Chúng tôi về Sơn Lai đúng vào dịp người dân nơi đây đang thu hoạch lứa dưa chuột cuối cùng. Từ xa, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tấp nập hái dưa dưới ruộng đem lên cân cho thương lái. Trong niềm vui, phấn khởi được mùa, hầu hết bà con nông dân đều khẳng định, cây dưa là cây trồng hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Cây dưa có ở Sơn Lai đã lâu nhưng phong trào trồng dưa leo trên đất ruộng được bà con áp dụng phổ biến mới khoảng 2 năm nay.
Nhất là sau khi dồn điền, đổi thửa, nhiều hộ có điều kiện mở rộng diện tích trồng dưa và các cây rau màu khác lên đến cả mẫu. Tiêu biểu phải kể đến gia đình anh Kiều Văn Hồng, thôn Đính Chàng có gần 1 mẫu ruộng trồng các loại dưa, rau màu. Anh Hồng cho biết: Trước đây, toàn bộ diện tích gia đình anh cấy 2 vụ lúa nhưng hiệu quả không cao.
Từ khi dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, anh quyết định chuyển đổi sang trồng dưa leo và một số cây màu khác. Ngoài đất ruộng của gia đình, anh Hồng còn đấu thầu thêm 9 sào đất 5% kém hiệu quả của xã để sản xuất.
Gần 1 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả, anh trồng 1 vụ dưa chuột, 1 vụ dưa lê, sau đó là vụ rau su hào, cải bắp. Đây là mô hình rất hiệu quả, cho thu nhập cao gấp 5 lần so với cấy lúa.
Riêng ở những diện tích đất 5% của xã trước đây bỏ hoang hoặc thu hoạch chỉ được 40-50kg/sào thì sau chuyển đổi thu nhập còn cao hơn trồng lúa rất nhiều.
Chỉ tính riêng cây dưa chuột, sau khi trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập từ 5-6 triệu đồng/sào, cả các cây màu khác mỗi năm gia đình anh đạt từ 9-10 triệu đồng/sào. Chính từ nguồn thu nhập mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp đã giúp gia đình anh Hồng có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và trở thành hộ tiêu biểu về phát triển kinh tế của xã Sơn Lai.
Cũng là hộ tích cực chuyển đổi từ cấy lúa sang mô hình trồng cây dưa, ông Nguyễn Quốc Trực, thôn Đính Chàng cho biết: Dưa chuột là giống dễ trồng và cần ít công chăm sóc hơn so với các loại cây trồng khác. Kỹ thuật trồng dưa chuột khá đơn giản, người trồng cần đầu tư ban đầu là một bộ giàn đỡ bằng nứa cho dưa leo, nếu bảo quản tốt có thể dùng được từ 3-5 vụ.
Để xây dựng được thương hiệu dưa sạch, an toàn, những người trồng dưa ở Sơn Lai đã tuân thủ theo các yêu cầu về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
Trong quá trình trồng và chăm sóc chỉ dùng thuốc trừ sâu duy nhất một lần vào thời điểm cây phát triển 3-4 lá, sau đó bón thúc phân NPK và phân đạm, sử dụng nước tưới từ nguồn nước đảm bảo.
Năm nay, sau khi dồn điền, đổi thửa, gia đình ông có 1,4 mẫu ruộng tập trung vào một khu rất thuận tiện cho sản xuất. Như mọi năm thời điểm này đã hết vụ dưa chuột nhưng năm nay gặp rét, cây dưa bị chết nên các hộ dân phải trồng lại nên thời điểm thu hoạch cũng muộn hơn.
Nhìn chung dưa chuột được mùa với năng suất trung bình trên 2 tấn/sào, trừ chi phí mang về cho gia đình ông 5-6 triệu đồng tiền lãi một sào. Kể cả dưa lê và các loại rau màu khác, mỗi năm gia đình ông Trực có thu nhập đạt trên 130 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lai: Trước đây đồng ruộng manh mún, tưới tiêu và đi lại khó khăn nên toàn xã chỉ có vài hộ chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình trồng dưa leo và rau màu. Nhưng vài năm gần đây, do đồng ruộng đã được quy hoạch, chỉnh trang với những ô thửa lớn, thuận tiện cho sản xuất, nhân dân trong xã đã tích cực chuyển đổi.
Đến nay xã Sơn Lai có gần 300 hộ tham gia chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa chuột, dưa lê và các cây màu có giá trị khác, trong đó diện tích trồng dưa chuột lên đến 25 ha.
Hiệu quả của mô hình chuyển đổi rất cao, mỗi sào đạt thu nhập từ 9-10 triệu đồng, tương đương trên 200 triệu đồng/ha/năm. Dưa cũng là loại quả dễ tiêu thụ, người dân không phải tìm kiếm thị trường. Bà con nông dân trồng dưa, rau theo quy trình sản xuất an toàn, nên khách hàng rất ưu chuộng. Vào thời điểm thu hoạch, tiểu thương ở Hà Nội, Hưng Yên... về đây thu mua tấp nập.
Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cấy lúa sang trồng dưa và rau các loại đã góp phần giúp người nông dân tăng thu nhập, tránh được rủi ro đầu tư do thời gian trồng và thu hoạch tương đối ngắn, hiệu quả quay vòng đất cao.
Để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã Sơn lai đã quy hoạch vùng sản xuất các cây trồng hàng hóa với diện tích 60 ha, chủ yếu là khu vực đất trồng lúa kém hiệu quả.
Đầu tư xây dựng hệ thống kênh tưới phục vụ sản xuất, nhất là vùng hay bị thiếu nước vào mùa khô. Đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân đấu thầu đất 5% với diện tích lớn để mở rộng sản xuất.
Bên cạnh đó, xã cũng kết hợp với các đơn vị chuyên môn có những định hướng và hướng dẫn kỹ thuật hỗ trợ bà con nông dân sản xuất. Với việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng, tin rằng đây sẽ là điều kiện để bà con nông dân của xã Sơn Lai tiếp tục nhân rộng mô hình và mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, môi trường canh tác, góp phần nâng cao thu nhập và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Hồng Giang