Dự hội nghị còn có các đồng chí: Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đồng chí trong Ban TVTU; các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; trưởng các phòng, ban liên quan và phòng Giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố.
5 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tỉnh đã tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết, Kế hoạch số 92-KH/TU, ngày 13/1/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về thực hiện Nghị quyết số 29 trên địa bàn tỉnh.
Đã xây dựng, ban hành nhiều đề án, chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Hệ thống trường lớp và quy mô trường lớp đáp ứng được yêu cầu thực hiện giáo dục toàn dân; phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh, tăng cường kỹ năng thực hành, phân hóa theo năng lực học sinh. Công tác quản lý có nhiều chuyển biến tích tích cực.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trình độ đào tạo được nâng lên. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn đã huy động các lực lượng xã hội tham gia vào xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến nay có 415 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 87,6%, Ninh Bình là những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng giáo dục toàn diện trong toàn tỉnh có sự ổn định và nâng cao.
Nhiều năm liền, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả điểm bình quân các môn thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của học sinh Ninh Bình luôn thuộc tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước. Có nhiều học sinh, sinh viên là con em Ninh Bình đạt thành tích cao, xuất sắc trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu, sáng tạo khoa học trong nước và quốc tế; là học sinh, sinh viên tài năng trong nhiều lĩnh vực. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp, doanh nhân, các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, tỉnh đã thành lập Quỹ Khuyến học khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh vào tháng 3/2012.
Sau 7 năm hoạt động, Quỹ đã phát triển không ngừng với tổng số tiền của Quỹ đến nay là trên 30 tỷ đồng; đã giành trên 6,5 tỷ đồng trực tiếp khen thưởng cho trên 1.333 học sinh, sinh viên đạt thành tích xuất sắc, học giỏi có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời Quỹ đã tài trợ và ủng hộ gần 4 tỷ đồng cho các Quỹ Khuyến học, khuyến tài của các địa phương trong tỉnh...
Tại hội nghị, các tham luận đều cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo, tập trung phân tích sâu, làm rõ những vấn đề đang đặt ra trong thực hiện Nghị quyết 29 hiện nay; chỉ rõ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của tỉnh đã đạt được rất đáng trân trọng và tự hào.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 và sớm hiện thực hóa chủ trương, định hướng mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đồng chí đề nghị các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm nhất là người đứng đầu, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phát triển đảng, năng lực lãnh đạo, chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng trong các trường học, trước hết là trong đội ngũ giáo viên; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua theo đặc thù của từng ngành; chú trọng công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, pháp luật; giáo dục nhân cách, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Phải nhận thức đây là nhiệm vụ của cấp ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư cấp ủy, do vậy định kỳ hằng năm Ban Thường vụ cấp ủy, Thường trực cấp ủy tổ chức đối thoại với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để kịp thời rút kinh nghiệm, tuyên truyền nhân rộng những cách làm hay, có giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đặt ra.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm, tiêu cực trong hoạt động giáo dục. Khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục đào tạo, ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo.
Thực hiện các giải pháp cụ thể chỉ đạo quyết liệt để xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu, chủng loại, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ chủng loại giáo viên. Tiếp tục thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, khơi dậy lòng nhiệt tình của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, chất lượng phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các nhà trường. Tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh. Phối hợp thực hiện tốt 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội.
Trong hoạt động giáo dục phải đặc biệt coi trọng dạy người, dạy chữ, dạy nghề. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Rà soát, điều chỉnh Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 20/7/2013 của HĐND tỉnh.
Tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư. Coi trọng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Có giải pháp để khắc phục sớm, dài hạn việc quá tải học sinh/lớp, thiếu phòng học, phòng học không đảm bảo an toàn. Xây dựng một hệ thống trường học có môi trường giáo dục toàn diện, an toàn, lành mạnh. Mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi thầy cô phải thực sự là tấm gương mẫu mực trong lời nói, việc làm để học sinh noi theo.
Hồng Vân- Minh Quang