P.V: Thưa đồng chí, những năm qua ngành Công thương tỉnh ta đã rất chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp nói chung, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nói riêng, điều đó có ý nghĩa như thế nào?
Đ/c Phạm Thị Hồng: Việc đầu tư của các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là ngành công thương cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, tổ hợp tác, làng nghề hoạt động trong lĩnh vực TTCN của địa phương đã chứng tỏ vai trò quan trọng của ngành tiểu thủ công nghiệp trong sự phát triển kinh tế, đặc biệt đối với kinh tế khu vực nông thôn.
Ngành tiểu thủ công nghiệp đã thu hút một số lượng lao động không nhỏ trong xã hội. Hiện nay tổng số lao động trong các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp khoảng 50.000 lao động, doanh thu bình quân đạt từ 9 đến 10 tỷ đồng/doanh nghiệp/năm; tổng số lao động trong các HTX năm 2013 khoảng 750 người; thu nhập bình quân của lao động trong các HTX là 1 triệu đồng/người/tháng; doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 1.200 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 75 triệu đồng/năm; tổng số lao động ở các tổ hợp tác là 1.200 người. Thu nhập bình quân của lao động trong các tổ hợp tác là 750 nghìn đồng/người/tháng, doanh thu bình quân của tổ hợp tác đạt 160 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 18 triệu đồng/năm... Năm 2013, tổng số hộ làm nghề trong các làng nghề khoảng 12.500 hộ, giảm 13% so với năm 2012; tổng số lao động tham gia sản xuất trong các làng nghề khoảng 22.000 lao động, giảm 19% so với năm 2012; giá trị sản xuất nghề năm 2012 đạt trên 1.000 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2012; thu nhập bình quân từ hoạt động nghề đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn chung, hoạt động làng nghề tuy không phải là lĩnh vực mang lại giá trị sản xuất lớn và thu nhập cao cho người lao động, nhưng đã thu hút và tạo việc làm cho nhiều người với thu nhập ổn định, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân trong làng nghề và trở thành nền tảng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nói chung, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh nói riêng đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Nghề thủ công mỹ nghệ cũng đang được chú trọng để phục vụ du lịch, dịch vụ. Việc phát triển các làng nghề, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng đã giúp duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, tạo nên bản sắc riêng của mỗi vùng miền.
P.V: Các chính sách hỗ trợ trong những năm qua được xem như đòn bẩy giúp cho ngành tiểu thủ công nghiệp phát triển. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Đ/c Phạm Thị Hồng: Năm 2013, Sở Công thương đã tích cực triển khai công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, làng nghề trong lĩnh vực TTCN trên địa bàn. Tổ chức thực hiện các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại để hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX, làng nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho lao động khu vực nông thôn, góp phần xây dựng công nghiệp nông thôn bền vững. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TU về đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, Sở đã phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh là 900 triệu đồng để thực hiện kế hoạch phát triển nghề chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ.
Để tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, các hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong năm 2013, Sở Công thương đã trình UBND tỉnh và Bộ Công thương phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công Quốc gia và địa phương với tổng số tiền là 2.250 triệu đồng qua đó đã góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Sở cũng đã chỉ đạo tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2013, đến nay đã cơ bản hoàn thành 26 hoạt động XTTM địa phương với tổng số tiền hỗ trợ 2 tỷ đồng và 3 hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn thuộc Chương trình XTTM quốc gia với kinh phí hỗ trợ là 210 triệu đồng, giúp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
P.V: Mặc dù có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các làng nghề nhưng có thể thấy các nghề TTCN vẫn đang chịu những sức ép chung của nền kinh tế. Thực tế diễn ra ở Ninh Bình như thế nào thưa đồng chí?
Đ/c Phạm Thị Hồng: Năm 2013, trong điều kiện nền kinh tế cả nước vẫn chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, kinh tế chậm phục hồi và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát mặc dù đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn hạn chế, trong đó khả năng huy động và tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, trình độ, năng lực tiếp thị trong nước và quốc tế của doanh nghiệp nhỏ và vừa của các HTX và làng nghề còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh mà vẫn chủ yếu kinh doanh dựa trên kinh nghiệm. Mạng lưới phân phối sản phẩm còn hẹp, hoạt động xúc tiến thương mại giản đơn, sơ lược và không có hiệu quả thiết thực. Kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm quản lý của lãnh đạo và quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Phần lớn các chủ doanh nghiệp và giám đốc doanh nghiệp tư nhân chưa được đào tạo một cách bài bản về kinh doanh, quản lý, kinh tế - xã hội, luật pháp... Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động làng nghề gặp khó khăn, các làng nghề hoạt động đa số chưa có ban quản lý làng nghề, việc theo dõi tình hình hoạt động, chủ yếu thông qua thôn, xã. Các làng nghề hầu hết đều có quy mô sản xuất nhỏ, sản xuất theo thời vụ vào lúc nông nhàn. Việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề chưa được quan tâm đúng mức.
P.V: Để ngành tiểu thủ công nghiệp nói chung và nghề thủ công truyền thống nói riêng phát triển theo hướng bền vững. Trong thời gian tới ngành công thương sẽ có những giải pháp nào thưa đồng chí?
Đ/c Phạm Thị Hồng: Để ngành tiểu thủ công nghiệp tiếp tuc phát huy thế mạnh của mình, trong thời gian tới Sở Công thương sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực quản lý của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đào tạo lao động kỹ thuật cho doanh nghiệp. Tranh thủ sự lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt sẽ tổ chức các lớp đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp cho lãnh đạo doanh nghiệp và kế toán.
Tổ chức các buổi họp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và tiếp thu khuyến nghị của doanh nghiệp để các cơ quan liên quan thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác khuyến công, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn, nâng cao khả năng huy động và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.
Tăng cường và đẩy mạnh công tác XTTM, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể để các sản phẩm tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, tạo lập thị trường ổn định cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)