Nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương Con đường chạy ra cánh bãi ven hồ của xã Yên Thái đã được bê tông hóa. Hai bên đường là một màu xanh của lúa, của những vườn chuối tiêu hồng và ao cá được đào đắp vuông vức, quy củ. Ông Phạm Xuân Thủy, một hộ dân trong thôn cho biết: Trước đây, vùng đất này là thùng đào, thùng đấu ven đê, sản xuất lúa bấp bênh. Qua đi tham quan học tập nhiều nơi thấy mô hình sản xuất lúa-cá có hiệu quả, tôi rất muốn mang về áp dụng tại địa phương nhưng đất đai manh mún thì không thể làm được.
Nhờ có chủ trương dồn điền, đổi thửa, giờ đây 17 nghìn m2 đất nông nghiệp của gia đình đã liền mảnh. Tôi đầu tư đào 1 cái ao rộng 7.000 m2 để thả cá, trên bờ trồng chuối, một phần làm chuồng chăn nuôi, diện tích còn lại cấy lúa. Năm vừa qua, gia đình tôi thu hoạch trên 10 tấn lúa, 4 tấn cá các loại..., doanh thu đạt trên 200 triệu đồng. Không chỉ gia đình ông Thủy, ở cánh bãi ven hồ của xã Yên Thái có hàng chục hộ trồng chuối và phát triển kinh tế theo mô hình VAC hiệu quả với tổng diện tích trên 20 ha.
Những "triệu phú nông dân" xuất hiện ngày càng nhiều trên vùng quê chiêm trũng Yên Mô, nhất là sau khi chương trình xây dựng NTM được triển khai. Người nông dân được chính quyền, đoàn thể hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ về kỹ thuật và tiếp vốn để làm giàu. Anh Hoàng Văn Điền, thôn Hồng Phong, xã Yên Mạc nổi tiếng từ đầu những năm 2000 với mô hình chăn nuôi quy mô công nghiệp. Mỗi năm trang trại của gia đình anh cung cấp ra thị trường hàng chục tấn lợn, gà mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Không tự hài lòng với bản thân, anh Điền muốn chuyển sang một đối tượng nuôi khác, hiệu quả hơn.
Đang băn khoăn không biết làm như thế nào thì anh may mắn được Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô tư vấn, hướng dẫn đưa con vịt trời vào nuôi thử nghiệm. Anh Hoàng Văn Điền cho biết: Sau hơn 3 tháng chăm sóc, đàn vịt hậu bị đã bắt đầu đẻ bói, đàn vịt thương phẩm cũng sắp đạt trọng lượng xuất bán. Nhìn chung, vịt trời dễ nuôi, kháng bệnh tốt hơn vịt nhà. Với giá bán trên thị trường hiện nay là 240 nghìn đồng/con vịt thương phẩm và 70 nghìn đồng/1 con vịt giống, 500 con vịt trời của anh Điền sẽ cho thu nhập ngót trăm triệu đồng. Được biết, ngoài nuôi vịt trời, hiện nay gia đình anh cũng đưa gà 9 cựa vào nuôi và cây phật thủ vào trồng thử nghiệm, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô, huyện đang hỗ trợ xây dựng hơn 30 mô hình kinh tế giúp nông dân làm giàu. Sau khi mô hình thành công sẽ vận động những hộ nông dân khác học tập, nhân rộng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân.
Chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống
Thành công lớn nhất trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện Yên Mô là mỗi chủ trương, chính sách của Chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống. Trong đó, phải kể đến phong trào dồn điền, đổi thửa đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số nông dân. Theo báo cáo của các địa phương, đến thời điểm này, toàn huyện đã có 14/16 xã huy động 43,1 tỷ đồng triển khai đào đắp được 1.061 tuyến đường trục chính nội đồng, 1.754 tuyến đường bờ vùng, bờ thửa, 1.194 tuyến kênh mương, với tổng chiều dài 1.010 km, khối lượng đào đắp 1.139.007 m3, trong đó 11 đơn vị hoàn thành khâu chỉnh trang đồng ruộng. Toàn huyện đã có 164/233 thôn, xóm của 13 xã trên địa bàn huyện hoàn thành giao ruộng cho nhân dân sản xuất vụ đông xuân năm 2014, sau dồn điền, đổi thửa toàn huyện giảm xuống còn 1,9 thửa/hộ.
Phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" cũng được đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia. Nhiều hộ dân đã hiến đất, phá dỡ nhà ở, nhà bếp, tường rào để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Toàn huyện có 1.419 hộ dân đã hiến 46.662,8 m2 đất với giá trị 8,2 tỷ đồng; đóng góp 53.573 ngày công lao động, đóng góp tiền mặt, nguyên vật liệu và hiến tặng tài sản với tổng trị giá 19,4 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2013 toàn huyện đã vận động nhân dân đóng góp 161,7 ha đất nông nghiệp để hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng và dành quỹ đất cho các công trình phúc lợi xã hội theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Nhiều đơn vị tổ chức thực hiện tốt như xã Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Thái...
Đánh giá thực trạng các tiêu chí nông thôn của các xã khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Yên Mô năm 2011 mới đạt bình quân 4,9 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, đến năm 2013, đã nâng lên 8,9 tiêu chí/xã, 1 xã đạt 11 tiêu chí (Yên Thái), 4 xã đạt 10 tiêu chí, 8 xã đạt 9 -7 tiêu chí và 2 xã đạt 6 tiêu chí. Điều vui mừng nhất đối với nông dân chính là cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ; đời sống được cải thiện. Trong 3 năm, toàn huyện đã xây mới, chỉnh trang, nâng cấp được 310,3 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 19,6 km đường trục xã, 160,4 km đường giao thông thôn, xóm và 130,3 km đường giao thông nội đồng; cải tạo 21 công trình cầu cống, kiên cố hóa 8 km kênh mương phục vụ sản xuất. Hiện giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác của huyện đạt 95,8 triệu đồng/năm (tăng 10,5 triệu đồng/năm so với năm 2011).
Thời gian tới, Yên Mô tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ xã Yên Thắng hoàn thành xã nông thôn mới trong năm 2014, trong đó tiêu điểm hỗ trợ tập trung vào 4 tiêu chí chưa đạt là cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, điện và thu nhập; tập trung hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng trên địa bàn toàn huyện trong năm 2014. Đối với các xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2015, năm nay phấn đấu mỗi xã đạt thêm ít nhất 3-4 tiêu chí trở lên, các xã còn lại đạt thêm 2-3 tiêu chí, tạo tiền đề để năm 2015, toàn huyện phấn đấu xây dựng được 5/16 xã đạt tiêu chuẩn xã NTM.
Thanh Chiên