Nhiệt tình tham gia trưng bày sách cho gian hàng của lớp mình, em Phạm Việt Tuấn Anh học sinh lớp 8A không giấu nổi sự háo hức. Chủ đề mà nhà trường lựa chọn năm nay là "Chúng em hướng về biển đảo", bởi vậy mà cô trò lớp 8A đã kỳ công sưu tầm, lựa chọn những cuốn sách về biển đảo để trưng bày cho gian hàng lớp mình. "Mặc dù rất thích đọc sách, song em chưa có điều kiện để mua những cuốn sách mà mình yêu thích. Trong ngày hội đọc sách này, không những được các thầy cô, anh, chị và các bạn học chia sẻ niềm đam mê đối với sách, những thông tin về những cuốn sách hay… mà em còn được trao đổi, mượn những cuốn sách mà em yêu thích"- Tuấn Anh phấn khởi nói. Không chỉ tham gia trưng bày sách, Tuấn Anh còn là một trong số những học sinh được tham gia hoạt cảnh, được hóa trang thành những chiến sỹ ở đảo xa qua chương trình giới thiệu sách.
Tự hào khoác trên mình bộ quân phục của sĩ quan hải quân, Tuấn Anh xúc động chia sẻ, lần đầu tiên em tham gia đóng hoạt cảnh, lại được khoác trên mình bộ quần áo của các chiến sỹ hải quân, đó là niềm tự hào, là kỷ niệm đáng nhớ đối với em. Không chỉ tìm đọc những cuốn sách viết về biển đảo, những anh hùng gắn với biển đảo… chúng em còn thi viết thư gửi các chiến sỹ ở ngoài đảo xa. Những tư liệu trong sách, báo không chỉ cung cấp cho chúng em nhiều kiến thức mà còn góp phần bồi tụ tình yêu lớn lao với biển đảo quê hương và thấy bản thân mình cần nỗ lực học tập, rèn luyện, sống có trách nhiệm hơn với gia đình, cộng đồng… có như vậy mới xứng đáng với những hi sinh, vất vả của các thế hệ chiến sỹ hải quân Việt Nam.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đa số các em đều hào hứng, bởi tham gia ngày hội đọc sách, các em không chỉ được tiếp cận với nhiều đầu sách phong phú mà còn được tham gia vào nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra trong ngày hội. Cụ thể, nhà trường đã lồng ghép nhiều hoạt động như: Tuyên truyền, giới thiệu sách về biển đảo thông qua hình thức sân khấu hóa; giao lưu với chủ đề "Em yêu biển đảo quê hương"; tham quan các gian trưng bày, giới thiệu sách thuộc các lĩnh vực giáo dục, ngoại văn...; và trưng bày 40 bản đồ, tư liệu quý, hình ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Những hoạt động sôi nổi trong Ngày hội đọc sách đã thực sự tạo nên "điểm nhấn" quan trọng trong công tác tuyên truyền, qua đó nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen cho học sinh trong việc hình thành và duy trì văn hóa đọc sách.
Những năm qua, xác định văn hóa đọc có vai trò quan trọng đối với việc rèn luyện ý thức tự học, tự nghiên cứu, làm phong phú thêm sự hiểu biết cho các em học sinh, Trường THCS Lê Hồng Phong luôn chú trọng phát triển văn hóa đọc cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Trong đó, nổi bật là tạo không gian đọc với những đầu sách đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu của học sinh. Hiện nay, thư viện nhà trường có 22 giá sách, 405 đầu sách, trong đó có 325 đầu sách về đổi mới phương pháp và giáo dục kỹ năng sống cho giáo viên và học sinh, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Phòng đọc học sinh có diện tích 54m2, với 45 chỗ ngồi phục vụ cho việc đọc sách của giáo viên và học sinh được thuận tiện. Nhà trường có 24/24 lớp có tủ sách lớp học với hàng trăm cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo, sách giáo dục kỹ năng sống, sách pháp luật, sách Bác Hồ… Thư viện trường và thư viện lớp đã kết hợp dán mã màu ở gáy sách giúp việc tìm sách và cất sách được thuận tiện. Học sinh được tự lựa chọn sách, báo theo sở thích, nhu cầu đọc của mình. Bên cạnh việc đọc tự chọn, thư viện trường còn tiến hành phục vụ đọc theo chủ đề. Đây là hoạt động chủ động của thư viện định hướng cho học sinh các loại sách phù hợp với nội dung chương trình học tập, tiếp cận với các nguồn tài liệu hay trong thư viện theo những hướng rõ ràng, rèn luyện cho học sinh thói quen đọc đều đặn và đọc tích cực, qua đó hình thành phương pháp đọc, trích lọc thông tin và tóm tắt sách, khám phá những điều thú vị trong sách.
Ngoài ra, nhà trường cũng đã chủ động mở rộng không gian thư viện bằng việc tận dụng các khoảng không khác trong nhà trường như dưới gốc cây, ghế đá, hành lang, góc cầu thang đều có kệ sách lưu động. Ngoài việc giáo viên, học sinh đọc trên bản tin nhà trường, còn tạo điều kiện đọc báo hình bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay nhà trường có 27 máy chiếu, 50 máy tính, 5 màn hình truy cập Internet phục vụ nhu cầu tra cứu của giáo viên và học sinh. Ngoài ra nhà trường phối hợp với nhà sách Fahasa tổ chức tuần lễ " Hội sách học đường", qua đó tạo cơ hội cho các em được đọc nhiều cuốn sách hay, bổ ích, từ đó bồi đắp cho các em niềm đam mê đọc sách. Hoạt động giới thiệu sách còn được thực hiện qua loa truyền thanh của Liên đội vào đầu buổi học và các giờ ra chơi ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy. Các bài tuyên truyền giới thiệu sách đặc sắc đều được nhà trường đăng tải trên trang Website, Youtube nhằm lan tỏa rộng rãi văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nguyễn Hùng