Những ngày đầu tiên của năm 2021, không khí lạnh tăng cường khiến các vết thương trên cơ thể của thương binh hạng 1 Đặng Quốc Hiển, xã Đồng Phong (huyện Nho Quan) lại thêm nhức nhối. Tuy vậy, ông Hiển vẫn gắng khỏe khoắn để chăm sóc vợ là bà Trần Thị Hiệp vì bà bị ốm từ một tuần nay. "Bà ấy đã chăm sóc tôi gần trọn cuộc đời, tôi cũng muốn được tự tay chăm lo cho bà ấy. Cuộc đời tôi có lẽ may mắn nhất là đã gặp được người vợ, người bạn tri kỷ này"- ông Hiển chia sẻ.
Rồi ông Hiển kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mình bằng những mảnh ký ức chắp vá. Mùa hè năm 1972, thanh niên Đặng Quốc Hiển (quê ở Hà Tĩnh) cùng hàng nghìn thanh niên mọi miền Tổ quốc trải qua 81 ngày đêm đỏ lửa để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. "Liệt sỹ sống" Đặng Quốc Hiển chỉ cho tôi xem các vết sẹo chằng chịt trên cơ thể. Hành trang trở về của người lính năm xưa là hai mảnh đạn trong đầu, một mảnh ở lưng sau 3 năm chiến đấu ở chiến trường Huế- Quảng Trị. Vết thương ở đầu đã nuốt trọn ký ức của ông Hiển. Ông không còn nhớ nổi gia đình mình gồm những ai, ở nơi nào.
Chăm sóc các thương, binh nặng thời ấy ở Trại điều dưỡng thương binh C cũng là các y, bác sĩ, hộ lý còn rất trẻ, trong đó có nữ hộ lý Trần Thị Hiệp. "Đó là một cô gái mảnh mai, xinh đẹp và cần mẫn. Tôi không thể nhớ nổi những lúc lên cơn kích động mình đã làm những gì, chỉ biết rằng sau nhiều lần tôi lên cơn kích động, cô hộ lý Hiệp bị gãy tay. Khi tôi tỉnh táo, tôi mới biết những chấn thương của cô hộ lý là do tôi gây ra. Những lúc ấy, lòng tôi trào dâng một niềm biết ơn, thương cảm và day dứt"- ông Hiển xúc động.
Còn đối với hộ lý Trần Thị Hiệp, mỗi lần bị các thương, bệnh binh đánh trong cơn kích động, bà không cảm thấy đau ở cơ thể mà bà chỉ thấy đau, thấy xót ở trong tim. "Tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc thương binh Hiển. Khi mới về trung tâm, ông Hiển lên cơn kích động đập phá từ 2-3 lần/ngày. Khi lên cơn kích động, các thương binh rất khỏe. Chúng tôi phải trói bệnh nhân chặt xuống giường. Có lần không kịp trói, tôi bị ông Hiển đánh đến gãy tay. Suốt quãng thời gian chăm sóc ông ấy, tôi bị đánh gãy tay tới 3 lần. Nhiều khi bố mẹ xót xa khuyên tôi nghỉ làm. Nhưng tôi không đồng ý. Công việc ấy cũng là cách để tôi tri ân những người có công với Tổ quốc"- bà Hiệp xúc động.
Những lúc tỉnh táo, ông Hiển tỏ ra day dứt, thương cảm cô y tá hiền lành. Ông tâm sự với bà nhiều hơn. Từ sự đồng cảm đã nhen nhóm lên tình yêu lứa đôi. Vào năm 1974, bà Hiệp đồng ý nên duyên, dành cả cuộc đời để chăm sóc cho ông Hiển. Quyết định ấy của bà ban đầu bị gia đình phản đối. Họ thương con gái sẽ vất vả nếu gắn bó cả cuộc đời với người thương binh nặng loại 1, lại bị loạn thần như ông Hiển. Nhưng cuối cùng, tình cảm chân thành của ông bà đã được gia đình bà ủng hộ.
Nhớ lại ngày vui đặc biệt của cuộc đời mình, bà Hiệp kể: Căn cứ vào tình trạng sức khỏe của các thương, bệnh binh, Trung tâm đã đồng ý tác hợp và tổ chức đám cưới tập thể cho một số đôi lứa yêu nhau. Tôi và ông Hiển là một trong những đôi được tác thành dịp ấy. Năm đó, tôi là cô dâu 22 tuổi, còn ông là chàng trai vừa độ 25. Trong ngày vui trọng đại, chúng tôi chỉ có bánh kẹo, điếu thuốc thơm để mời khách. Khách của chúng tôi khi ấy cũng thật đặc biệt, chủ yếu là các thương, bệnh binh đang thực hiện điều trị tại Trung tâm. Họ đã dành cho chúng tôi giây phút tỉnh táo nhất, hát tặng chúng tôi những bài hát hay nhất để mừng cho hạnh phúc lứa đôi.
Sau đám cưới, ông Hiển, bà Hiệp được Trung tâm phân cho ngôi nhà tập thể. Vậy là cô hộ lý và anh thương binh đã có được một tổ ấm nhỏ để vun vén, chăm sóc. Hàng ngày, bà vào Trung tâm làm việc còn ông vào Trung tâm để điều trị. Ngoài việc ở Trung tâm, mọi việc nhà đều do bà Hiệp đảm đang gánh vác. Bà Hiệp kể, ông Hiển vốn hiền lành, ít nói, nhưng những lúc vết thương tái phát thì bản tính lại thay đổi, không kiểm soát dược lời nói và hành vi. Những tháng năm chung sống với ông, bà còn phải chịu nhiều trận đòn vô cớ từ chồng. Rồi những đêm thức trắng cùng chồng trải qua cơn đau vật vã do vết thương hành hạ… Khó khăn, vất vả là thế, song chưa khi nào bà Hiệp cảm thấy mệt mỏi hay nuối tiếc. Mọi nhọc nhằn cũng đã được đền đáp xứng đáng. Cả 4 người con, 3 trai, một gái của ông bà đều lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Vì điều kiện sức khỏe, năm 1992, bà Hiệp về nghỉ mất sức.
Để mưu sinh và tiện bề chăm sóc chồng, con, bà Hiệp bán hoa quả ở bến xe. Đến năm 2008, khi các con trưởng thành và lập gia đình riêng, bà Hiệp nghỉ việc buôn bán để dành toàn bộ thời gian bầu bạn, chăm sóc chồng. "Những cặp đôi tổ chức đám cưới cùng chúng tôi ngày ấy, nay người còn, người mất. Có những cặp đôi trở về quê như ông Long, bà Hà, ông Hồng, bà Bách... Chỉ còn lại tôi gắn bó với mảnh đất Đồng Phong này cho tới tận ngày hôm nay. Tôi sẽ dành phần còn lại của cuộc đời để sống ở đây, để được gần gũi với đồng đội và cũng là để tri ân mảnh đất đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho cuộc đời mình"- ông Hiển xúc động cho biết.
Bài, ảnh: Đào Hằng