Anh Hân, Chủ tịch UBND xã Kim Trung là một trong những tốp người đầu tiên đến an cư tại đây, mỗi lần nhớ về một thời hăm hở, quyết tâm xây dựng cuộc sống nơi đất lạ này đều không giấu nổi cảm xúc. Như có sức hút, từ Chất Bình (Kim Sơn), anh đã thuyết phục, động viên gia đình xuống nơi đầu sóng làm kinh tế. Ngày ấy, Kim Trung là một vùng hoang vắng, tứ bề chỉ thấy cỏ mọc và sóng biển mênh mông. Biết rằng vạn sự khởi đầu nan, anh kiên trì cùng gia đình bám đất. Rồi không biết bao đêm ngày lăn lộn, bao nhiêu giọt mồ hôi đã đổ xuống, cuối cùng mảnh đất hoang được phân chia rộng hàng mẫu của gia đình anh đã trở thành thửa ruộng cói màu mỡ, phì nhiêu.
Không chỉ riêng gia đình anh mà tất thảy mọi người đến đây, không nề hà, không kể lạ, quen, họ cùng nhau bắt tay vào cải tạo từng tấc đất. Bàn tay làm nên tất cả, bãi bồi trở thành đồng cói bát ngát, thẳng cánh cò. Thu nhập từ cói đã dần mang lại cuộc sống no đủ cho người dân. Những ngôi nhà mái ngói, mái bằng đua nhau mọc lên đầm ấm.
Khi mới thành lập, toàn xã có 521 hộ, đến nay tăng lên 713 hộ, 7.100 nhân khẩu, ở 6 thôn, xóm. Mặc dù là dân "tứ xứ", ở 11 tỉnh, 27 huyện, 60 xã, với những nét văn hóa, phong tục tập quán khác nhau về đây định cư, nhưng tất cả đều hội tụ, đoàn kết, cùng nhau xây dựng làng xóm bình yên.
Cuộc sống ngày một phát triển, với mong ước chinh phục, khai thác thế mạnh, tiềm năng của vùng đất này, người dân bắt đầu có hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, không dừng lại ở độc canh cây cói mà kết hợp nuôi tôm, cua, vươn đến xây dựng vùng con nuôi công nghiệp, sản xuất hàng hóa.
Từ năm 1998, nhiều hộ đã thử nghiệm đưa vào nuôi thả tôm, cua mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình thành công nhanh chóng được nhân ra diện rộng. Năm 1999, 2000, Kim Trung trở thành một vùng sầm uất, sôi động, người người, nhà nhà chuyển hoàn toàn đất ruộng sang làm đầm nuôi tôm, cua. Nhiều nhà giàu lên trông thấy vì nguồn lãi thu được khá cao.
Mỗi năm 2 vụ (tôm và cua), trung bình thả 1 ha, đầu tư khoảng 8 triệu đồng tiền giống tôm, cho thu hoạch khoảng 70 triệu đồng/vụ, thả 25 triệu cua giống sẽ cho thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ.
Tập trung làm kinh tế, hầu như hộ dân nào cũng cắm "sổ đỏ" ngân hàng vay vốn đầu tư vào đầm nuôi. Song cái nghề nuôi tôm, cua lại nghiệt ngã, "được ăn cả, ngã về không", được thì thu cao nhưng rủi ro lại rất lớn. Vài năm sau đó, con tôm, cua bỗng dần bị thất thu, nếu như vào năm 2003, 2004 cứ 100 hộ nuôi có khoảng 40 hộ có lãi thì đến nay chỉ có khoảng 2 hộ có lãi, 28 hộ hòa vốn (chưa tính công), 70 hộ thua lỗ.
Như "đánh bạc với trời", hiện hầu hết các hộ trong xã đều đang trong tình trạng lao đao vì tôm, cua mất mùa, nợ ngân hàng chồng chất, hộ ít cũng vài chục triệu đồng, hộ nhiều lên đến hàng trăm triệu, đang loay hoay tìm hướng đi mới. Nguồn thu chủ yếu từ nuôi trồng thủy sản, bởi thế khó tránh khỏi tỷ lệ hộ nghèo cao. Và đến bây giờ người dân trong xã mới thấu hiểu, rút ra một điều rằng không nên chuyển đổi sản xuất một cách ồ ạt, trong khi chưa hiểu nhiều về con tôm, con cua, về sự thích ứng của nó với vùng đất này; chưa có hệ thống, cơ sở hạ tầng hoàn thiện....
Trên 15 năm định cư, gắn bó máu thịt với mảnh đất Kim Trung, qua quá trình canh tác, tích lũy kinh nghiệm, người dân Kim Trung nhận thấy cần phải có hệ thống kênh dẫn nước ngọt cắt từ Bình Minh và Cồn Thoi về đến xã, nhằm rửa mặn để thuần hóa chất đất phục vụ cho nuôi trồng thủy sản cũng như trồng trọt. Con tôm sú, cua rèm xanh, tôm thẻ chân trắng đang được nuôi thả ở đây khả năng phù hợp với môi trường nước lợ hơn, không có khả năng chống chịu, phát triển được trong nước mặn. Đồng thời có dòng nước ngọt người dân sẽ tập trung vào nuôi thả các loại thủy sản khác như cá trắm, trôi... vì thực tế đã có một số hộ nuôi cho hiệu quả cao, tăng trọng nhanh; và phát triển đa dạng các mô hình khác như trồng rau các loại, cây vụ đông, ngô, khoai, chăn nuôi gia súc, gia cầm khác.
Bên cạnh đó cần có sự đầu tư để hoàn thiện hệ thống kênh mương, thủy lợi trong xã, nhất là việc cần thiết phải xây dựng trên 10 km những đoạn kênh dẫn nối từ 16 cống như cống BM5, BM6, BM7... đã được xây dựng từ năm 2006, 2007 đang để không.
Để vùng đất năng động, giàu tiềm năng Kim Trung được khai thác đúng tầm, hơn lúc nào hết, Kim Trung đang cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự thủy chung, cần cù, kiên trì của người dân nơi đây.
Bài, ảnh: Hoàng Tâm