"Nói đi đôi với làm" - thước đo nhận thức đi đôi với hành động, giác ngộ lý tưởng cách mạng, toàn tâm, toàn ý phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng ở CB, ĐV. Những thành tựu của hơn 20 năm đổi mới có sự đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có số đông CB, ĐV luôn dành cả tâm lực, trí tuệ, "nói đi đôi với làm" để hiện thực hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết đó.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ CB, ĐV suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu gương mẫu trong công tác và lối sống, nói không đi đôi với làm, nói một đường làm một nẻo. Nghị quyết Trung ương 5 khóa X nhận định: "Nói chưa đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu gương mẫu còn diễn ra ở nhiều nơi". Có những CB, ĐV chỉ làm tốt công việc ở cơ quan, đơn vị nhưng thiếu gương mẫu trong gia đình, với các sinh hoạt của tổ, khối dân phố; cá biệt có những cán bộ xao lãng trong việc nhắc nhở, giáo dục con cái dẫn tới hư hỏng, trở thành "cậu ấm" để lại mối lo thường nhật cho người dân.
Hệ quả của căn bệnh thiếu gương mẫu, nói không đi đối với làm ở một bộ phận CB, ĐV không chỉ làm chậm quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng mà còn gây ra những phản cảm, tác động xấu đến tâm tư, tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, CB, ĐV.
Sự hòa quyện thống nhất "nói đi đôi với làm" trong tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn có sự cuốn hút, lan tỏa rất lớn đối với cán bộ dưới quyền và quần chúng nhân dân mà mỗi CB, ĐV phải nỗ lực học tập, phấn đấu. Người đã phê phán một số cán bộ "Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được".
Sức lan tỏa của một hành động, việc làm gương mẫu rất lớn, nên Bác luôn nhắc nhở CB, ĐV "Nếu mình thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa ngủ trễ, bảo người ta tiết kiệm mà tự mình xa xỉ, lung tung thì có tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích". Theo Bác, con đường để khẳng định uy tín, sự mẫu mực, tiên phong ở người CB, ĐV là "tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người ta bắt chước".
Nói đi đôi với làm không phải tự nhiên mà có mà đó là một quá trình CB, ĐV phải không ngừng học tập, bồi đắp phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Sự giác ngộ lý tưởng đúng sẽ quyết định cho nhận thức và hành động đúng đắn có hiệu quả. Có như vậy CB, ĐV mới đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, mới không "dĩ công, vi tư", năng động, sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao với kết quả cao nhất. Do đó đặt ra cho các tổ chức đảng cần tổ chức tốt học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho CB, ĐV với những nội dung, hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng hơn.
Gương mẫu - phẩm chất cần thiết ở người CB, ĐV, là mệnh lệnh không lời tác dụng cảm hóa giáo dục rất lớn đến nhân dân. Quần chúng có nhiều khả năng để nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm của CB, ĐV. Tấm gương phản chiếu, lan tỏa ở người CB, ĐV đối với quần chúng đều vận động theo hướng tích cực và tiêu cực. Nếu ở họ luôn là những nhân cách trong sáng, canh cánh toan lo cho sự nghiệp chung thì nó tác động theo hướng tích cực; nếu không thì kết quả sẽ ngược lại. Do đó Người yêu cầu "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".
Kết hợp chặt chẽ tự phê bình của CB, ĐV với phê bình của tổ chức. Thông qua tự phê bình và phê bình giúp cho CB, ĐV khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm, sai phạm. Hằng ngày mỗi CB, ĐV phải nghiêm cẩn tự kiểm điểm, tự phê bình và đối chiếu lời nói, việc làm của mình đã đúng, gương mẫu hay chưa, hiệu quả như thế nào. Có thể nói rất ít ai dám công khai nói lên khuyết điểm của mình trước tổ chức, do đó sự giúp đỡ đấu tranh phê bình của tổ chức là quan trọng. Mục đích của phê bình được Hồ Chí Minh khái quát rất rõ "cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ". Bởi theo Bác khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Do đó mỗi CB, ĐV khi phê bình phải nắm vững nội dung, phương pháp, chọn thời điểm khi phê bình; hướng vào phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Làm sao trong phê bình phải có động cơ trong sáng, thấm đượm tính nhân văn để đối tượng phê bình dễ tiếp nhận và sửa chữa khuyết điểm, sai lầm...
Chủ nghĩa cá nhân là "bệnh mẹ", là mầm họa đẻ ra hàng trăm thứ bệnh khác. Đây là thứ giặc trong lòng rất nguy hiểm, nó "không mang gươm, mang giáo", dễ dàng đưa người ta xa rời những chuẩn mực của đạo đức cách mạng. Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, nói nhiều làm ít, chọn việc dễ bỏ việc khó, sinh ra bệnh tham lam, óc hẹp hòi, đặt lợi ích cá nhân lên lợi ích tập thể, lợi ích của Đảng. Bởi vậy đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận CB, ĐV là cuộc đấu tranh lâu dài, kết hợp tổng thể các biện pháp mới có thể ngăn chặn được. Đó là nhân tố, điều kiện để đẩy lùi những độc tố phản văn hóa, làm cho phần tốt trong mỗi CB, ĐV nảy nở như hoa mùa xuân.
TS. Nguyễn Thế Tư
(Học viện Chính trị khu vực III - Đà Nẵng)