Tại thành phố Ninh Bình, cuộc thi đang đến giai đoạn chấm, lựa chọn các bài dự thi xuất sắc, đạt chất lượng tốt để trao giải cấp thành phố và chọn thi cấp tỉnh. Đồng chí Đào Thị ánh Tuyết, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo và kế hoạch của tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo cuộc thi, chỉ đạo Đảng ủy các xã, phường tổ chức tuyên truyền về cuộc thi ở địa phương. 100% đơn vị trên địa bàn thành phố đăng ký dự thi, cán bộ, công chức ở nhiều phòng, ban, đơn vị đã đầu tư thời gian nghiên cứu, sưu tầm tư liệu làm bài tham gia cuộc thi ở cơ sở và thành phố. Đến thời điểm này, Ban tổ chức cuộc thi thành phố đã nhận được 13.728 bài dự thi, trong đó có hơn 140 bài đạt chất lượng tốt. Điều này chứng tỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố rất quan tâm đến cuộc thi và dành nhiều tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm và thời gian để sưu tầm tài liệu, lựa chọn hình ảnh theo từng chủ đề… Nhiều bài dự thi được các tác giả chuẩn bị khá công phu. Đó là bài của một cựu chiến binh kể lại những câu chuyện có thật về những năm tháng sống, chiến đấu cùng quân và dân nước bạn Lào cho đến tình cảm của cô bé học sinh THCS nhưng dành nhiều tình cảm với đất nước Lào xinh đẹp… Cô giáo Vũ Thị Nhung, giáo viên Trường THCS Ninh Bình-Bạc Liêu chia sẻ: Đây là cuộc thi có ý nghĩa sâu sắc không chỉ đối với cá nhân tôi mà đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân. Là giáo viên dạy bộ môn Lịch sử nên tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều tài liệu về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong chiến đấu cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay. Tham dự cuộc thi là cơ hội để tôi tìm hiểu sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt này và có thêm nhiều tư liệu phục vụ cho việc giảng dạy, truyền đạt cho học sinh hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt đó…
Đối với chị Hoàng Thị Sen, công chức văn phòng Đảng ủy thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô), đây là lần thứ 2 chị đến với cuộc thi. Hoàng Thị Sen tâm sự: Tôi biết về đất nước Lào qua những hình ảnh, tư liệu trên sách, báo, truyền hình. Tôi lại có ông nội là quân tình nguyện, có thời gian chiến đấu, công tác và sinh sống tại Lào nên ông tôi chính là "nguồn" tư liệu quý giá để tôi khai thác mỗi khi muốn nghe, muốn tìm hiểu về đất nước triệu voi xinh đẹp. Nhất là mỗi khi có bạn chiến đấu của ông đến chơi, nghe họ cùng hào hứng kể cho nhau nghe những kỷ niệm về những ngày sống, chiến đấu trên đất nước bạn Lào… khiến tôi vô cùng thích thú và có nhiều tình cảm với đất nước Lào. Chính vì vậy, tôi rất hào hứng tham gia cuộc thi ngay từ khi huyện Yên Mô phát động với tình cảm sâu sắc của mình đối với đất nước Lào để tìm hiểu thêm về văn hóa, đất nước, con người Lào. Tôi đã dành thời gian hơn 1 tuần để hoàn thiện bài dự thi. Có những tài liệu rất dễ tìm, nhưng cũng có tài liệu thuộc diện quý, hiếm, chỉ tranh thủ mượn được có 2 ngày nên phải dành thời gian để đọc và "ngấm" thật khẩn trương…
Trao đổi với đồng chí Đoàn Thị Chiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Mô kiêm Trưởng Ban tổ chức cuộc thi của huyện, được biết: Nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào", sau khi tổ chức phát động cuộc thi, Ban Tổ chức cuộc thi cấp huyện thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc thi, đăng tải các tài liệu, văn bản liên quan đến cuộc thi trên Bản tin của huyện, trang thông tin điện tử của huyện để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nghiên cứu, tham gia cuộc thi. Đồng thời, đôn đốc triển khai cuộc thi đến các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện. Đến nay toàn huyện có gần 14.000 bài dự thi. Các đơn vị đã gửi bài dự thi về Ban tổ chức huyện đảm bảo thời gian, số lượng theo kế hoạch. Có khoảng 120 bài dự thi đạt chất lượng tốt. Các bài dự thi rải đều 12 chủ đề của cuộc thi. Sau khi kết thúc thời gian chấm thi, Ban giám khảo sẽ lựa chọn các bài dự thi tiêu biểu để trao giải cấp huyện và chọn 10 bài xuất sắc nhất gửi về Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh.
Đến thời điểm hiện nay, tiến độ triển khai cuộc thi diễn ra theo đúng kế hoạch, thời gian quy định. Qua thống kê của Ban tổ chức cuộc thi các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh, đối với hình thức thi trắc nghiệm đã được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên trong các cơ quan, đơn vị, nhà trường và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia ngay từ khi phát động. Đến nay đã có hàng chục nghìn lượt người tham gia truy cập, dự thi. Đối với bài thi viết, các đơn vị đã nhận được số lượng lớn bài dự thi như: huyện Kim Sơn trên 20.000 bài, huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp khoảng 15.000 bài, huyện Hoa Lư 12.000 bài… Nhìn chung, các bài dự thi có chất lượng tốt, đạt yêu cầu về nội dung, phù hợp với các chủ đề theo thể lệ đặt ra. Nhiều bài được trình bày khoa học, bố trí hài hòa, logic, sưu tầm được nhiều tư liệu, bài viết về tình hữu nghị Việt-Lào, tranh, ảnh đi đôi với lời bình. Các bài dự thi đều đảm bảo đúng chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.
Bùi Diệu