Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân hàng năm tăng 2%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2014 đạt 7.924 tỷ đồng, tăng 1.358 tỷ đồng so với năm 2010. Riêng lĩnh vực trồng trọt năm 2014 đạt 4.647 tỷ đồng, tăng 153 tỷ đồng so với năm 2010. ở lĩnh vực này, phong trào thi đua chuyển đổi cơ cấu giống lúa và thực hiện đề án mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao được nông dân hưởng ứng và đạt được kết quả tích cực. Về cơ cấu giống lúa: lúa thuần từ 39.875,7 ha năm 2010 lên 57.733,2 ha năm 2014; giảm diện tích lúa lai từ 42.222 ha năm 2010 xuống còn 22.634 ha năm 2014, đặc biệt diện tích lúa chất lượng cao từ 19.702 ha (chiếm 24,3% diện tích gieo cấy) năm 2010 tăng lên 33.954 ha năm 2014 (chiếm 42,2% diện tích gieo cấy) vượt mục tiêu đề ra, góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất và giá trị kinh tế trên một ha đất canh tác. Điển hình trong phong trào chuyển đổi cơ cấu giống lúa là các huyện: Yên Khánh diện tích lúa chất lượng cao 10.219,9 ha, chiếm 66,4% diện tích gieo cấy; Kim Sơn diện tích lúa chất lượng cao
10.224,9 ha, chiếm 61,2% diện tích gieo cấy của huyện.
Phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh cả về diện tích, sản lượng và theo hướng sản xuất hàng hóa. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản năm 2014 đạt 1.007 tỷ đồng, tăng 259 tỷ đồng so với năm 2010. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2014 đạt 10.037 ha, tăng 616 ha so với năm 2010; sản lượng thủy sản năm 2014 đạt 39,4 nghìn tấn, tăng 14,6 nghìn tấn so với năm 2010. Điển hình ở lĩnh vực này là phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn phát triển mạnh và đạt được hiệu quả cao góp phần đưa ngành thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa mũi nhọn của tỉnh. Phong trào nuôi thâm canh cá nước ngọt phát triển mạnh trong toàn tỉnh, tập trung vào các đối tượng có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ và có khả năng phát triển mở rộng như: Cá lóc bông, cá trắm đen, cá chép, cá trắm cỏ, cá rô đầu vuông cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Phong trào chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh với diện tích 4.080 ha. Mô hình nuôi xen canh cá-lúa tiếp tục phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.000 ha cá-lúa, đem lại giá trị 200 triệu đồng/ha/năm, tăng từ 3-5 lần so với trước đây, lợi nhuận thu được 70-80 triệu đồng/ha.
Trong chăn nuôi, phong trào thi đua phát triển sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi năm 2014 đạt 1.891 tỷ đồng, tăng 133 tỷ đồng so với năm 2010. Chương trình cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng đàn bò của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 80% đàn bò lai Zebu, mang lại lợi nhuận cao so với bò nội cùng độ tuổi...
Phong trào làm thủy lợi nội đồng có truyền thống từ nhiều năm và những năm gần đây được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư nên ngày càng phát triển sâu rộng trong ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nhiều dự án về tu bổ đê điều phòng, chống thiên tai, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho tưới tiêu nước hợp lý theo yêu cầu thâm canh tăng năng suất cây trồng được xây dựng và sử dụng có hiệu quả. Nhiều công trình thủy lợi lớn, đa lợi ích vừa tưới nước cho cây trồng, phòng, chống thiên tai, vừa tạo nên cảnh quan môi trường phục vụ du lịch và đời sống nhân dân ra đời, như: Công trình nâng cấp tuyến đê: Tả - hữu sông Hoàng Long, Tả - hữu sông Vạc, hữu sông Đáy; nâng cấp hồ và kiên cố hóa hệ thống kênh tưới hồ Thác La; nâng cấp đê biển Bình Minh; xây dựng tràn Lạc Khoái theo hướng đóng mở chủ động; xây dựng công trình âu Kim Đài phục vụ ngăn mặn giữ ngọt trong điều kiện nước biển dâng tại khu vực phía Nam Ninh Bình; xây dựng hồ điều tiết và cụm công trình đầu mối cấp nước ngọt cho khu vực Bình Minh 1 - Bình Minh 3; nạo vét sông và nâng cấp tuyến đê sông Mới; các công trình thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản vùng biển Kim Sơn... Phong trào kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, xây dựng các công trình nước sạch phát triển mạnh, đem lại lợi ích kinh tế, phục vụ đời sống nhân dân. Từ năm 2010 đến 2014, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 373,8 km kênh mương, nhiều công trình nước sạch tập trung được xây dựng đã góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2014 đạt 90%, tăng 12,5% so với năm 2010.
Mỗi dịp "Tết đến, xuân về" phong trào trồng cây theo lời dạy của Bác Hồ được phát động mạnh mẽ. Phong trào đã thành một nét đẹp của nhân dân trong tỉnh nói chung và của ngành Nông nghiệp & PTNT nói riêng. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã trồng được trên 5 triệu cây phân tán. Nhiều rừng cây, đồi cây, vườn cây xanh tươi được quản lý, bảo vệ và phát triển, vừa cải thiện được môi sinh môi trường kết hợp với du lịch sinh thái, vừa tăng nguồn thu cho người nông dân. Phong trào bảo vệ rừng tại gốc, phòng, chống cháy rừng đạt hiệu quả hơn; số vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trong 5 năm qua đã giảm 80% so với thời kỳ trước năm 2010. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2014 đạt 19,5 %, tăng 0,3% so với năm 2010.
Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong nhiều năm qua vẫn được duy trì, củng cố và phát triển. Trong 5 năm đã có 59 đề tài, dự án, sáng kiến phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 6 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến của tỉnh công nhận, 16 đề tài dự án được Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh công nhận. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng 6 Bằng lao động sáng tạo cho các tác giả của Sở. Những đề tài khoa học, sáng kiến kỹ thuật ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã tạo ra bước đột phá làm cơ sở cho chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa sản xuất nông nghiệp chuyển sang sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng chuyên sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" được triển khai và phát động sâu rộng trong toàn tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh được triển khai và thực hiện tập trung, quyết liệt, đồng bộ, lồng ghép các chương trình dự án trong công tác xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2014, toàn tỉnh có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 14 xã đạt 15-18 tiêu chí, 46 xã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa. Nhân dân trong tỉnh đã hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới, đã tự nguyện hiến đất, góp công, góp sức xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng và chỉnh trang đồng ruộng. Với sự hỗ trợ của nhà nước kết hợp với đóng góp của nhân dân trong tỉnh đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 7.386 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài là 803,9 km. Phong trào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được đẩy mạnh và đã triển khai 343 mô hình phát triển sản xuất, nhân rộng 82 mô hình tốt, trong đó có nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như: Chuyển đổi cơ cấu theo hướng sản xuất đa canh ở xóm 13, xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh); xóm 8, xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn); mô hình chăn nuôi gà đồi ở các xã Cúc Phương, Gia Lâm (huyện Nho Quan); Mô hình nuôi cá nước ngọt thâm canh ở các xã Gia Phương, Gia Xuân (huyện Gia Viễn)…, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2014 còn 3,92%, giảm 7% so với năm 2010.
Với những thành tích đạt được trong 5 năm qua, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho 1 tập thể, Huân chương Lao động hạng Nhì cho 1 tập thể và 1 cá nhân, Huân chương Lao động hạng Ba cho 1 tập thể và 7 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 6 cá nhân; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 10 tập thể, Bằng khen cho 28 tập thể và 76 cá nhân, công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho 25 tập thể, công nhận Danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh cho 12 cá nhân; Bộ Nông nghiệp & PTNT tặng bằng khen cho 19 tập thể và 87 cá nhân.
Đinh Chúc