Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN&PTNT, đại diện Chi cục trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông.
Năm nay, các tỉnh, thành phố phía Bắc gieo cấy trên 1,1 triệu hecta lúa đông xuân, trong đó vùng Bắc Trung Bộ có khoảng 351.000 ha, vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc có khoảng 755.000 ha. Nhìn chung, các trà lúa đều sinh trường và phát triển tốt. Tuy nhiên, thời tiết đang có những diễn biến khó lường. Từ cuối tháng 3 đến nay có mưa nhỏ, ẩm độ cao liên tục là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại bùng phát, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng.
Thực tế, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, diện tích nhiễm đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông đã tăng 200-300% so với cùng kỳ năm trước. Ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc bệnh đạo ôn lá phát sinh và gây hại từ đầu tháng 3 trên các trà lúa sớm và tăng nhanh, gây hại nặng từ cuối tháng 3 đến nay, tổng diện tích nhiễm là gần 10 nghìn ha. Cũng ở khu vực này, diện tích nhiễm rày cũng tăng hơn 1 nghìn ha, diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ tăng gần 6 nghìn ha so với cùng kỳ. Ngoài ra, trên các cây trồng khác như ngô, sắn đang bị sâu keo mùa thu, châu chấu tre lưng vàng, bệnh khảm lá đe dọa.
Tại Ninh Bình, vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh gieo trồng được trên 48.600 ha cây trồng hàng năm, trong đó cây lúa là hơn 40 nghìn ha. Dự kiến đến ngày 5/4 toàn tỉnh sẽ có khoảng 800 ha lúa trà xuân sớm trỗ. Tuy nhiên, đến nay, qua điều tra đã có hơn 400 ha lúa nhiễm các đối tượng dịch hại, trong đó diện tích nhiễm nặng là 13 ha, diện tích đã phòng trừ là 153 ha. Các đối tượng dịch hại nổi bật là: chuột, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng.
Trong thời gian tới, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh, trời âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài… thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng tiếp tục phát sinh gây hại. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "3 tháng trồng cây không bằng 1 ngày trông quả", đây là giai đoạn mẫn cảm nhất, quyết định đến năng suất cây trồng toàn vụ.
Để bảo vệ tốt các trà lúa vụ đông xuân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng chí đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thừa Thiên Huế trở ra và các cơ quan thuộc Bộ chủ động chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV ngày 3/4/2020 về tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại trên lúa Đông xuân ở các tỉnh phía Bắc.
Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng thường xuyên nắm tình hình sinh vật gây hại và công tác chỉ đạo ở các tỉnh trong vùng; tổ chức kiểm tra thực tế tình hình trên đồng ruộng ở một số tỉnh trọng điểm trước các đợt dịch để tham mưu biện pháp phòng trừ kịp thời. Phối hợp với Cục Trồng trọt kiểm tra, hỗ trợ địa phương chỉ đạo phòng chống sinh vật gây hại.
Hà Phương - Anh Tuấn