Được xác định là một trong 3 phong trào lớn của Hội, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Trong quá trình triển khai, các cấp Hội nông dân đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, cụ thể như: tuyên truyền, tập huấn, xây dựng nhiều đề tài, dự án, mô hình, tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm giúp nông dân thay đổi tư duy, cách làm, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất; tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng; mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tổ chức các lớp dạy nghề… Tổ chức Hội đã giúp cho hàng vạn nông dân có vốn, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, động viên, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thành lập các loại hình trang trại, gia trại có hiệu quả kinh tế cao, hình thành các hình thức hợp tác tự nguyện của nông dân, thực hiện tốt liên kết "4 nhà" nhằm giúp nông dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Từ phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam.
Đó là những tấm gương hộ nông dân sản xuất giỏi, chủ trang trại, giám đốc các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp ở nông thôn, những nông dân đi đầu trong lao động sản xuất. Họ không chỉ là những điển hình trong sản xuất và kinh doanh mà còn là tấm gương tiêu biểu trong hỗ trợ hội viên khó khăn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới... Năm 2016, các cấp Hội đã bình xét và đề nghị công nhận 24.471 hộ nông dân đạt đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp, trong đó có 61 hộ cấp Trung ương, cấp tỉnh là 598 hộ. Số hộ có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên là 84 hộ, từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là 478 hộ.
Sinh năm 1979, anh Trần Văn Chính ở xã Như Hòa, huyện Kim Sơn đã có trong tay một cơ ngơi khiến nhiều người thán phục. Sinh ra và lớn lên ở xã Chất Bình (huyện Kim Sơn) sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành chăn nuôi, anh vào miền Nam làm ăn. Sau 6 năm làm công nhân với đồng lương ít ỏi lại xa quê nên anh quyết định trở về quê. Lúc đầu bươn chải nhiều nghề như chạy xe tải chở hàng, buôn bán nhỏ nhưng chỉ đủ ăn. Bao đêm anh trăn trở suy nghĩ tại sao mình không phát huy nghề đã được học? Từ suy nghĩ đó, anh quyết tâm sẽ làm giàu bằng nghề nông nghiệp. Anh tập trung xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nhưng ban đầu do chưa có kinh nghiệm, vốn lại ít nên thu nhập không cao. Anh nhận thức được muốn làm giàu bằng nghề nông thì phải đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Qua khảo sát và tìm hiểu, anh Chính nhận thấy trên địa bàn xóm 7, xã Như Hòa có cánh đồng chiêm trũng chỉ cấy được một vụ ăn chắc, vụ mùa thường bị ngập lụt, năng suất thấp có thể làm trang trại chăn nuôi với quy mô lớn. Năm 2011, anh quyết định chuyển đến xóm 7 xã Như Hòa sinh sống, đồng thời nhận thầu 4 mẫu ruộng. Bước đầu anh tiến hành quy hoạch trang trại nuôi lợn, đào ao thả cá, trồng cây màu quanh bờ ao lấy ngắn nuôi dài. Sau 1 năm trang trại có doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Năm 2014, anh thành lập Doanh nghiệp chăn nuôi tư nhân Đức Chính. Hiện nay, trang trại đang nuôi 7 con lợn đực giống F1 siêu nạc, 210 con lợn nái ngoại, 800 con lợn thịt kết hợp thả cá, mỗi năm trừ chi phí thu lãi trên 2 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn chủ động trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ, giúp đỡ về vốn cho 11 hộ hội viên, đặc biệt là cho 8 hộ nghèo cho vay không lấy lãi với tổng số tiền 450 triệu đồng, ủng hộ hàng chục triệu đồng cho hoạt động của tổ chức Hội.
Để có được mô hình sản xuất hiệu quả như hiện nay, gia đình ông Phạm Quốc Bảo ở thôn Đại Phú, xã Ninh Khang (Hoa Lư) đã phải trải qua vô vàn khó khăn, vất vả. Nắm bắt được chủ trương của Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, gia đình ông đã mạnh dạn nhận đấu thầu hơn 3 mẫu ruộng, thuê người đào ao thả cá và xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, vịt, bò, lợn…Thu nhập tăng dần qua các năm, hiện trang trại của gia đình mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng.
Khi đã thành công trong kinh doanh vật liệu xây dựng, ông Nguyễn Đức Diện ở thôn Đại áng, xã Ninh Hòa (huyện Hoa Lư) quyết định đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp. Ông tâm sự: Nhiều người cho rằng đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao và lợi nhuận thu về thấp hơn so với các ngành khác, song tôi lại có suy nghĩ ngược lại. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, tôi đã đầu tư 3 tỷ đồng thuê đất xây dựng trang trại chăn nuôi gà siêu trứng Ai Cập, nuôi vịt. Hệ thống chuồng trại khép kín, có nhà lạnh, hệ thống thông gió, hút mùi…, đảm bảo tiêu chuẩn từ khâu chọn giống, chăm sóc đến phòng trừ dịch bệnh. Nhờ cam kết sản xuất an toàn nên đầu ra ổn định, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, bình quân mỗi năm trang trại của tôi thu lãi hơn 500 triệu đồng... Ông Diện cũng là người tiên phong hưởng ứng cuộc vận động "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn" do Hội nông dân các cấp phát động.
ở khắp các địa phương trong tỉnh, nơi nào cũng có những nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa những cây trồng, con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Khải Hoàn