Giảm áp lực cho học sinh, tăng áp lực cho giáo viên? Năm học 2014-2015, thực hiện thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học phải thay đổi cách đánh giá học sinh. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ ghi nhận xét về sự tiến bộ của từng em. Tuy nhiên, việc này đang gây áp lực với không ít thầy cô giáo. Cô Nguyễn Thị Hà (giáo viên lớp 2, trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Các trường đều có quy định là lời nhận xét phải tinh tế, tránh làm tổn thương các em và không được lặp lại… Vì thế giáo viên phải mất thời gian rất nhiều và nhiều lúc lời phê không phản ánh đúng năng lực của học sinh. Phê tốt thì thành ra xáo rỗng mà phê xấu sẽ làm tổn hại các em. Với giáo viên chủ nhiệm, do nắm bắt rõ từng học sinh nên dù sao cũng dễ ghi nhận xét. Với giáo viên bộ môn sẽ vất vả hơn vì phải dạy nhiều lớp, một lớp trên, dưới 40 học sinh, không thể nhớ hết điểm mạnh, điểm yếu của từng em để mà phê khi không còn điểm số. Do đó, nhiều thầy cô bộ môn đành nhận xét chung chung. Khi còn đánh giá bằng điểm số, giáo viên căn cứ vào điểm trung bình để đánh giá học sinh nào được học lực loại giỏi, tiên tiến, trung bình… Còn áp dụng theo thông tư 30, giáo viên chủ nhiệm phải tổ chức cho học sinh góp ý, đánh giá bản thân và các bạn trong lớp. Sau đó, giáo viên lập danh sách đề nghị khen thưởng rồi họp với hội đồng khen thưởng của trường để xét. Các danh hiệu học sinh khá, giỏi trước đây được thay thế bằng học sinh phát triển toàn diện, có năng lực nổi trội hoặc chỉ đạt thành tích học tập, chỉ đạt thành tích phong trào...
Áp lực thời gian, sổ sách và khó khăn trong từng lời nhận xét đang là băn khoăn của không ít thầy cô giáo. Làm sao cho học sinh biết rõ năng lực của bản thân bằng vài dòng đánh giá? Làm sao có đủ thời gian để quan sát, theo dõi, nhận xét và động viên học sinh khi mỗi tiết học chỉ kéo dài 45 phút còn sĩ số lớp bao giờ cũng trên dưới 40 em? Và làm sao đủ kiên nhẫn để ghi rồi chép lại hàng trăm lời nhận xét vào nhiều cuốn sổ khác nhau theo yêu cầu của Thông tư 30? Theo nhiều giáo viên tiểu học trên địa bàn tỉnh, họ mất từ 3 đến 5 phút cho việc ghi lời nhận xét vào vở một học sinh. Một ngày cố gắng lắm cũng chỉ nhận xét được khoảng 10 em. Vậy những em còn lại sẽ ra sao? Đó là chưa kể hàng tuần, hàng tháng và nặng nhất là cuối học kỳ, cuối năm học, mỗi giáo viên phải đánh giá, ghi chép vào cả chục cuốn sổ như: sổ quản lý giáo dục, sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ, sổ bồi dưỡng thường xuyên, sổ liên lạc, học bạ… Trong đó, không ít sổ yêu cầu tương tự nhau nhưng giáo viên vẫn cứ phải ghi đi, chép lại tỉ mỉ, tốn rất nhiều thời gian.
Cô Trần Thị Lan, Hiệu phó Trường Tiểu học Gia Trung (Gia Viễn) cho biết, rõ ràng Thông tư 30 đã mang lại bầu không khí mới cho môi trường học tập của học sinh. Thế nhưng, nếu Bộ Giáo dục - Đào tạo sớm có những chỉ đạo trong việc giảm tải sổ sách thì sẽ nhẹ nhàng hơn cho giáo viên. Bà Lan nhấn mạnh: "Với cách nhận xét như vậy thì học sinh sẽ không còn áp lực, các em sẽ thấy thích thú, nhưng giáo viên hơi vất cả. Vì vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể thay đổi hình thức nhận xét thì sẽ giảm được áp lực cho giáo viên". Đồng quan điểm, ông Hà Thế Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Tiên (Yên Khánh) khẳng định, việc áp dụng Thông tư 30 được nhiều hơn là mất. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ phải sắp xếp như thế nào để giáo viên không quá mỏi mệt với sổ sách. Cái gì tốt cho học sinh, có lợi cho các em thì chúng ta nên làm. Còn về góc độ đề xuất, tôi nghĩ rằng các nhà quản lý vĩ mô cần nghiên cứu thêm để làm sao cho Thông tư 30 phát huy hết tác dụng tích cực của mình.
Phụ huynh cũng còn nhiều băn khoăn
Việc thay đổi cách đánh giá học sinh cũng khiến phụ huynh không yên tâm. Chị Nguyễn Thị Huyền (xã Ninh Phúc, Thành phố Ninh Bình) cho biết, cách đánh giá bằng nhận xét khiến học sinh không biết mình đang ở đâu để phấn đấu. "Không có điểm, tôi không biết con mình học ở mức nào để kèm cặp. Cô giáo cứ phê học sinh cần cố gắng hơn hưng không biết con tôi cố gắng hơn để đạt loại trung bình hay đạt khá, giỏi. Ngoài ra, giáo viên cứ nhận xét chung chung khiến tôi không biết đâu là ưu, khuyết điểm của con để uốn nắn.". Còn chị Đoàn Thị Hà (phụ huynh em Bảo Ngọc, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình) thì chia sẻ: Tôi cũng công tác trong ngành giáo dục nên tôi cho rằng, các em tiểu học còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa của lời phê. Không còn điểm số, không còn sợ bố mẹ quát mắng vì điểm kém nên nhiều em ít có sự cố gắng trong học tập. Đi họp phụ huynh cuối năm, tôi thấy hầu như cháu nào cũng được khen thưởng.
Tìm hiểu về Thông tư 30 tôi được biết, nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định. Do đó dẫn đến việc có trường siết chặt tỷ lệ học sinh được khen thưởng, trong khi ở trường khác, có rất nhiều em nhận được giấy khen. Bên cạnh đó, nội dung trong giấy khen của từng trường cũng không thống nhất, chung chung, nhiều khi trừu tượng, "khích lệ" quá đà, dẫn đến tình trạng phụ huynh không thể hiểu được con mình đang ở mức độ nào để điều chỉnh. Những người làm công tác khuyến học ở thôn, xóm, phố cũng "bỡ ngỡ" khi nhận được bản phô tô giấy khen của các cháu học sinh để trao thưởng dịp 1/6 vừa qua vì "khác so với mọi năm quá, đọc không biết là cháu nào xuất sắc, cháu nào giỏi, cháu nào khá" (Lời một cán bộ làm công tác khuyến học ở phố Phúc Thái, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình).
Cần thêm thời gian để cả phụ huynh và nhà trường thích nghi
Sau 1 năm triển khai thực hiện, có thể nói thông tư 30 xóa bỏ việc đánh giá thường xuyên học sinh tiểu học bằng cho điểm trên địa bàn tỉnh là một chủ trương đúng đắn và tiến bộ.Đồng chí Bùi Văn Phương, phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết quan điểm về vấn đề này: Không cho điểm là để trả lại sự tự nhiên cho việc học. Lấy sự ganh đua về điểm số giữa các học sinh làm động lực của việc học là lạc hậu, thậm chí phản giáo dục. Không những thế, việc cho điểm còn dẫn tới bệnh thành tích, khiến nội dung học tập trở nên giả tạo, méo mó, thậm chí gian dối. Nhưng thay vì không cho điểm thường xuyên, lại bắt giáo viên ghi nhận xét từng học sinh hàng ngày như vậy là điểm trừ cho thông tư 30. Thứ nhất là giáo viên sẽ mất quá nhiều thời gian ghi nhận xét, không còn thời gian đầu tư cho bài giảng và chỉ bảo học sinh. Thứ hai, các nhận xét chung chung không có tác dụng tích cực với học sinh.Việc đưa thông tư 30 vào tiểu học có những mặt tích cực nhìn thấy rõ như trẻ sẽ được động viên, chia sẻ, khích lệ, giảm tải học... Điều này không mang tính hình thức, giảm thiểu "bệnh" thành tích.
Tuy nhiên, sự chuẩn bị khá gấp gáp khiến ngành giáo dục chưa đào tạo kỹ giáo viên, nhà trường về những nhận xét sâu, vừa mang tính khích lệ học sinh nhưng cũng cần chỉ ra rõ hơn với vài nhóm cần quan tâm. Giáo viên vì vậy chưa làm tốt việc đánh giá bằng lời, gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh khi cầm những tờ nhận xét chưa thực sự chi tiết. Mặt khác việc chấm điểm đã quen từ nhiều năm nên việc thay đổi cần thêm thời gian để cả phụ huynh lẫn nhà trường thích nghi. "Chúng ta thường đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số, bằng những cuộc thi, bằng những bài toán khó, lời văn phức tạp... Bây giờ thay đổi cách đánh giá để lứa tuổi tiểu học giảm tải áp lực, sống hồn nhiên, đúng lứa tuổi hơn, giống như học sinh các nước có nền giáo dục phát triển. Song để làm được chúng ta cần thêm thời gian thích nghi và phù hợp với đa số học sinh, tạo sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Theo tôi ta nên kết hợp giữa định tính và định lượng trong đánh giá, xếp loại học sinh vì đã có nhiều bài học về đổi mới. Đổi mới không nhất thiết là phải làm khác cái cũ mà phải bổ sung, hoàn thiện cái cũ phù hợp với đặc điểm của nền giáo dục nước ta", ông Phương nói.
Quỳnh Thu