Làm giàu trên quê hương
Theo chân cán bộ xã, chúng tôi tới thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Lê Văn Luân ở xóm 3. Hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là khu ruộng hơn 800 m2 được anh quy hoạch làm giàn trồng các loại cây leo, bên dưới là ao thả cá. Anh Lê Văn Luân cho biết, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, anh đã mạnh dạn thuê 2 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả và đấu thầu 6 sào ao, phía trên làm giàn trồng bí xanh, dưa chuột, mướp đắng, dưới mặt nước thả các loại cá... Trung bình cứ 4 tháng vườn rau cho thu hoạch, sản phẩm được tiêu thụ tại các cửa hàng nông sản.
Đến cuối năm anh tiếp tục thu hoạch diện tích ao cá. Sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế của gia đình anh Luân cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Giờ đây gia đình anh đã có cuộc sống khá giả hơn nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa vào trồng những loại cây cho hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Phạm Văn Dung ở xóm 10 cũng là một điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương. Trước đây, nguồn thu của gia đình ông chỉ trông vào mấy sào lúa nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi được xã tuyên truyền, vận động về việc tham gia mô hình "Vườn mẫu", gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình VAC.
Trên diện tích 2.200 m2 ông tiến hành trồng ổi, đào cảnh và cây bạch chỉ làm dược liệu, diện tích mặt nước ông tận dụng thả cả. Đến nay gia đình ông đã có cuộc sống khá giả với thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/năm. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều mô hình phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất Khánh Công. Điều đó phần nào minh chứng cho sự năng động, dám nghĩ dám làm của người dân nơi đây, họ đang từng ngày biến mảnh đất nghèo khó trở thành vùng quê nông thôn mới nâng cao.
Đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới
Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Khánh, những năm trước đây cơ sở hạ tầng của Khánh Công chưa phát triển, đường sá đi lại khó khăn. Hình ảnh những cây cầu khỉ cũ kỹ bắc qua sông, những mái nhà tranh đã từng in đậm trong tiềm thức của những người con xa xứ…
Ông Phạm Văn Tính ở xóm 3 cho biết: Năm nay tôi đã hơn 70 tuổi, chứng kiến sự "thay da đổi thịt" của vùng quê nơi mình sinh ra và lớn lên, tôi thấy rất vui mừng. Trước kia kinh tế khó khăn, đi lại vô cùng vất vả, việc giao thương cũng không dễ dàng. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác, bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, nhà nhà, người người cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Được biết, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, năm 2017, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến năm 2022, xã được chọn xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Công tác tuyên truyền đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú nhằm cung cấp đầy đủ thông tin để nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Một nhiệm vụ được xã đặc biệt chú trọng là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền đã vận động nhân dân đầu tư xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo từng lĩnh vực rõ rệt, thực hiện sản xuất đúng theo quy hoạch và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên việc sử dụng tài nguyên đất đai hợp lý, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương chú trọng đưa các loại giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đảm bảo công tác tưới tiêu và chỉ đạo sản xuất kịp thời vụ với tổng diện tích đất gieo trồng là 428 ha.
Ngoài ra, một số loại cây có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như cây trạch tả, bạch chỉ, cây ổi Đài Loan... Đồng thời chuyển đổi 50 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao. Song song với phát triển kinh tế nông nghiệp, xã đã tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm phát triển đa dạng các ngành nghề, dịch vụ thương mại, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Năm 2021, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tiếp tục phát triển, có thêm nhiều ngành nghề mới, một số doanh nghiệp đã quan tâm tạo việc làm cho lao động địa phương... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55,6 triệu đồng/năm.
Đến cuối năm 2021, xã có 73 hộ nghèo, trong đó có 30 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, bị tai nạn, rủi ro bất khả kháng hoặc do bệnh hiểm nghèo. Đến nay toàn bộ đường trục thôn, xã cũng đã được bê tông hóa. 15/15 nhà văn hóa thôn được xây mới, lắp đặt đầy đủ các dụng cụ thể thao phục vụ nhân dân tập luyện và hội họp. 100% nhà ở dân cư đạt chuẩn theo quy định. Các công trình trạm y tế, trường học, sân chơi thể thao đều đạt chuẩn, khang trang, hiện đại.
Ông Phạm Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Khánh Công cho biết: Trên địa bàn xã hầu hết các thôn, các cụm dân cư đều tích cực chỉnh trang và làm đẹp cảnh quan, tạo nên diện mạo mới cho địa phương. Đến nay, xã đã có 8/15 xóm được công nhận khu dân cư kiểu mẫu.
Hồng Nhung