Về thăm đền Sầy, đình Ác - những di tích lịch sử cấp Quốc gia, nơi từng diễn ra nhiều hoạt động cách mạng trong thời kỳ Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), ai cũng bồi hồi, xúc động và tỏ lòng thành kính, biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Chứng tích lịch sử năm xưa nay là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của người dân trong xã như vẫn còn vang vọng đâu đây âm hưởng của những ngày sục sôi khởi nghĩa năm nào.
Tên các đồng chí đảng viên đầu tiên như: Đinh Tất Miễn, Lê Trần Thuyết... như khắc ghi trong tâm trí mỗi người khi được nghe đồng chí Đinh Văn Nho, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thành kể về lịch sử đấu tranh của quê hương, sự hy sinh cao cả của những người con kiên trung ấy. Đến thăm cụ Nguyễn Hữu Dự, lão thành cách mạng 84 tuổi đời, 63 tuổi Đảng, theo dòng hồi ức của cụ, chúng tôi như được sống lại những ngày tháng sục sôi đấu tranh cách mạng của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai. Cụ kể: "Năm 1943, vừa tròn 16 tuổi, được giác ngộ cách mạng, tôi làm liên lạc rồi vào thanh niên cứu quốc vận động quần chúng nhân dân tham gia phá kho thóc Nhật, về chia cho dân từng thôn để cứu đói. Để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, đội vũ trang của chúng tôi được huấn luyện tại xã Gia Sinh, lúc đó không khí rất dồn dập, khi có lệnh đi giành chính quyền, nhân dân trong xã kéo đi như trẩy hội, Trung đội vũ trang chúng tôi kéo về đánh chiếm huyện lỵ Gia Viễn, góp phần cùng các lực lượng khác giành chính quyền về tay nhân dân... Sau đó, theo sự phân công của cách mạng, tôi vào Quân đội tham gia kháng chiến, đảm nhận nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, luôn tận tâm phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân đến khi được Đảng và Nhà nước cho về nghỉ chế độ tại quê nhà. Dù ở cương vị nào, tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...".
Nói về những năm tháng hoạt động, gương mặt người lão thành cách mạng đã ngoài 80 tuổi như bừng sáng, ánh mắt cụ lấp lánh niềm vui xen lẫn tự hào. Trong dòng hồi ức của cụ vẫn không mờ phai âm vọng hào hùng của một thời cả dân tộc sục sôi kháng Nhật, chống Pháp, khi âm thầm bền bỉ trong xây dựng lực lượng, khi quyết liệt trong tiếng súng chống quân thù, người dân Sơn Thành vẫn một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ, cùng nhân dân cả tỉnh lập nên bao kỳ tích. Trong cuộc các kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược, thanh niên trai tráng của quê hương Sơn Thành đã hăng hái lên đường tòng quân giết giặc. Nhiều người con của quê hương đã vĩnh viễn ra đi. Toàn xã có hơn 60 thương binh, 30 bệnh binh, 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 24 cụ lão thành cách mạng…
Trạm bơm Sơn Thành đang được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất
Người dân Sơn Thành tự hào được sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nên luôn nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn, xứng đáng với truyền thống hào hùng của quê hương. Vùng quê hôm nay đã bát ngát màu xanh của cây trái, nhiều ngôi nhà cao tầng, mái bằng kiên cố mọc lên san sát, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, phong quang.
Theo đồng chí Đinh Văn Nho, Bí thư Đảng ủy xã thì thành tựu lớn nhất của xã trong thời gian qua là đã từng bước hoàn thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông nông thôn, phát triển hệ thống kênh mương nội đồng để tạo đà cho kinh tế phát triển.
Song song với đó, chính quyền xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn sản xuất thông qua hoạt động ủy thác của các tổ chức hội như: Hội CCB, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Đồng thời, phối hợp chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt cho bà con nông dân. Nhờ đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, xã đã có bước "đột phá" trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích lúa lai, tiến hành thâm canh 3 vụ: vụ đông xuân, vụ lúa tái sinh và vụ mùa. Riêng 110 ha diện tích đất ngoài đê hiệu quả thấp được chuyển sang mô hình lúa - cá và nuôi vịt cho thu nhập cao. Đến nay, tổng sản lượng lương thực của xã đạt 2.836 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 830 kg/người/năm. Từ đó đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, toàn xã có 234 con trâu, bò; 4.200 con lợn; trên 40 nghìn con gia cầm các loại; 47 con dê; 96 con nhím…, trong đó có trên 20 hộ chăn nuôi lợn ở quy mô gia trại từ 40-50 con/lứa.
Mặt khác, Sơn Thành còn có nhiều chính sách khuyến khích du nhập các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với kinh doanh, buôn bán nhỏ, chế biến nông sản, các nghề móc hộp, đan bèo bồng, may xuất khẩu mới du nhập cũng đã tạo việc làm cho trên 100 lao động tại địa phương...
Kinh tế phát triển, cuộc sống người dân được cải thiện, diện mạo nông thôn mới ngày càng rõ nét với các công trình trường học, trạm y tế, đài Tổ quốc ghi công, nhà công sở... được xây dựng khang trang. Đến nay, trường Mầm non, trường Tiểu học, Trạm y tế đã đạt chuẩn Quốc gia; 85% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 10/13 đạt danh hiệu Làng văn hóa… Đảng bộ xã Sơn Thành 19 năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.
Phát huy truyền thống anh hùng trong thời kỳ kháng chiến và những thành quả trong công cuộc đổi mới hôm nay, Đảng bộ và nhân dân Sơn Thành đang đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng - nơi sinh ra đồng chí Đinh Tất Miễn, Bí thư Đảng bộ đầu tiên của tỉnh.
Bài, ảnh: Quốc Khang