Năm 1967, cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Ông Lương Tất Dũng khi ấy đang là học sinh cấp ba đã hăm hở xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Những ngày đầu tham gia chiến đấu, ông công tác ở bộ phận tiếp nhận, trao đổi thông tin của Trung đoàn 101 bộ binh thuộc Sư đoàn 325 (tiền thân của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 ngày nay). Với tinh thần dũng cảm, luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, ngày 3/2/1968 ông Dũng vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam khi vừa tròn 18 tuổi.
Trên khắp các chiến trường từ Quảng Trị đến miền Tây Nam Bộ, ông và các đồng đội trong trung đoàn đã tham gia đánh hàng nghìn trận lớn nhỏ, lập nên nhiều chiến công vang dội. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Thời khắc ấy như vỡ òa bởi nó được đánh đổi từ sự hi sinh của biết bao người đồng chí, đồng đội từng cùng ông Dũng vào sinh ra tử. Đến năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông Dũng lại một lần nữa tham gia chiến đấu, giữ vững tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh'. Ông nhận quyết định nghỉ hưu vào năm 1989 khi vết thương cũ tái phát.
Kết thúc chiến tranh, 700 chiến sĩ của Trung đoàn là con em Ninh Bình đã anh dũng ngã xuống, gần 100 người trở thành những thương, bệnh binh và 50 người chịu ảnh hưởng chất độc da cam, đau thương mất mát không hề nhỏ. Bởi vậy, sau khi trở về với cuộc sống đời thường, ông Dũng đã tham gia vào Ban Liên lạc lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 tỉnh Ninh Bình với mong muốn kết nối và giúp đỡ những đồng đội cũ. Nhờ tấm lòng nhiệt huyết, luôn tích cực với các hoạt động tình nghĩa, năm 2003, ông được bầu làm trưởng ban Liên lạc lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 huyện Gia Viễn, đến năm 2011 thì chính thức giữ cương vị là trưởng ban của toàn tỉnh.
Ông Dũng cho biết: " Mọi việc tôi làm đều xuất phát từ tấm lòng đồng cảm và tình nghĩa đồng đội một thời sống chết có nhau. Giờ tôi còn sức khỏe, có thể đi được nên tôi vẫn lặn lội tới các vùng đất xa xôi như Lai Châu, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái… để trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đến các đồng chí trung đoàn trưởng, chính ủy quân khu nhờ giúp đỡ. Rất may, mọi người đều nhiệt tình ủng hộ việc làm nhân văn của mình nên tôi càng có quyết tâm hơn."
Với tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, những năm qua ông Lương Tất Dũng cùng hơn 600 cựu chiến binh sinh hoạt trong ban liên lạc Lữ đoàn luôn chung sức, đồng lòng hỗ trợ những anh em có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống. Theo đó, từ năm 2009 đến nay, 42 ngôi nhà tình nghĩa đã lần lượt được khánh thành và bàn giao đến các gia đình thương bệnh binh với mức hỗ trợ từ 70 đến 100 triệu đồng/nhà. Trong năm 2017 vừa qua, Ban liên lạc cũng đã trích nguồn vốn hỗ trợ xây mới 5 nhà tình nghĩa cho những đồng đội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, mỗi khi có manh mối về việc tìm hài cốt Liệt sĩ, ông Dũng lại cất công đi khắp các chiến trường năm xưa, thậm chí sang cả Capuchia để xác nhận . Nhờ cái tâm và lòng nhiệt thành, đến nay ông cùng các đồng đội đã đưa hài cốt của 23 đồng chí về với đất mẹ.
Dù đã nghỉ hưu nhưng có lẽ công việc hiện tại của ông Dũng còn bận hơn. Làm nhiều việc ý nghĩa như vậy nhưng ông suy nghĩ rất khiêm tốn : Hoạt động tình nghĩa này là công sức của tất cả các anh em trong Lữ đoàn chứ không riêng cá nhân tôi. Nếu hạnh phúc của tuổi trẻ là được chiến đấu cho Tổ quốc thì niềm vui bây giờ của chúng tôi chỉ đơn giản là được gặp và giúp đỡ lẫn nhau...
Bài, ảnh: Vân Anh