Nguy cơ mai một giống lúa nếp cau Kỳ Phú
Nếp cau, cái tên nghe rất lạ, phải hỏi hơn một lần tôi mới dám chắc điều mình vừa nghe thấy. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết giống lúa nếp cau, hay còn gọi là nếp hạt cau là giống lúa nếp của người dân tộc Mường ở Kỳ Phú và vùng giáp ranh. Không ai trong xã còn nhớ nếp hạt cau có từ bao giờ chỉ biết rằng hiện nay giống lúa nếp này chỉ còn một số gia đình người Mường ở các bản vùng sâu xã Kỳ Phú còn trồng và lưu giữ.
Ông Đinh Văn Lý cho biết: Gọi là nếp cau vì khi lúa chín có màu vàng giống hạt cau khô rất đẹp, hạt gạo trắng đục, tròn, dẻo thơm. "Ngày trước làng có việc hoặc những ngày tết, người dân trong làng dùng nếp cau để nấu xôi và làm bánh. Xôi và bánh làm từ nếp cau để 3 ngày không thiu, ăn vẫn dẻo và rất thơm". Nếp cau thường được người dân trồng vào vụ mùa để có gạo mới cúng rằm tháng 10.
Theo những người dân trong bản Thường Xung, giống lúa này rất phù hợp với thổ nhưỡng ở Kỳ Phú, sinh trưởng và phát triển khỏe, chịu nhiệt tốt, ước tính năng suất của giống lúa này chỉ đạt khoảng 1,3-1,5 tạ/ha.
Mặc dù năng suất thấp nhưng về chất lượng giống lúa nếp cau ở Kỳ Phú hơn hẳn các giống nếp thường khác nên giá bán rất cao, từ 16-18 nghìn đồng/kg thóc. Với giá bán này, 10 kg lúa nếp cau sẽ tương đương với 30kg lúa tẻ. Tuy vậy, lúa nếp cau vẫn không được sản xuất nhiều để bán ngoài thị trường và đang có nguy cơ mai một.
Sẽ có cơ chế đặc thù để bảo tồn lúa nếp cau
Theo ông Đinh Văn Tiên, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan: Hiện nếp cau chỉ còn chưa đầy 30 ha tập trung ở bản Thường Xung, xã Kỳ Phú. Nếp cau không chỉ là một giống lúa nếp đặc sản mà còn là một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống ẩm thực của người dân tộc Mường Kỳ Phú.
Tuy nhiên, trong khi các giống cây trồng khác cho năng suất và giá trị cao hơn thì nếp cau trở thành cây trồng yếu thế khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân các xã vùng cao…Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ Kỳ Phú để bảo tồn giống lúa đặc sản này.
Đặc biệt hỗ trợ người dân trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng, chống sâu bệnh, hệ thống thủy lợi để chủ động tưới tiêu. Để bảo tồn nguyên bản giống lúa nếp cau Kỳ Phú, các sở, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch vùng sản xuất riêng biệt để không bị lai tạp các giống lúa khác.
Theo ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì hiện nay Sở đang rất chú trọng việc hỗ trợ, phát triển bảo tồn các giống cây trồng đặc sản của địa phương. Sở sẽ cử cán bộ khảo sát thực trạng và lập Đề án bảo tồn giống lúa nếp cau của xã Kỳ Phú.
Khi giống lúa này được bảo tồn, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai cấy trên diện tích rộng, trước mắt là ở các xã vùng cao huyện Nho Quan. Đặc biệt, Sở sẽ có kế hoạch để xúc tiến thương mại đưa giống lúa nếp cau đến với thị trường tiêu thụ.
Nhìn từ góc độ du lịch, bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Trong khi chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Ninh Bình nhưng thực sự chưa có nhiều sản phẩm phục vụ du lịch.
Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển giống lúa nếp cau không chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, của huyện Nho Quan và xã Kỳ Phú mà còn là của các ngành, trong đó có ngành Du lịch và Công thương để đưa sản phẩm này trở thành một sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch và người tiêu dùng.
Đối với việc bảo tồn và phát triển giống lúa nếp cau, đồng chí Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo: Ngành Nông nghiệp phối hợp với địa phương sớm xây dựng đề án bảo tồn giống lúa nếp cau của xã Kỳ Phú, Nho Quan.
Hiện nay, các ngành, các cấp đang tích cực hỗ trợ xã Kỳ Phú chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, đối với những diện tích thực hiện đề án bảo tồn giống lúa nếp cau sẽ có cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho người dân.
Nguyễn Thơm