Với tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.499 di tích, được phân bố đều khắp 145 xã, phường, thị trấn. Nhiều địa phương trong tỉnh còn là nơi duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian như: hát xẩm, hát chèo, ném còn, hát sắc bùa, cồng chiêng… Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà trường đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thống, nâng cao hiệu quả việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học. Thực hiện sự chỉ đạo của ngành Giáo dục, sự phối hợp chặt chẽ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà trường đã chủ động lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện của từng trường, từng địa phương. Các nhà trường đã lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học, nhất là đối với các môn học như: lịch sử, địa lý, âm nhạc; trong các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, các hoạt động văn nghệ, thể thao có liên quan đến chủ đề di sản… Bên cạnh đó, các trường đã hướng dẫn, giới thiệu cho học sinh tự tìm hiểu, khai thác thông tin khác về di sản văn hóa thông qua các tư liệu, hiện vật; đẩy mạnh hoạt động chăm sóc di tích, các hoạt động giáo dục tại di tích, tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng...
Trường THCS Lê Lợi (thị xã Tam Điệp) là ngôi trường có nhiều thuận lợi trong việc đưa di sản văn hóa vào dạy học. Đây là ngôi trường nằm trên địa bàn phường Nam Sơn, nơi có quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là phòng tuyến Tam Điệp- Biện Sơn với các địa danh, dấu tích lịch sử như: Kẽm Đó, Lũy Quang Trung, núi Cắm Gươm, núi Cắm Cờ, núi Chong Đèn, núi Hầu Vua, núi Vương Ngự; các di tích đền Dâu, đền Quán Cháo, Lũy Quèn Thờ, đền Quèn Thờ gắn với danh thắng động Trà Tu, hồ Yên Thắng, hồ Mừng, hồ Đoòng Đèn. Thực hiện việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học, nhà trường đã triển khai gắn liền với phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Là một trong 5 nội dung của phong trào, hoạt động chăm sóc di tích lịch sử văn hóa của địa phương được nhà trường quan tâm triển khai cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích. Để thu hút sự tham gia đông đảo, tích cực của học sinh đối với các hoạt động giáo dục trong nhà trường và tại cộng đồng, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của giáo viên trong việc thực hiện yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục, nêu cao ý thức tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh, Ban chỉ đạo phong trào thi đua của nhà trường đã chỉ đạo các đoàn thể, nhất là Liên đội thiếu niên tổ chức và duy trì thường xuyên các hoạt động tìm hiểu và chăm sóc di tích lịch sử văn hóa của địa phương.
Nhà trường đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tại địa phương cùng giáo viên, học sinh đi tìm hiểu thực tế, sưu tầm các tư liệu về quần thể Khu di tích lịch sử Phòng tuyến Biện Sơn - Tam Điệp. Tổ chức các buổi ngoại khóa để giáo viên và học sinh đến tham quan, nghe giáo viên bộ môn lịch sử tường thuật về những trận đánh, những câu chuyện lịch sử đã diễn ra tại khu di tích gắn liền với tên tuổi của các nhân vật lịch sử như: Lão tướng Đô Dương trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Dương Đình Nghệ cùng với chiến công năm 930, nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi, kế sách của Ngô Thì Nhậm tại di tích Kẽm Đó… Cùng với các buổi ngoại khóa, nhân các dịp học sinh đến chăm sóc, quét dọn khu di tích, nhà trường còn mời các bậc cao niên ở đền Dâu và đền Quán Cháo kể về nguồn gốc lịch sử, thần tích 2 ngôi đền gắn liền với tên tuổi người anh hùng áo vải Quang Trung để các em thêm hiểu về các trận đánh, giai đoạn lịch sử diễn ra tại Khu di tích. Không chỉ được nghe, được tìm hiểu về truyền thống, lịch sử, trường đã có nhiều hoạt động để giúp học sinh ghi nhớ và áp dụng việc sử dụng di sản văn hóa trong học tập như: tổ chức cho toàn Liên đội thi tìm hiểu về quần thể khu di tích lịch sử, phân công các lớp thay phiên nhau 2 tuần/buổi vào chiều thứ 7 tham gia quét dọn di tích đền Dâu, mỗi năm một lần thầy và trò tham gia trồng cây xanh tại Kẽm Đó vào mùa xuân. Riêng đối với học sinh khối lớp 8, 9, ngoài việc tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, các em còn viết bài thuyết minh, giới thiệu về di tích lịch sử ở địa phương theo từng đề bài cụ thể được lồng ghép trong môn học Ngữ văn…
Lâu nay, học sinh vẫn còn thờ ơ, chưa có sự quan tâm thỏa đáng đối với bộ môn lịch sử. Do đó, việc các nhà trường quan tâm đẩy mạnh việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học cũng được đánh giá là một trong các biện pháp hữu hiệu để giúp học sinh thêm hiểu, thêm yêu môn lịch sử. Đây cũng là hoạt động hữu ích giúp cho giáo viên có thêm tư liệu để bổ sung vào các bài giảng, tích cực đổi mới phương pháp dạy học.
Bài, ảnh: Bùi Diệu