Về xã Sơn Thành trong những ngày này có thể thấy không khí phấn khởi trong mỗi thôn, xóm và nét hồ hởi của bà con nông dân về một vụ đông xuân khá thắng lợi. Gặp ông Trần Văn Toan ở thôn ác, một trong số nhiều người mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo chỉ đạo của chính quyền, hướng dẫn của HTX nông nghiệp, ông cho biết: Vụ đông xuân 2012, gia đình ông cấy hơn 1 mẫu lúa, được HTX nông nghiệp tuyên truyền về lợi ích của các giống lúa có tiềm năng năng suất cao nên gia đình ông đã bỏ giống thuần chuyển sang cấy 100% diện tích bằng giống lúa Phú ưu 978, Thục hưng 6; cuối vụ thu hoạch, gia đình hạch toán thấy giá trị kinh tế hơn hẳn so với việc sử dụng giống lúa thuần trong sản xuất. Cùng với chuyển đổi giống lúa, gia đình ông Toan còn chú trọng phát triển nuôi lợn nái sinh sản. Ông Toan tâm sự: Thực hiện đúng định hướng phát triển nông nghiệp, chăn nuôi của xã và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ HTX nông nghiệp, hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ rệt.
Những năm gần đây, xã Sơn Thành đã đẩy mạnh phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, triển khai nhiều giải pháp phát huy các nguồn lực đầu tư vào các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như đính hạt cườm, may túi xuất khẩu…, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện tại, tỷ trọng ngành nghề dịch vụ chiếm 16% trong cơ cấu kinh tế của xã; trên địa bàn đã có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định, như cơ sở may túi xuất khẩu của anh Nguyễn Văn Cường ở thôn Ráy, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương với mức thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng...
Chị Nguyễn Thị Phong, người dân xã Sơn Thành làm việc tại cơ sở may túi xuất khẩu của anh Nguyễn Văn Cường cho biết: Trước đây tôi và chị em trong thôn ngoài việc cấy 2 vụ lúa không có nghề phụ để tăng thu nhập, do đó cuộc sống gặp không ít khó khăn, từ khi vào làm may có thêm thu nhập, cuộc sống gia đình đã dần ổn định.
Là xã đồng chiêm trũng, đồng đất không bằng phẳng, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp không ít. Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho phù hợp nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua xã Sơn Thành đã vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, từng bước hình thành những vùng sản xuất để đảm bảo cho việc chăm sóc cho cây trồng.
Xã huy động các nguồn lực cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, phục vụ cho tưới tiêu. Hiện tại, Sơn Thành có vùng sản xuất lúa trong đê, vùng sản xuất lúa-cá và vùng nuôi vịt ngoài đê. Xã Sơn Thành chỉ đạo ở vụ đông xuân cấy bằng các giống lúa lai, lúa cao sản như Nhị ưu 527, Phú ưu 978, Thục hưng 6… cho năng suất cao để đảm bảo an ninh lương thực cho cả năm. Còn ở vụ mùa, do thường xuyên bị ngập úng nên Sơn Thành đã chỉ đạo bà con chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thả cá, kết hợp nuôi vịt….
Kết quả, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã Sơn Thành đạt 14,8 triệu đồng/năm; bình quân lương thực tính theo đầu người đạt 880 kg/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn trên 16% theo tiêu chí mới, nhờ đó, diện mạo của xã Sơn Thành ngày càng đổi mới.
Trong thời gian tới, Sơn Thành tiếp tục phấn đấu tăng tỷ trọng ngành nghề dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của xã, phấn đấu đến năm 2015 đạt 25%, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng bền vững.
Bảo Yến