ngao đạt trên 615 ha, sản lượng đạt trên 12.000 tấn… Ngoài mở rộng các đối tượng nuôi chính để khai thác tiềm năng, thế mạnh diện tích mặt nước đặc thù từng vùng, tận dụng nguồn nhân lực, diện tích ao hồ nhỏ trong khu dân cư phát triển nuôi cá bống bớp, cá vược, cá song, cá chim vây vàng, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, phát triển kinh tế nông hộ.
Trong chăn nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại có liên kết; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư. Đẩy mạnh phát triển các con nuôi chủ lực là lợn và gia cầm, từng bước xây dựng mô hình và mở rộng chăn nuôi thỏ, nạc hóa đàn lợn, duy trì đàn trâu, bò; chú trọng đến các con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Dê, hươu, nai, lợn rừng, chim trĩ..., phát huy lợi thế từng vùng miền để lựa chọn con nuôi thích hợp…
Để thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh ta đã đặt ra các giải pháp bằng việc tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức lại sản xuất trên cơ sở đẩy mạnh sự liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nông dân và doanh nghiệp.
Việc liên kết "4 nhà" trong thời gian qua đã thực sự phát huy có hiệu quả, nhiều mô hình trình diễn được nhân rộng, sự liên kết các bên chặt chẽ và mở rộng quy mô ký kết, với sản lượng lớn, đa dạng sản phẩm. Nhờ đó, sản xuất được phát triển bền vững, hạn chế đáng kể tình trạng "được mùa mất giá", "ép giá", nông dân có thu nhập cao hơn.
Từ đó, việc liên kết "4 nhà" tiếp tục được chọn là giải pháp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh ta. Giải pháp là thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp đang được triển khai thực hiện để có nguồn lực thực hiện kế hoạch. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong mọi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng và bao tiêu sản phẩm. Huy động sự đóng góp của nhân dân cho nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, kể cả vốn và công lao động…
Phạm Thị Huế
(Trường Cao đẳng kinh tế-Kỹ thuật,Thương mại)