NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT
Xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) là đơn vị cấp xã được nhắc đến nhiều nhất trong chương trình xây dựng NTM của tỉnh 7 năm qua. Từ một mảnh đất khó khăn trong câu ca: "Ai đi xứ sự mười đông, không bằng công tác Khánh Công, Khánh Thành", nhờ phát huy tốt nội lực, sự đồng thuận trong nhân dân, Khánh Thành đã tạo được bước bứt phá quan trọng, trở thành 1 trong 3 xã đầu tiên của Ninh Bình đạt chuẩn NTM.
Đường làng ngõ xóm toàn xã được bê tông hóa, nhà cửa của nhân dân khang trang; hệ thống nước sạch về tới từng hộ gia đình; đời sống văn hóa nhân dân được cải thiện, 19/19 xóm có nhà văn hóa. Nổi bật là người nông dân đã bỏ tập quán canh tác cũ để hòa nhập với cách thức sản xuất theo cơ chế thị trường như câu chuyện của 45 hộ dân thuộc HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành.
Nhận thấy thị trường đang rất cần và thiếu các sản phẩm nông sản an toàn, những người nông dân này đã tập hợp lại bảo nhau cách làm ăn, chia sẻ kỹ thuật, giám sát chất lượng, điều tiết sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm đầu ra đủ lớn, bảo đảm chất lượng, an toàn, có địa chỉ tin cậy để chinh phục thị trường.
Nhờ vậy hiện nay, với diện tích 25 ha, mỗi năm HTX này cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn nông sản an toàn, chủ yếu là các loại củ, quả, rau ăn lá; lợi nhuận cho các thành viên đạt trên 600 triệu đồng/ha. Ngoài ra, không thể không nhắc tới việc chuyển đổi thành công 50 ha đất cấy lúa sang trồng ổi, chanh đào, nuôi cá… cho thu nhập cả vài trăm triệu đồng/ha ở các xóm 7, xóm 9, xóm 13 của xã.
Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình khác như mô hình trồng rau trong nhà lưới, mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGap… cũng đang phát huy hiệu quả. Năm 2017, Khánh Thành đã được công nhận là xã sản xuất đảm bảo ATTP. Giá trị sản xuất/1 ha canh tác của toàn xã đã đạt bình quân 139 triệu đồng/ha.
Hiện nay, Khánh Thành đang tiếp tục hướng tới NTM kiểu mẫu và trở thành một miền quê đáng sống với phong trào cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn: xây sửa vỉa hè, lắp đặt điện cao áp, trồng cây xanh, hoa tươi…
Còn tại Nho Quan, một huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh nhưng lại được đánh giá là có cách xây dựng NTM chắc chắn với các chỉ tiêu cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, huyện đã thực hiện tốt việc quản lý, giảm đầu tư công, giảm nợ xây dựng NTM, với quan điểm chỉ đầu tư các hạng mục, công trình, dự án thiết yếu, không để nợ đọng.
Theo đó, Nho Quan yêu cầu Ban chỉ đạo xây dựng NTM các xã phải tổ chức rà soát các tiêu chí đã hoàn thành, xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thiết yếu để hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt.
Sau đó, Văn phòng điều phối NTM huyện sẽ tổ chức kiểm tra, thống nhất nội dung công việc, rà soát cân đối nguồn kinh phí đầu tư với nguồn đầu tư từ ngân sách, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn huy động của doanh nghiệp và đóng góp từ nhân dân, báo cáo Ban chỉ đạo huyện, Thường trực Huyện ủy xem xét, xin chủ trương để triển khai tổ chức thực hiện.
Kết quả, nếu như cuối năm 2016, nợ về xây dựng NTM của 9 xã đạt chuẩn trên địa bàn huyện ở mức cao (khoảng 39 tỷ đồng), thì đến hết năm 2017 số nợ này đã giảm xuống chỉ còn 19 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong 4 xã mới đạt chuẩn NTM trong năm 2017 chỉ có duy nhất 1 xã còn nợ. Với cách làm như vậy, dự kiến đến hết năm 2018, Nho Quan sẽ không còn nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.
Như vậy có thể thấy rằng, sau 7 năm triển khai xây dựng NTM, với quyết tâm trong chỉ đạo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ, các đoàn thể và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, diện mạo nông thôn Ninh Bình đang đổi thay từng ngày.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu được chú trọng đầu tư. Toàn tỉnh đã làm được trên 1.400 km đường giao thông nông thôn. Cùng với đó là hàng trăm công trình trường học, trạm y tế xã, chợ, nước sinh hoạt nông thôn, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, sân thể thao… được nâng cấp và xây mới.
Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch nhanh hơn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hình thành và mở rộng thêm các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn nông thôn. Nông nghiệp dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến; ruộng đất được tích tụ.
Bên cạnh đó, hàng loạt các chính sách mới của Nhà nước như Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai… đã cởi trói, mở đường để người dân chuyển đổi sản xuất, từ trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, con nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn. Toàn tỉnh đã có hơn 700 ha đất lúa được chuyển đổi. Nhờ vậy, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác năm 2017 của tỉnh đã đạt con số 115 triệu đồng.
Đến nay, bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã, tăng 12 tiêu chí so với năm 2011; 80/119 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 67,2%; 2 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM là Hoa Lư và thành phố Tam Điệp. Ngoài ra, 7 xã thuộc 7 huyện đăng ký xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu cũng đã tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến hành trồng cây xanh ven đường, khu trung tâm, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: Nếu như kết thúc giai đoạn 1, tỉnh ta mới có 40 xã đạt chuẩn NTM và chưa có huyện nào đạt chuẩn NTM thì đến năm 2017 tức là bước sang năm thứ 2 của giai đoạn 2 con số này đã tăng lên gấp đôi (80 xã) và tỉnh cũng đã có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Giai đoạn 1 của chương trình xây dựng NTM (2011-2015) thành công lớn nhất của tỉnh đó là đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất thiết yếu của người dân như làm đường giao thông, xây dựng trường học, trạm y tế và nhiều công trình khác.
Bộ mặt nông thôn đã thay đổi rất nhanh sau 5 năm triển khai giai đoạn 1. Tuy nhiên, giai đoạn 1 tỉnh ta lại đối mặt với rất nhiều vấn đề như nợ đọng xây dựng cơ bản, chưa chú trọng đến việc phát triển kinh tế, lãng phí trong đầu tư hạ tầng…
Bước sang giai đoạn 2, có thể khẳng định rằng, NTM Ninh Bình đã dần đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nhà văn hóa, trạm y tế, trường học, sân thể thao… mà đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm thế nào để người dân sử dụng được cơ sở hạ tầng phục vụ cho cuộc sống của họ cũng như tìm hướng để nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, tạo ra môi trường thực sự trong lành và đáng sống cho cư dân nông thôn.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC TIÊU CHÍ CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN VÀ HẠN CHẾ
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn hiện nay Ninh Bình tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó trọng tâm là lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thay đổi trong đời sống người dân làm thước đo khi đánh giá hoàn thành bộ tiêu chí.
Trường Tiểu học Ninh Giang (Hoa Lư) được xây dựng khang trang. Ảnh: Minh Quang
Mặc dù đã đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng thực tế cho thấy, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh hiện gặp không ít khó khăn, thách thức mới. Theo Báo cáo của cơ quan chức năng, sau một thời gian triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đã lộ diện một số hạn chế và khó khăn cần được xử lý, giải quyết triệt để. Cụ thể: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ đầu tư của Nhà nước. Một số có tư tưởng nóng vội, chạy theo phong trào, thành tích. Một số địa phương chưa đề cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện xây dựng NTM; thiếu sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; việc triển khai còn mang tính hình thức, thiếu giải pháp cụ thể, chưa gắn với thực tiễn. Chất lượng các đề án, quy hoạch NTM chưa cao, chưa đồng đều. Quy hoạch ở một số xã chậm điều chỉnh, bổ sung gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, còn thiếu tính liên kết vùng.
Sản xuất nông nghiệp mặc dù có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững, dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh, diễn biến bất lợi của thị trường. Chúng ta đã xác định được một số sản phẩm chủ lực nhưng thiếu sự tham gia của doanh nghiệp và HTX nên khi tiêu thụ còn gặp khó khăn. Đổi mới mô hình tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn. Công nghiệp ở một số huyện chậm phát triển, nhất là công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
Ô nhiễm môi trường nông thôn diễn biến phức tạp. Công tác tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nông thôn chưa đồng bộ, công nghệ xử lý đơn giản. Nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở khu vực nông thôn còn đơn điệu; xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa ở một số địa phương chưa thực chất.
Một số xã đạt chuẩn NTM còn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, trong khi đó việc tạo nguồn vốn để trả nợ còn hạn chế. Công tác kiểm tra tại các xã sau khi đã đạt chuẩn, nhất là việc khắc phục các kiến nghị của đoàn thẩm tra, thẩm định; việc thực hiện các cam kết của địa phương chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Đặc biệt, chương trình xây dựng NTM triển khai được 7 năm cũng có nghĩa là chương trình đã bước sang giai đoạn hai được 2 năm với hướng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng trong việc thực hiện từng tiêu chí. Nếu như trước đây với tiêu chí về giao thông thì chỉ cần đường được đổ bê tông là đạt thì nay yêu cầu sẽ cao hơn, đường phải có điện thắp sáng, có biển chỉ dẫn, có cây xanh, có hệ thống thoát nước… Tương tự như vậy tất cả các tiêu chí còn lại như thu nhập, văn hóa cũng có những yêu cầu ở mức độ cao hơn.
Trong khi đó, xây dựng NTM trong giai đoạn tới sẽ siết chặt đầu tư công, cắt giảm nhiều chương trình, dự án. Bên cạnh đó là yêu cầu việc huy động nguồn lực không quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, vì vậy, việc tập trung nguồn lực cũng như việc huy động xây dựng NTM cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nguồn vốn chủ yếu vẫn là từ tiền đấu giá đất, giao đất để lại cho các xã, tuy nhiên tiến độ đấu giá đất còn chậm, một số xã vùng sâu, vùng xa giá trị đấu giá thấp.
Thiên tai, hạn hán và biến đổi khí hậu trong những năm tới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, sinh kế và đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn, các công trình hạ tầng thiết yếu cũng nhanh chóng xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu về xây dựng NTM của các địa phương.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Năm 2018, tỉnh ta phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh lên 90 xã, đạt 75,4% số xã trong tỉnh và huyện Yên Khánh đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn là 3 đơn vị. Bình quân tiêu chí/xã đạt 17,5 tiêu chí và không còn xã nào dưới 10 tiêu chí.
Để đạt mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh xác định công tác tuyên truyền vẫn là ưu tiên, nhằm tạo sự lan tỏa lớn trong toàn xã hội; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là thanh niên trí thức khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở nông thôn. Đồng thời, tiếp tục bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương nhằm nâng cao khả năng tiếp cận lợi ích từ chương trình đối với cư dân nông thôn ở các vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần xác định những tiêu chí mang tính đột phá, tạo điều kiện để thực hiện các tiêu chí khác. Trong đó tập trung cho các tiêu chí phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là trọng tâm, tạo sự lan tỏa cho các tiêu chí còn lại. Triển khai có hiệu quả đề án "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), "Mỗi vùng một số sản phẩm đặc trưng".
Quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao của địa phương đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân. Nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tập trung khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường nông thôn, nhất là các khu vực làng nghề, khu dân cư tập trung.
Nhân rộng các mô hình người dân tự quản các tuyến đường, tuyến kênh, tăng cường hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh, cây hoa trên các tuyến đường. Tăng cường dân chủ ở cơ sở để người dân được chủ động tham gia thực hiện xây dựng NTM. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhân rộng các mô hình tốt như "Tổ tự quản về an toàn giao thông", "Tổ phòng, chống tội phạm", "Tổ an ninh, hòa giải"… góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tai tệ nạn xã hội để NTM thực sự yên bình, đáng sống.
Đa dạng hóa nguồn lực xây dựng NTM theo hướng xã hội hóa; tăng cường hình thức hợp tác công tư để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực: xử lý môi trường, hạ tầng thương mại, nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao… Vận động các tổ chức và người dân đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để trả nợ xây dựng cơ bản, giảm nợ cũ, hạn chế phát sinh nợ mới.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, hiện nay tỉnh ta có 3 nhóm xã bao gồm nhóm đã đạt chuẩn, nhóm sắp đạt chuẩn, nhóm còn lại là các xã khó khăn. Đối với các xã đạt chuẩn NTM từ năm 2014, nay đã được 5 năm, tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, rà soát, đánh giá lại các tiêu chí theo tiêu chuẩn mới xem có đạt không, đồng thời triển khai mô hình nông thôn kiểu mẫu (kiểu mẫu sản xuất, cảnh quan, môi trường, văn hóa…) ở mỗi xã này.
Riêng các xã mới về đích mà còn một số nội dung chưa thực sự hoàn thiện thì cũng kiểm tra xem đã thực hiện chưa. Nhóm thứ hai phấn đấu đạt chuẩn trước năm 2020 thì cần tập trung vào tiêu chí sản xuất, môi trường… để sớm đề nghị xét công nhận.
Nhóm còn lại là các xã khó khăn, tỉnh sẽ ưu tiên các nguồn lực đầu tư, trọng tâm là cải tạo một số công trình hạ tầng thiết yếu gắn liền với đời sống của người dân như cung cấp nước sạch, làm đường giao thông… Bên cạnh đó đưa các mô hình phát triển sản xuất như mô hình trồng cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc vào để thúc đẩy kinh tế đi lên.
Hà Phương