Việc tổ chức chiếu bộ phim là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, góp phần vào việc thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Qua gần một tháng công chiếu, bộ phim đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ… không chỉ thu hút số lượng người đón xem, mà còn mang đến thông điệp đầy tính nhân văn về tâm hồn người Việt, về tình thương giữa con người với con người, sự nhân ái, vị tha giữa những con người…
Sẵn có cảm xúc với những ai đã từng đọc cuốn nhật ký "Đặng Thùy Trâm", bộ phim "Đừng đốt" gây chú ý với khán giả ngay ở những hình ảnh đầu tiên: bệnh xá bị máy bay quần đảo, lệnh sơ tán khẩn cấp, bác sỹ Thùy Trâm xung phong ở lại cùng những thương binh nặng và lời hẹn của những người đi trước "sau 3 ngày sẽ quay lại đón"… Rồi bệnh xá bị bỏ quên, Thùy Trâm và những thương binh nặng hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với bom đạn, với máy bay trên đầu, với sự khốc liệt của thời tiết, sự thiếu thốn về vật chất… Vậy nhưng, trong sự cô đơn đến cùng cực, Thùy Trâm vẫn là chỗ dựa tinh thần cho tất cả thương binh nặng còn lại trong bệnh xá. Nhân vật trung tâm của bộ phim là nữ bác sỹ trẻ người Hà Nội Đặng Thùy Trâm, theo tiếng gọi của Tổ quốc vào chiến trường. Chị có thói quen ghi nhật ký. Tại địa bàn Đức Phổ (Quãng Ngãi) bị bom đạn Mỹ cày nát năm 1970, chị vẫn ghi chép hàng ngày. Khi xem những thước phim về những ngày tháng chiến đấu anh dũng, kiên trì, gan dạ của người nữ bác sỹ trẻ, người xem như đang "lật dở" từng trang nhật ký của chị để thấy trong đó là niềm tin mãnh liệt vào sự sống, ngày chiến thắng và ý chí quyết chiến đấu đến cùng của chị và đồng đội.
Bộ phim được chiếu phục vụ bà con nhân dân xã Kim Trung (Kim Sơn).
Ngay trong buổi khai mạc phim tại Rạp chiếu phim Ninh Bình, hơn 200 khán khả đã đến dự, xem phim và giao lưu với đoàn làm phim. Đạo diễn bộ phim, NSND Đặng Nhật Minh cho biết về quá trình làm phim, tuyển chọn diễn viên và "tiết lộ" về dàn diễn viên ngoại: "Khi sang Mỹ chọn ứng cử viên cho bộ phim, bất ngờ nhất là trên tay mỗi người đều có cuốn nhật ký "Đặng Thùy Trâm" bản dịch tiếng Anh. Các diễn viên cho biết họ đọc rất kỹ cuốn sách, nghiên cứu kỹ kịch bản, hiểu nhân vật. Có diễn viên trong quá trình sang Việt Nam đóng phim, ngày nào họ cũng viết nhật ký… Dường như sự ảnh hưởng từ nhân vật trong phim đã tác động đến suy nghĩ, nhận thức của nhiều người.
Phần lớn những người đã xem bộ phim đều có những khoảng thời gian lặng đi trong xúc động, hoặc không kiềm chế được nước mắt trước hoàn cảnh sống, chiến đấu của thế hệ cha anh trong kháng chiến chống Mỹ giữa "mong manh của sự sống và cái chết". Bác sỹ Lê Thị Hoa (công tác tại Trung tâm y tế thành phố Ninh Bình) không khỏi xúc động cho biết: Là bác sỹ công tác trong ngành y nên tấm gương anh dũng hy sinh của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm khiến không chỉ tôi mà cả nhiều đồng nghiệp phải suy nghĩ, trăn trở về việc phải làm như thế nào để xứng đáng với tấm gương của chị Trâm? Làm sao để luôn thực hiện cho tốt y, đức của người thày thuốc theo đúng lời dạy của Bác Hồ dành cho cán bộ, y, bác sỹ ngành y "lương y như từ mẫu". Theo các đồng chí lãnh đạo Trung tâm PHP và chiếu bóng Ninh Bình, sau 2 buổi xem phim tại Rạp, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp tục đề nghị Trung tâm tổ chức chiếu lưu động tại bệnh viện để những cán bộ, y, bác sỹ vì bận ca trực chưa được xem sẽ được tiếp cận với bộ phim có ý nghĩ sâu sắc đối với ngành y.
Để bộ phim đến được với đông đảo nhân dân trong tỉnh, nhất là người dân vùng sâu, xa, miền núi, Trung tâm PHP và chiếu bóng Ninh Bình đã tổ chức thêm 3 đội chiếu phim nhựa và video để phục vụ và tuyên truyền. Có mặt tại Kỳ Phú, Quảng Lạc (Nho Quan), Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung (Kim Sơn)… bộ phim đem lại nhiều cảm xúc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Trưởng bản Vóng (xã Kỳ Phú- Nho Quan), anh Đinh Văn Sáu bày tỏ: Người dân bản Vóng ít được tiếp xúc với hình thức chiếu phim lưu động như này nên háo hức lắm. Khi xem bộ phim, ai cũng xúc động trước tấm gương hy sinh của nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Đặc biệt, những đoàn viên thanh niên như tôi còn thấm thía hơn về sự cống hiến, hy sinh của thế hệ đi trước đã góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc. Tôi nghĩ: Thanh niên chúng tôi còn phải phấn đấu và nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với lớp cha anh đi trước…
Đến hết tháng 5/2009, bộ phim đã thu hút 10.640 lượt người xem ở các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các địa phương, các trường THCS, THPT trong tỉnh. Trung bình mỗi buổi chiếu đã thu hút từ 200- 750 khán giả. Đặc biệt, có buổi chiếu tại sân bến thuyền Tam Cốc (xã Ninh Hải- Hoa Lư) đã thu hút hơn 1.500 khán giả, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài vì yêu mến, vì biết được câu chuyện của nữ bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã đến xem…
Để sức lan tỏa của bộ phim rộng hơn, Trung tâm PHP và chiếu bóng Ninh Bình đã xin phép Cục Điện ảnh được tiếp tục công chiếu bộ phim trong tháng 6/2009. Hiện tại, cùng với các xuất chiếu tại Rạp chiếu phim tỉnh, 3 đội chiếu phim lưu động đang có mặt ở các xã khó khăn thuộc huyện Kim Sơn, Yên Mô, Nho Quan… góp phần tích cực đưa tư tưởng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của bộ phim đến với nhiều người dân trong tỉnh.
Bài, ảnh: Bùi Diệu