Những ngày cuối năm, chúng tôi về xã Sơn Lai, đi đến đâu cũng nhận thấy sự hoan hỉ của người dân, ai cũng vui mừng khi quê hương ngày càng đổi mới. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bình phấn khởi nói: Được sự đầu tư của Nhà nước nên năm nay 100% đường trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; đường ngõ, xóm cũng được bê tông hết rồi, không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa như trước nữa.
Quả thật nơi đây có một sự thay đổi diệu kỳ. Chỉ cần 5 năm về trước, khi ai đến Sơn Lai cũng cảm nhận được sự khó khăn của vùng đất khô cằn sỏi đá. Hạ tầng giao thông, thủy lợi phân bố rộng, tỷ lệ đạt chuẩn thấp; cơ sở vật chất văn hóa, môi trường chưa hoàn thiện cần nguồn đầu tư lớn... Trong khi đó, nguồn thu ngân sách xã hạn hẹp, diện tích đất quy hoạch đấu giá ít, giá trị thấp, nên việc huy động nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Sơn Lai cho biết: Năm 2010, khi mới bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Lai mới đạt 2/19 tiêu chí nông thôn mới gồm: Tiêu chí số 18 - Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật và Tiêu chí số 19 - Quốc phòng và An ninh. Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ hết mình của người dân, đến nay xã đã hoàn thành 20/20 tiêu chí, tăng 18 tiêu chí so với năm 2010.
Điểm nổi bật nhất trong chặng đường xây dựng nông thôn mới của Sơn Lai phải kể đến sự chuyển dịch mạnh mẽ của cơ cấu kinh tế. Trong phát triển nông nghiệp, xã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi. Hiện toàn xã có 1.123 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó diện tích đất vụ đông xuân 566 ha, vụ mùa 390,7ha, vụ đông 150 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 16 ha. Phát huy lợi thế vùng miền, xã đã vận động bà con nhân dân tập trung phát triển kinh tế vườn đồi, hỗ trợ nhân dân cải tạo vườn tạp, đất đồi rừng trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, mít Thái, ổi lai... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Duy trì và phát triển có hiệu quả 2 mô hình: Mô hình 1 lúa - 1 cá 200 ha, sản lượng thu hoạch 1,5 tấn/ha/vụ; mô hình rau, củ quả an toàn trên 30 ha, thu nhập 270 triệu đồng/ha/năm.
Xã đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích thực hiện 290,72 ha. Trong đó, nhân dân hiến đất để làm giao thông, thủy lợi là 13,1 ha; kinh phí nhân dân đóng góp 1.820 triệu đồng. Trước khi dồn điền, đổi thửa, bình quân 10,5 thửa/hộ, sau dồn điền, đổi thửa bình quân 4,5 thửa/hộ.
Việc hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của vùng kinh tế. Từng bước cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển, toàn xã đã có 12 máy làm đất, 8 máy tuốt lúa, đã đáp ứng kịp thời cho sản xuất nông nghiệp.
Về chăn nuôi, xã đã khuyến khích phát triển gia trại, trên địa bàn xã hiện có 12 gia trại chăn nuôi. Quan tâm phát triển các mô hình nuôi thủy sản trên ao, đầm; duy trì ổn định 200 ha diện tích nuôi thủy sản một lúa, một cá có hiệu quả kinh tế cao. Tổng thu nhập từ ngành nghề nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 62,2 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền xã tăng cường các giải pháp, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã nhằm thu hút lao động, giải quyết việc làm. Đến nay, trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp, trong đó có 1 nhà máy sản xuất tinh bột sắn, 1 công ty may xuất khẩu, 1 công ty sản xuất gỗ ván ép; 176 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể các loại hình dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp như: kinh doanh vận tải, xây dựng, nghề mộc, cơ khí... Qua đó, cơ cấu lao động đã có bước chuyển dịch mạnh từ lao động nông nghiệp sang lao động các ngành nghề phi nông nghiệp. Ước tính có trên 1.230 lao động tham gia trong các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Trên địa bàn xã có 1 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt 6 khâu dịch vụ sản xuất nông nghiệp như: Dịch vụ nước, vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng điền, thủy lợi nội đồng, liên kết bao tiêu nông sản.
Công tác dạy nghề, tạo việc làm được quan tâm. Thời gian qua, xã đã phối hợp tổ chức 4 lớp dạy nghề cho 250 lao động nông thôn, mở 12 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho 1.500 lượt người tham gia, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Có thể thấy, với những nỗ lực trong phát triển kinh tế và phong trào xây dựng nông thôn mới đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo vùng quê Sơn Lai. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2017 đạt 35,23 triệu đồng, tăng 23,6 triệu đồng so với năm 2010; đến hết năm 2018 thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 39,1 triệu đồng. Đây là cơ sở vững chắc để Sơn Lai ngày càng phát triển và hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguyễn Thơm