Sở Bưu chính Viễn thông (nay là Sở Thông tin và Truyền thông) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2005 đã giúp cho công tác quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh được triển khai có kết quả. Trong đó, Sở đã tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vào các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh và của đất nước. Đặc biệt, Sở đã quan tâm phối hợp với các cấp, các ngành, hướng dẫn các đơn vị cấp xã làm thủ tục xét công nhận xã đạt chuẩn tiêu chí số 8 trong xây dựng nông thôn mới. Vấn đề dùng chung hạ tầng viễn thông được quan tâm chỉ đạo. Sở đã tích cực phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai mở rộng mạng lưới chuyển mạch, truyền dẫn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.153 trạm BTS đang hoạt động; 100% xã, phường, thị trấn đã có Internet tốc độ cao về đến trung tâm; 54/54 cơ quan Đảng và Nhà nước đã được lắp đặt thiết bị và đường truyền cáp quang tốc độ cao; 498/498 trường học trên toàn tỉnh đã được cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao. Tổng số thuê bao điện thoại đến cuối tháng 12-2014 là 1.118.876 máy, đạt mật độ 120 máy/100 dân; với hệ thống 156 điểm phục vụ bưu chính, 32 bưu cục, 97 điểm bưu điện văn hóa xã và 27 thùng thư công cộng độc lập trên địa bàn toàn tỉnh góp phần phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, chuyển phát của chính quyền các cấp và nhân dân toàn tỉnh.
Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin được chú trọng góp phần đắc lực cho công tác cải cách thủ tục hành chính, thay đổi tác phong, lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước, tạo tiền đề xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Ninh Bình. Trong những năm qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định thực hiện "Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin và Truyền thông" tại tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015; thành lập Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin của tỉnh; quản lý thuê bao dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng; triển khai Dự án xây dựng hệ thống các phòng họp trực tuyến trên địa bàn tỉnh giai đoạn I. Tính đến hết năm 2014, tổng số máy chủ tại các cơ quan nhà nước của tỉnh Ninh Bình là 54 máy; tổng số máy trạm là 2.146 máy; tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức toàn tỉnh đạt 91%; 25/26 đơn vị đã thiết lập trang thông tin điện tử nội bộ cung cấp 1.168 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, mức độ 2 và 32 dịch vụ công mức độ 3.
Từ khi sáp nhập bộ phận báo chí-xuất bản từ Sở Văn hóa- Thông tin (cũ) về Sở Thông tin và Truyền thông, công tác quản lý Nhà nước về báo chí - xuất bản được quan tâm và ngày càng được hoàn thiện, góp phần đưa hoạt động của các cơ quan báo chí trong tỉnh đi vào nền nếp, đảm bảo đúng định hướng chính trị, đúng tôn chỉ mục đích và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động thông tin trên báo chí, góp phần ổn định và tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Sở đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới báo chí in tỉnh Ninh Bình đến năm 2020; Đề án quy hoạch phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở để các cơ quan báo chí phát triển đúng định hướng và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động thông tin đối ngoại tỉnh Ninh Bình và Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; từng bước đưa hoạt động thông tin đối ngoại vào nề nếp.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Sở triển khai mạnh mẽ, sâu rộng công tác thông tin tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong từng giai đoạn. Từ tháng 9-2013, Sở đã triển khai thực hiện nhiệm vụ điểm thông tin nổi bật hàng ngày, nhất là các thông tin về Ninh Bình trên báo chí trung ương phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương… Hàng năm, biên tập, phát hành các tài liệu tuyên truyền về du lịch, nông thôn mới, an toàn giao thông; phản ánh sâu rộng các hoạt động của ngành và các nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thành công Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-những bằng chứng lịch sử và pháp lý".
Hoạt động thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên. Thanh tra Sở đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, internet, truyền hình trả tiền, tần số vô tuyến điện, in và phát hành xuất bản phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Được thành lập năm 2008, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) đã nhanh chóng ổn định tổ chức và hoạt động đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trung tâm đã tiếp nhận, thử nghiệm và chuyển giao các phần mềm ứng dụng dùng chung cho cơ quan như: Quản lý văn bản, xử lý công việc, phần mềm mã nguồn mở "open office", tư vấn xây dựng và bảo trì hệ thống mạng LAN và website cho một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Hàng năm, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ kỹ thuật, quản trị mạng, quản trị hệ thống của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; tổ chức đào tạo nâng cao trình độ tin học cho cán bộ cấp cơ sở; xây dựng và đưa vào ứng dụng trong thực tế sản phẩm phần mềm lõi dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Những nỗ lực và thành tích đạt được sau 10 năm xây dựng và phát triển của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình đã được ghi dấu ấn rõ nét bằng việc tập thể Sở, các phòng chuyên môn và nhiều cá nhân vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của: Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông và Chủ tịch UBND tỉnh.
Những kết quả đạt được của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình qua 10 năm xây dựng và phát triển là rất phấn khởi và tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục. Song, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành trong tỉnh; với sự đoàn kết, thống nhất, sự năng động, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu vươn lên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tin tưởng rằng sự nghiệp thông tin và truyền thông tỉnh nhà trong thời gian tới tiếp tục được phát triển vững mạnh, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh n
Lâm Văn Toàn
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình