Trong đó 223/223 HTX nông nghiệp, đạt 100%; 15/17 HTX phi nông nghiệp và chuyên ngành, đạt 88% trong diện tổ chức lại (còn 2 HTX đang làm thủ tục tổ chức lại); 39/39 Quỹ tín dụng nhân dân, đạt 100%; 42 HTX thành lập mới. Đa số các HTX nông nghiệp hiện nay thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở nông thôn (thấp nhất là 3 và nhiều nhất là 12 dịch vụ) bao gồm: Cung ứng các dịch vụ đầu vào (giống, vật tư, phân bón, làm đất, tưới tiêu...).
Một số HTX nông nghiệp có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp, phát triển thêm một số dịch vụ mới như cấy, gặt, bao tiêu sản phẩm... do đó đã nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, thu nhập của các thành viên và khẳng định được vai trò kinh tế hợp tác cho các hộ gia đình thành viên.
Điển hình như HTX nông nghiệp Liên Dương (Khánh Dương, Yên Mô). Sau khi tiến hành tổ chức lại theo Luật HTX 2012, từ một HTX hoạt động yếu, mang tính chất cầm chừng, đến nay, HTX đã mạnh dạn vận động bà con thay đổi cách làm ăn, canh tác, đưa các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như cây ớt, ngô ngọt, khoai tây Hà Lan, các giống lúa cao sản cho năng suất chất lượng cao; tăng cường hợp tác với các công ty chế biến thực phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con... vươn lên trở thành một trong những HTX hoạt động có hiệu quả của huyện Yên Mô.
Một số HTX nông nghiệp đã thực sự hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, từ sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với các thành viên, hộ gia đình để có sản phẩm đầu vào ổn định đến chế biến và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu các sản phẩm của HTX. Một số HTX, thành viên HTX tiến hành chuyển đổi khu vực đồng chiêm trũng, trồng lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản, sản xuất theo mô hình trang trại, đa canh...
Ngoài ra các HTX còn chú ý tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thành viên HTX về cây trồng vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và hoa màu, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, phát triển sản xuất vụ đông, xây dựng nông thôn mới như chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng...
Một số HTX nông nghiệp có hoạt động tín dụng nội bộ, hoạt động linh hoạt đã góp phần hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho các thành viên HTX.
Điển hình là các HTX Đồng Xuân Tiến (Khánh Thành), Hợp Tiến (Khánh Nhạc), Nam Cường (Khánh Cường) của huyện Yên Khánh; HTX Đông Thôn (Yên Thái), Thọ Bình, Hoàng Bắc (Yên Phong), Liên Dương (Khánh Dương), Yên Hòa của huyện Yên Mô; HTX Đồng Phong, huyện Nho Quan; Hoa Tiên (Gia Hưng), huyện Gia Viễn; Đồng Hướng, Thượng Kiệm, Định Hóa của huyện Kim Sơn; Phong Hòa (Ninh Mỹ) của huyện Hoa Lư; Yên Bình của thành phố Tam Điệp...
Tổng doanh thu của các HTX năm 2016 là 618 tỷ 045 triệu đồng, tăng 193 tỷ 301 triệu đồng so với năm 2013. Thu nhập bình quân của một HTX năm 2016 là 43 tỷ 334 triệu đồng/năm, tăng 9 tỷ 754 triệu đồng so với năm 2013. Thu nhập bình quân của thành viên HTX năm 2016 là 42 triệu đồng/năm, tăng 16,5 triệu đồng/năm so với năm 2013; thu nhập bình quân của lao động 45 triệu đồng/năm, tăng 23,5 triệu đồng so với năm 2013.
Tuy vậy, khu vực kinh tế tập thể vẫn còn những tồn tại và khó khăn: Trình độ quản lý của cán bộ HTX còn yếu, chưa bắt kịp với tình hình biến động của xã hội; nhiều HTX còn lúng túng trong việc xác định hướng sản xuất, kinh doanh; cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu trụ sở làm việc, thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý; một số thành viên không mặn mà với kinh tế tập thể; một số HTX còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc thực thi cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với kinh tế tập thể chưa được triệt để, chưa có các chế tài để thực hiện hiệu quả nên chưa có tính thuyết phục; trong khi đó, mức lương của thành viên và người lao động trực tiếp trong HTX còn thấp, nhiều người lao động chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Hệ thống luật pháp, chính sách không đồng bộ: Luật HTX thì giao đất cho HTX, nhưng Luật Đất đai thì phải thuê đất.
Một số lĩnh vực kinh doanh quy định đối tượng HTX không được làm (Thông tư 54/2013/BTC của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung chỉ công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp doanh, doanh nghiệp tư nhân mới được quản lý, khai thác); HTX muốn hoạt động ở lĩnh vực này, lại phải thành lập công ty.
Vấn đề góp vốn theo Luật tối đa không quá 20% vốn điều lệ cũng làm hạn chế sự phát triển của HTX, không động viên, thúc đẩy những người có khả năng tham gia vào sản xuất, kinh doanh lĩnh vực HTX...
Đó cũng là những vấn đề cần có sự "vào cuộc" hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, bất cập của các cấp, các ngành để khu vực kinh tế tập thể ngày càng phát triển và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong nền kinh tế.
Đinh Chúc