Tuy nhiên, từ việc sử dụng tiền lẻ khi đi lễ chùa, lễ hội của người dân đã nảy sinh nhiều vấn đề cần sự quan tâm vào cuộc của các ngành chức năng như: dịch vụ đổi tiền lẻ sai quy định; việc tùy tiện cài, đặt tiền lẻ vào tay tượng; hiện tượng thả tiền, ném tiền lẻ tại các di tích, lễ hội… đã khiến việc thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích, đền chùa… dịp đầu năm chưa được trọn vẹn.
Ngay từ những ngày giáp Tết Nguyên đán, vấn đề tiền lẻ đi lễ đã trở thành câu chuyện và mối quan tâm của nhiều bà, nhiều chị. Người nào cũng huy động các mối quan hệ của mình để có thể sở hữu những đồng tiền mệnh giá nhỏ như: 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng để sử dụng khi đi lễ chùa, lễ hội đầu năm. Theo chị Phan Thị Hải (phường Thanh Bình- thành phố Ninh Bình): Do tiền lẻ mệnh giá nhỏ khan hiếm nên phải có người quen ở ngân hàng mới có thể đổi được. Dù khó nhưng tôi cũng nhờ cậy để đổi được mấy trăm nghìn tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng để phục vụ cho việc đi lễ đầu năm. Theo chị kể, đã vào đền, chùa là phải đặt lễ. Mà đầu năm đi nhiều nơi không thể nơi nào cũng chuẩn bị được chu đáo lễ vật nên tiền lẻ được coi là "lễ" thuận tiện hơn cả để đặt lên các ban thờ trong chùa, đền… Đã có lần, do ý thức được việc đặt tiền lẻ nhiều nơi là việc không nên nên chị sử dụng tiền mệnh giá lớn hơn để đặt lễ tại ban chính. Nhưng rồi lại cứ thấy áy náy vì xung quanh mọi người vẫn đặt ở khắp các ban trong chùa, trong đền… Cũng như chị Phan Thị Hải, việc sở hữu tiền lẻ trong tay vào dịp trước Tết được nhiều người quan tâm. Ngay trong mấy ngày đầu xuân, cùng gia đình đi lễ đền, chùa trên địa bàn thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đâu đâu chúng tôi cũng thấy sự xuất hiện của tiền lẻ mệnh giá nhỏ. Chuyện sẽ không có gì để bàn luận nếu tiền lễ được đặt đúng quy định, được sử dụng một cách "tế nhị".
Mặc dù vào các di tích lịch sử, các chùa, đền… đều có bảng ghi rõ quy định du khách không được đặt tiền lẻ bừa bãi, đặt lên tay tượng Phật, nhưng nếu không có người của Ban quản lý di tích đứng gần, nhắc nhở, vẫn có người phải đặt tiền lên tượng bằng được thì mới yên tâm. ở một số nơi chúng tôi đến, việc đặt tiền lễ không có gì đáng phàn nàn thì lại xảy ra tình huống: Người đi lễ vừa đặt tiền lên để lễ, đã thấy người của ban quản lý hay người trông coi chùa, đền chạy đến thu hết tiền lẻ trên đĩa để cho vào các hòm công đức, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của không khí lễ chùa đầu năm, khiến người đi lễ cảm thấy bức xúc, khó chịu. Nếu như ở các đền, chùa nhỏ không có tình trạng đổi tiền lẻ, thì ở những khu di tích nổi tiếng, dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn có cơ hội làm ăn với việc "đổi 10 ăn 9", nghĩa là 100.000 đồng tiền chẵn đổi lấy 90.000 đồng tiền lẻ…
Trao đổi với ông Phạm Ngọc Văn, Trưởng phòng Gia đình, Nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được biết thêm: Dịch vụ đổi tiền lẻ, việc sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ tại các di tích, các đền, chùa, miếu, mạo… trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn diễn ra. Hiện tượng cài tiền vào tay tượng, tay phật, ném, thả tiền xuống giếng, rải tiền, cài đặt tiền trong di tích, lấy tiền xoa miết vào phật, tượng, đồ thờ tự… vẫn còn tồn tại. Tiền lễ, hoa dâng lễ, gạo muối ở một số nơi chưa được thu gom kịp thời làm ảnh hưởng tính tôn nghiêm nơi thờ tự. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung lại là do một bộ phận du khách tham gia lễ hội; đi lễ đầu xuân có sự "thái quá" về niềm tin tín ngưỡng, cố chen lấn xô đẩy, tìm mọi cách đạt mục tiêu của mình để cầu lộc, cầu tài, cầu danh… mà quên đi việc giữ gìn sự linh thiêng, tôn nghiêm và vẻ đẹp thanh tao của mỗi lễ hội, chưa thực sự hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về các địa chỉ được tín ngưỡng, thờ tự. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn nằm ở việc một số địa phương sự phối, kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành còn thiếu chặt chẽ, bị động trong công tác quản lý và tổ chức. Công tác thanh tra, kiểm tra tuy đã được tiến hành, song chưa xử lý nghiêm và triệt để hành vi vi phạm; các chế tài chưa đủ sức răn đe nên các vi phạm vẫn còn tái diễn.
Đối với việc quản lý sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng theo Công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2014, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, tại các khu di tích để kiểm tra việc quản lý giá cả hàng hóa dịch vụ trong lễ hội; xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội; kịp thời ngăn chặn tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng giá, ép giá dịch vụ, xâm phạm di tích, danh lam thắng cảnh; đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền giọt dầu tùy tiện... Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, lễ chùa, hướng dẫn các địa phương, các ban quản lý di tích, di sản hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh khi lễ chùa, tham gia lễ hội. Bố trí, sắp xếp hợp lý hòm công đức, nơi đặt tiền giọt dầu, lư hương, hạn chế đốt vàng mã, không đốt đồ mã. Hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ không ném tiền bừa bãi, gài tiền vào tượng cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích. Ban quản lý di tích bố trí lực lượng phù hợp để kịp thời thu gom các loại hương, tiền giọt dầu và tiền lễ mà người hành lễ đã đặt tại những vị trí không thích hợp.
Từ lâu nay, việc đặt tiền lẻ khi đi lễ chùa, khi tham gia các hoạt động lễ hội dường như đã trở thành một thói quen ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Việc làm này được thực hiện đúng quy định, tiền lẻ được đặt đúng nơi, đúng vị trí, sử dụng đúng mục đích… thì không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, do vẫn còn tình trạng sử dụng đồng tiền lẻ chưa hợp lý làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nếp sống văn minh ở các nơi thờ tự, đền, chùa nên rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các ngành chức năng trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân và du khách sử dụng đồng tiền hợp lý, có mục đích văn hóa, khắc phục tình trạng sử dụng tùy tiện đồng tiền Việt Nam, đặc biệt là tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội.
Bùi Diệu