Kỳ 1: Bán hàng đa cấp ở làng quê
Những làng quê thuần nông yên bình từ khi xuất hiện công ty bán hàng đa cấp bỗng dưng trở nên nhộn nhịp hơn. Đi đến đâu cũng nghe mọi người bàn tán về những người hàng xóm của họ xưa nay chỉ biết đến đồng ruộng bỗng chốc lên cấp trưởng, phó phòng trong mạng lưới kinh doanh đa cấp.
"ở xã chúng tôi, bán hàng đa cấp quen thuộc với người dân lắm rồi. Có những gia đình cả 3 thế hệ cùng tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Đại lý bán hàng đa cấp còn công khai mời cả người nhà cán bộ xã. Nhưng tiếp xúc với những người này rất khó khăn", một lãnh đạo xã ân Hòa (Kim Sơn) cho biết.
Người dân xã ân Hòa cũng không xa lạ với câu chuyện của cụ N.T.N, 86 tuổi. Cụ N sống trong căn nhà cấp 4 chẳng có vật dụng gì đáng giá. Số tiền tích cóp được cho tuổi già cụ không dám tiêu pha gì, bấy lâu nay cất giữ thật kỹ. Từ khi công ty đa cấp xuất hiện ở đây, được người quen tuyên truyền, cụ đã tin tưởng mang hết số tiền tiết kiệm cả cuộc đời ra mua các gói chăm sóc sức khỏe.
Hiện giờ cụ đã lên đến cấp tổ phó, số tiền của cụ trong tài khoản công ty đa cấp không nhỏ nhưng để lấy được ra thì chắc không ai biết được là bằng hình thức nào. Giờ đây khi sự thật về bán hàng đa cấp đang được phơi bày thì mọi người mới nhốn nháo lên sợ mất trắng tay. Và cụ N cũng là một trong những nạn nhân đó.
Khi được cán bộ xã đến hỏi thăm cụ đã tâm sự "có bao nhiêu tiền dưỡng già tôi đã tin tưởng kinh doanh đa cấp hết rồi. Nếu mất tôi biết lấy gì để sống từ giờ đến khi nhắm mắt xuôi tay". Thế nhưng khi cán bộ xã đề nghị cụ đến trình báo tại chính quyền địa phương thì cụ lại nói "các anh, chị đừng làm to chuyện. Nếu bây giờ công ty không hoạt động nữa chúng tôi biết tìm ai để đòi lại tiền".
Câu chuyện của chị L (Kim Sơn) cũng để lại cho những người hám lợi bài học sâu sắc. Chồng chị L đi làm ăn xa, dành dụm để gửi tiền về cho vợ. Những tưởng vợ sẽ cất giữ khi về sẽ sửa nhà và làm vốn liếng làm ăn, ai ngờ nghe anh em, bạn bè, chi L giấu chồng tham gia vào bán hàng đa cấp. Chị L cho biết, ban đầu khi tham gia công ty trả hoa hồng rất đúng với cam kết, nhưng từ tháng sau trở đi công ty chỉ trả một phần của hoa hồng, số dư còn lại được trả vào số tài khoản trong công ty.
Khi chồng về chuẩn bị sửa nhà thì tá hỏa ra chị đã dùng hết số tiền vào kinh doanh đa cấp. Chồng chị yêu cầu rút tiền nhưng đến công ty hỏi thì được trả lời rất nhiều lý do gây khó khăn cho việc rút lại tiền. Vợ chồng chị mâu thuẫn, chồng chị bỏ đi làm ăn và không tin tưởng gửi tiền về cho chị nữa. Mấy tháng nay khi nghe thông tin về công ty đa cấp lừa đảo, chị L luôn sống trong cảm giác lo lắng, vừa lo mất tiền vừa lo về rạn nứt tình cảm vợ chồng.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ của nhiều người, một số tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp đã tung ra các chiêu thức quảng cáo đường mật như bỏ vốn đầu tư ít, thu về lãi "khủng", không cần làm việc vẫn có tiền thu về hằng tháng... nhằm dụ dỗ, lôi kéo khách hàng.
Sau khi bỏ ra hàng tỷ đồng để mua các gói sản phẩm, tham gia chương trình, không ít người mới phát hiện mình đã bị "sập bẫy" của những tổ chức bán hàng đa cấp, mua phải những sản phẩm kém chất lượng, khoản tiền đã đầu tư bỗng trở thành nợ khó đòi hoặc không thể thu lại được.
Chị T.N, một người dân xã Gia Tân (Gia Viễn) kể lại: Một người thân trong họ nhà chị vì tin theo lời dụ dỗ của nhân viên bán hàng đa cấp nên đã cầm cố hết nhà cửa vay tiền ngân hàng, huy động con cái trong nhà tất cả được hơn 2 tỷ đồng để tham gia vào kinh doanh đa cấp với hy vọng từ giờ đến cuối đời chỉ ngồi thu tiền lãi không phải làm gì. Sau khi các vụ lừa đảo của công ty đa cấp Liên Kết Việt bị đổ bể, thấy hình thức kinh doanh đa cấp của công ty mình cũng tương tự như vậy, cộng với việc nắm bắt tình hình và địa phương tuyên truyền, người nhà chị T.N mới biết mình bị lừa.
Rất nhiều lần người nhà chị T.N yêu cầu rút lại vốn nhưng phía công ty đưa ra muôn vàn lý do để từ chối. Đến bây giờ người nhà chị T.N xác định là mất số tiền đó nhưng vẫn không dám công khai trình báo với cơ quan Nhà nước vì còn nuôi hy vọng là công ty sẽ trả lại một phần nào đó.
Điều đáng nói là những người bán hàng đa cấp chủ yếu dựa vào uy tín bản thân để lôi kéo những người trong gia đình, người thân, bạn bè nên khi vỡ lở phát hiện ra mình bị lừa cũng không dám lên tiếng vì sợ áp lực trong gia đình. Có những người may mắn hơn đã thoát "bẫy đa cấp", nhưng họ cũng không lấy gì vui vì những người bạn, người thân của họ lại là nạn nhân của hình thức bán hàng đa cấp trá hình.
Sau khi nghe thông tin trên truyền thông biết hàng loạt các công ty bán hàng đa cấp lừa đảo, bà Q.T.N, 65 tuổi, cán bộ hưu trí ở Nho Quan kể lại: Tôi cũng thiếu chút nữa thì đi tin theo lời mời chào của một người bạn thân tham gia vào bán hàng đa cấp. Dựa vào mối quan hệ bạn bè thân thiết, bạn tôi đã đến thuyết phục vợ chồng tôi.
Do chưa hiểu về thế nào là bán hàng đa cấp, lại thấy gia đình người bạn cả nhà gồm bố mẹ, con trai, con dâu, họ hàng thân thiết cũng tham gia, cầm cố hết cả nhà cửa để kinh doanh đa cấp, con cái cũng nhờ đó có công ăn việc làm tại công ty như: chuyên viên kinh doanh, lái xe…thế nên tôi cũng tin và nhất trí tham gia 10 mã hàng với hy vọng khi về già được hưởng an nhàn.
Khi bạn tôi mang hợp đồng về để ký thì chồng tôi xem và thấy hợp đồng kinh tế nhưng có nhiều vấn đề như: người đứng tên bên B là giám đốc, địa chỉ mà tôi chưa hề biết ở đâu có thật hay không; việc ký kết chỉ có bên A ký chứ không có chữ ký của bên B… do không yên tâm nên vợ chồng tôi đã dừng lại việc ký hợp đồng…
Theo thông tin một số người bạn thì do việc kinh doanh bán hàng đa cấp bị lừa, nhà cửa của bố mẹ, con cái đều đã cầm cố ngân hàng, họ hàng cũng đang dồn ép…vì áp lực quá nên người bạn tôi đã bỏ đi.
Là một trong những địa phương có địa điểm bán hàng đa cấp, xã ân Hòa (Kim Sơn) thường xuyên tuyên truyền với nhân dân về kinh doanh đa cấp, cảnh giác và tìm hiểu kỹ khi tham gia vào bất kỳ chương trình quảng cáo bán sản phẩm của các tổ chức, cá nhân lợi dụng lòng tin của nhân dân để huy động vốn dưới nhiều hình thức trá hình trái với quy định của pháp luật ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND xã ân Hòa cho biết: Qua thống kê chưa đầy đủ và người dân đến thông báo với chính quyền địa phương trên địa bàn xã có hơn 10 người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, những người tham gia hầu hết là người dân thiếu thông tin hiểu biết về bán hàng đa cấp, người cao tuổi… . Chính quyền địa phương đề nghị UBND huyện Kim Sơn, các cấp, ngành có liên quan tiến hành xác minh hoạt động của công ty bán hàng đa cấp để có kết luận công khai cho người dân được biết.
Đồng chí Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Qua công tác nắm tình hình, trên địa bàn huyện hiện có khoảng hơn 500 người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Huyện đã có hình thức tuyên truyền đến tận người dân để mọi người hiểu rõ hơn về bản chất của kinh doanh đa cấp.
Tuy nhiên, hiện nay qua các phương tiện thông tin đại chúng và công tác tuyên truyền của địa phương nhiều người đã biết về bán hàng đa cấp nhưng vẫn không hợp tác với cơ quan Nhà nước khi tiến hành điều tra thu thập thông tin. Bởi tâm lý của họ không muốn khai báo vì sợ mất uy tín với những người mình đã vận động cùng tham gia.
Mặt khác, sợ đổ bể không rút lại được vốn nên đang tìm cách rút vốn mà không muốn đề nghị chính quyền can thiệp. Chính điều này vô hình chung người dân đã tạo "đất sống" cho những công ty đa cấp trá hình hoạt động ngày càng mở rộng ở các địa phương.
Bảo Yến
Kỳ 2: Kinh doanh đa cấp: Khó quản lý do đâu?