Nhộn nhịp ngày lên đường
Chỉ còn một ngày nữa là các sĩ tử sẽ đối mặt với thử thách lớn trong cuộc đời. Xu hướng chung của nhiều học sinh năm nay là không đổ xô vào các "lò luyện thi" trên Hà Nội. Nhiều thí sinh đến sát ngày thi mới xuất hành. Em Đỗ Thị Quyên (Yên Khánh) cho biết: Em thi khối C, nên không cần phải ôn luyện tại các "lò" mà ở nhà tự ôn. Gần ngày thi em mới lên. Gia đình em rất lo lắng tìm chỗ ở trọ sao cho thuận đường đến địa điểm thi, song em cũng khá yên tâm vì xem trên truyền hình, báo chí thấy các anh chị sinh viên rất nhiệt tình với chương trình "Tiếp sức mùa thi". Việc đầu tiên khi em đến Hà Nội là tìm đến đội sinh viên tình nguyện nhờ giúp đỡ.
Sinh viên tình nguyện tư vấn xe búyt, nhà trọ cho các sĩ tử
Hơn một tuần qua, tại hai địa điểm là bến xe và ga tầu Ninh Bình lúc nào cũng nườm nượp các gia đình đưa con đi thi. Anh H. - lái xe tuyến Ninh Bình - Hà Nội cho biết: "Cả tuần nay, các xe chủ yếu phục vụ các thí sinh đi thi. Tuy số lượng khách đông đột biến nhưng giá vé không có gì thay đổi. Các công ty xe khách trong tỉnh luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho các thí sinh, những ngày đông quá sẽ tăng cường thêm một số xe".
Anh T. tâm sự với chúng tôi khi anh cùng cô con gái đang đợi xe vào Vinh: "Tôi đi làm xa, hôm nay mới sắp xếp được công việc để về đưa con đi thi tại Đại học Vinh. Lần đầu vào đó, chưa rõ đường đi lối lại thế nào, cả hai bố con đều rất lo lắng, vào muộn thế này không biết có tìm được chỗ trọ không? Khác với sự lo lắng chung của các gia đình "thường thường bậc trung" thì một số gia đình khá giả lại rất ung dung trong việc tìm nhà trọ.
Chị T.K.T (thành phố Ninh Bình) nói: "Gần ngày thi tôi mới đưa cháu lên Hà Nội. Vì chỉ thi có mấy ngày nên tôi sẽ thuê nhà nghỉ để cháu thoải mái như ở nhà. Thời tiết này mà ở trọ đông người thì mệt mỏi, còn sức đâu mà thi".
Phong trào "Nam tiến"
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp, Sở Giáo dục - Đào tạo nhận xét: "Một vài năm gần đây, số thí sinh dự thi vào các trường đại học, cao đẳng trong Nam tăng vọt. Nguyên nhân của phong trào "Nam tiến" này là do một số trường trong Nam có điểm chuẩn thấp hơn ngoài Bắc. Thí sinh đăng ký NV2, 3 ở trong đó rất dễ đỗ". Có thể nói, đây cũng là một hướng lựa chọn rất đúng cho những sỹ tử có quyết tâm cao nhưng trong cuộc đọ sức chỉ đạt được giới hạn nhất định.
Em Đinh Ngọc Thanh (Nho Quan) cho biết: "Em thi năm nay là năm thứ 2, năm ngoái chỉ thi thử chứ chưa cố gắng hết sức. Qua theo dõi em thấy cơ hội cho các thí sinh ở miền Bắc thi đỗ vào các trường trong Nam rất lớn. Trừ những trường thuộc khối kinh tế thì những trường thuộc khối kỹ thuật, các ngành xã hội, điểm chuẩn đều thấp hơn ngoài Bắc. Em đã làm hồ sơ đăng ký thi tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhưng nguyện vọng 1 của em là Trường ĐH khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh".
Tuy vậy, không phải trong số tất cả những học sinh đăng ký thi vào các trường phía Nam đều có sự tính toán dựa trên sức học của mình. Đôi khi cũng chỉ vì theo bạn bè. Em Kim Chi (Nho Quan) cho biết: "Em làm hồ sơ thi vào trường Đại học Đà Lạt, em nghĩ những trường trong đó điểm chuẩn thấp hơn nhiều so với ngoài Bắc. Hơn nữa em rất thích được học ở một vùng đất mới lạ. Nhưng bố, mẹ em bảo thi những trường đó mai này ra khó xin việc ở ngoài Bắc nên nhất định không cho thi".
Đi kèm những tính toán "chưa kín kẽ" của các sĩ tử là nỗi lo của cha mẹ. Chị N.N. (thành phố Ninh Bình) cho biết: Sau khi thi tốt nghiệp, cháu và mấy người bạn đã tự đi tàu vào trong Nam để dự thi Đại học. Mặc dù gia đình rất lo lắng vì con vào trong đó mọi cái đều xa lạ, nhưng một phần tôn trọng quyết định của con, một phần vì điều kiện gia đình cũng không có người để đưa con đi thi ĐH cả nửa tháng trời như thế. Nhưng ở nhà cũng không yên, trước khi cháu đi thi đã phải sắm cho cháu một cái điện thoại để ngày nào cũng gọi điện kiểm tra".
Những nỗi lo trước ngày thi
Bên cạnh sự nhộn nhịp ngày lên đường, tâm lý háo hức đón chờ một kỳ thi hết sức quan trọng…, trong lòng mỗi sĩ tử năm nay đều có chung một nỗi lo, nhưng nỗi lo ấy chỉ làm tăng thêm quyết tâm thi đỗ của họ. Theo đề án của ngành Giáo dục thì sang năm sẽ chỉ tổ chức một kỳ thi chung cho tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Chính vì vậy, nhiều người rất lúng túng vì không biết nếu năm nay không đỗ thì sang năm sẽ thi như thế nào? Hơn nữa, năm nay là năm học cuối cùng của những học sinh học theo chương trình SGK cũ.
Sang năm học 2008-2009, các thí sinh trong cả nước sẽ thi theo chương trình phân ban THPT. Cả hai lý do này đều gây khó khăn cho những thí sinh nếu thi trượt năm nay. Điều này, cũng phần nào giải thích vì sao năm nay thí sinh phần đông lựa chọn những trường thuộc tốp trung bình để dự thi. Thậm chí rất nhiều thí sinh còn đăng ký nguyện vọng 1 là các trường đại học dân lập, cao đẳng, THCN.
Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo, tỉnh Ninh Bình có 27.980 hồ sơ đăng ký dự thi các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc. Những trường thuộc "tốp" đầu không còn "đắt giá" như những năm trước. Một số trường thuộc "tốp" giữa như: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Nông nghiệp I, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Mỏ địa chất… là những trường thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của các thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh trong tỉnh cũng đã lượng sức mình và hoàn cảnh gia đình để đăng ký vào Trường Đại học Hoa Lư, số hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Hoa Lư hiện nay là: 1447 hồ sơ. Thông qua sự lựa chọn thi vào các trường có thể thấy, học sinh đã tự đánh giá, phân loại năng lực của mình để lựa chọn đăng ký vào các trường phù hợp với quyết tâm sẽ thi đỗ trong năm nay.
Nguyễn Thơm