Có được kết quả đó là nhờ Hội Nông dân các cấp đã luôn có sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu xác định đối tượng có nhu cầu vay vốn đến quản lý, giám sát mục đích sử dụng nguồn vốn, đồng thời thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khác thông qua việc chuyển giao KHKT; cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi trả chậm.
Ba năm về trước, anh Bùi Quang Thành (thôn 7, xã Quang Sơn) hoàn cảnh gia đình anh đặc biệt khó khăn, vợ mất sớm, một mình anh bươn trải nuôi hai con ăn học. Cuộc sống của 3 bố con chỉ trông vào 2 sào ruộng, chăm chỉ cày cấy, đôi khi anh còn phải đi làm thuê mà đói nghèo vẫn cứ đeo bám. Trong đợt khảo sát hộ nghèo và các gia đình có nhu cầu vay vốn sản xuất do Hội Nông dân triển khai, anh Thành đã được Hội tạo điều kiện vay vốn xóa đói, giảm nghèo là 15 triệu đồng. Nhận được nguồn vốn vay, anh đầu tư mua một con bò và một chiếc xe kéo để làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Đến nay, gia đình anh không những thoát nghèo mà còn khá lên nhiều.
Qua Hội Nông dân, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách còn giúp cho nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu. Gia đình bà Phạm Thị Luyến có 5 sào chè, do không có tiền mua phân bón nên năng suất chè của nhà bà rất thấp, kinh tế khó khăn. Năm 2009, bà Luyến vay được 10 triệu đồng từ nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo. Từ nguồn vốn này, bà Luyến mua một con bò và đầu tư thâm canh vườn chè, kinh tế khá dần lên, bà lại mở rộng sang thu mua chè để xuất sang các tỉnh lân cận. Bà Luyến cho biết: Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi mà gia đình tôi mới có cơ hội thoát nghèo, làm giàu và xây dựng được một cơ ngơi khang trang.
Theo số liệu tổng hợp từ Hội Nông dân thị xã, đến thời điểm này, các cấp Hội đang quản lý, sử dụng trên 38 tỷ đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Có 74 tổ tiết kiệm vay vốn ở 8 xã, phường với 2.254 hội viên. 74/74 tổ tiết kiệm vay vốn đã huy động được tiền gửi tiết kiệm với số tiền 521 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Tam Điệp cho biết: Xác định đa số các hộ nghèo là do thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn, do vậy trước khi giải ngân, Hội đều tổ chức các lớp chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hội viên; thậm chí định hướng sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Trong quá trình sử dụng vốn, các cấp Hội cơ sở thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nếu chẳng may cây trồng, vật nuôi của hội viên bị bệnh, Hội lập tức nhờ các cơ quan chuyên môn đến để tư vấn, giúp đỡ. Nhờ vậy, đa phần nguồn vốn được các hội viên sử dụng có hiệu quả. Nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi cua đồng, trồng hoa ly, nuôi gà an toàn sinh học... Năm 2011, trong số 169 hội viên Hội Nông dân nghèo, đã có 32 hộ thoát nghèo nhờ sự phối hợp, giúp đỡ của Hội Nông dân thị xã.
Nguyễn Lựu