"Hội đồng tự quản học sinh" là biện pháp giúp học sinh tự học, tự tìm tòi kiến thức, tự quản, tự tin và tự làm chủ quá trình học tập, giáo dục. Nhờ đó, học sinh hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong học tập và được rèn các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia và hợp tác. Khác với cách dạy truyền thống đó là học sinh phải trật tự, im lặng để nghe giáo viên giảng bài thì ở đây lớp học lại nhao nhao như một cái... chợ. Tuy nhiên đó lại là một sự nhốn nháo có chủ đích, một sự tự do trong khuôn khổ.
Ưu điểm của phương pháp này là: Học sinh tự học nắm được kiến thức; học sinh vận dụng kiến thức, giải quyết những nhiệm vụ trực tiếp; học sinh ứng dụng kiến thức vào điều kiện thực tế của nhà trường, của cộng đồng, của gia đình.
Bên cạnh đó là tạo cho học sinh tự tin trong giao tiếp, khơi dậy sự hưng phấn của tuổi trẻ (sẽ không thể có em học sinh nào ngủ gật trong tiết học được).
Lần đầu tiên tôi biết tới mô hình này là khoảng hơn mười năm trước đây khi ấy tôi tham gia một khóa đào tạo ngắn ngày do chính phủ Na Uy tài trợ (giáo viên Na Uy trực tiếp giảng dạy). Lần ấy tôi thật sự ngạc nhiên với phương pháp tổ chức lớp học này. Những câu hỏi học viên chúng tôi đưa ra, thì đáp án chính sác nhất lại là của học viên chứ không phải là thày giáo. Điều này cũng hết sức tự nhiên với mô hình giảng dạy này nó làm gần hơn khoảng cách giữa giáo viên và học sinh.
Cuối buổi học tôi một lần tôi trao đổi với giáo viên (thông qua phiên dịch) về mô hình lớp học và hỏi ông cảm nghĩ về vấn đề : (Đáp án chính xác nhất lại là của học viên chứ không phải là thày giáo), ông này nói với tôi: "học trò có quyền giỏi hơn thày chứ" và ông trích dẫn một câu của người Việt : "con hơn cha là nhà có phúc" mà đã có phúc thì tất nhiên phải mừng rồi!
Tuy nhiên để có thể áp được dụng mô hình này chúng ta cần phải đổi mới mạnh mẽ trong đội ngũ giáo viên : Giáo viên từ lâu nay đã quen truyền thụ kiến thức một chiều cần phải thay đổi tư duy sang tổ chức các hoạt động lấy học sinh làm trung tâm. Cần phải chuẩn bị kỹ càng trước giờ lên lớp. Giờ đây công nghê thông tin phát triển, học sinh có thể biết về mọi thứ qua internet thì đương nhiên bài giảng không thể bó hẹp trong một khuôn kiến thức nhất định.
Với học sinh cần thay đổi thói quen chỉ học bài cũ, mà cần nghiên cứu kỹ bài mới. Để biết được trong bài có vấn đề nào đã hiểu và vấn đề nào chưa hiểu cần phải đưa ra hỏi vào ngày mai…
Với nhà quản lý cần tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian cũng như tài liệu để chuẩn bị bài giảng một cách tốt nhất.
Bích Thủy
(Trường mầm non Thúy Sơn, TPNB)