Đang là Phó trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, giữa tháng 2 năm 2020, đồng chí An Thị Mùi được điều động giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Gia Lạc. Được đánh giá là một cán bộ năng động, nhiệt huyết nhưng tuổi đời còn rất trẻ nên thử thách dành cho đồng chí Mùi khi nhận nhiệm vụ mới là không hề nhỏ. Tuy nhiên, đây lại chính là điều kiện để đồng chí được bồi dưỡng, rèn luyện và trưởng thành hơn. "Được làm việc trong môi trường mới, tôi phải tìm hiểu nhiều hơn để nhanh chóng nắm bắt tình hình và những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ở địa phương, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên cũng vỡ vạc ra nhiều điều." - đồng chí Mùi chia sẻ. Cũng như đồng chí Mùi, hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành nhờ việc tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn, sát thực tế hơn.
Từ việc được rèn rũa ở môi trường mới, nhiều cán bộ lãnh đạo, chủ chốt không phải người địa phương đã phát huy năng lực, sở trường góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức đảng tại nơi công tác. Giữa năm 2019, đồng chí Bùi Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện được luân chuyển giữ trọng trách là Bí thư đảng ủy xã Gia Phương. Xem đây như quê hương của mình, đồng chí Sơn thường xuyên bám sát cơ sở, chịu khó tìm tòi, đồng thời chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, lắng nghe kinh nghiệm của cán bộ, công chức ở địa phương. Từ đó chủ động bàn bạc, trao đổi cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy có những quyết sách phù hợp, khơi dậy các nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Thậm chí, việc gì chưa có quy định nhưng thực tế đòi hỏi, đồng chí đã mạnh dạn đề xuất cấp trên và thực hiện thí điểm. Sự chung sức, đồng lòng đó đã góp phần đem lại những đổi thay tích cực ở vùng quê này. Từ một xã miền núi, có nhiều khó khăn, mới đây Gia Phương đã vinh dự được trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bác Đỗ Vinh Quang, đảng viên cao tuổi ở xã Gia Phương cho rằng: cán bộ đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương đã rất sâu sát với thôn, xóm, xử lý nhiều công việc dứt khoát, không cục bộ và thể hiện tâm huyết cũng như sự đóng góp thiết thực đối với sự phát triển của xã.
Nhờ dựa trên năng lực, sở trường của từng cán bộ để bố trí cho phù hợp đối với mỗi cán bộ và đối với từng địa phương, do vậy trong nhiệm kỳ qua, huyện Gia Viễn đã thực hiện luân chuyển 9 đồng chí lãnh đạo phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện về làm cán bộ chủ chốt ở cấp xã, điều động 9 đồng chí là cán bộ chủ chốt xã, thị trấn đến công tác tại đơn vị khác trong khối xã, thị trấn. Các quyết định luân chuyển đã được triển khai đúng quy trình, quy định, dân chủ, công khai và nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Các xã được lựa chọn để luân chuyển cán bộ chủ chốt không phải người địa phương đa số còn khó khăn, có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa được phát huy... Trong khi đó, hầu hết cán bộ được điều động, luân chuyển đều là cán bộ trẻ, có triển vọng, do vậy đây được xem là "luồng gió mới" để cùng với tập thể cấp ủy tạo được sự đột phá trong việc cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả. Qua thực tế tìm hiểu cho thấy, phần lớn cán bộ được luân chuyển đã cơ bản phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, sở trường và với phương pháp chỉ đạo, điều hành không nể nang, né tránh, họ đã giải quyết được nhiều hạn chế của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đồng chí Lưu Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Viễn cho biết: Thực tế chứng minh, địa phương nào thực hiện điều động, luân chuyển gắn với quy hoạch, giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc sẽ tạo được những thay đổi tích cực. Do vậy, việc Gia Viễn đẩy mạnh thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ cấp ủy xã, thị trấn không phải là người địa phương nhằm góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Các xã có cán bộ chủ chốt luân chuyển không phải người địa phương đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện. Nhiều nơi đã có những dấu ấn của cán bộ không phải người địa phương, đó là những cách làm sáng tạo, những mô hình hay giúp nâng cao đời sống cho nhân dân; là việc giúp thay đổi tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức ở những địa phương đó theo hướng khoa học hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn…
Bài, ảnh: Đào Duy