Đồng chí Nguyễn Thị Hiên, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Hiện nay, tỉnh ta có diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản khá lớn, ước tính trên 18.000 ha, trong đó nước ngọt trên 15.000 ha. Các đối tượng nuôi vùng nước ngọt khá phong phú, trong đó cá lóc bông là loài có giá trị kinh tế khá cao, dễ nuôi, đang được thị trường ưa chuộng và được nhân dân trong tỉnh đưa về nuôi, nhất là ở huyện Yên Khánh có một số hộ nuôi cá lóc bông với số lượng lớn, năng suất trung bình ở các hộ đạt từ 20-30 tấn/ha, thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, về nguồn giống để cung cấp cho các hộ nuôi hiện nay được nhập chủ yếu từ các tỉnh phía Nam, tỷ lệ sống của cá rất thấp, trong khi giá thành lại cao. Mặt khác, do phụ thuộc vào nguồn giống nhập nên người nuôi không chủ động được mùa vụ, gây ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế.
Để nhân rộng mô hình nuôi cá lóc bông có hiệu quả và khắc phục những hạn chế trên, việc ứng dụng công nghệ cho cá lóc bông sinh sản nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi cá lóc bông thương phẩm tại Ninh Bình là cần thiết.
Để thực hiện đề tài, Trại giống thuộc Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình được chọn làm địa điểm triển khai cho sinh sản cá lóc bông và thực hiện một số hoạt động nghiên cứu khác. Đồng thời chọn 2 hộ thuộc xã Khánh Nhạc có đủ các điều kiện về diện tích mặt nước, vốn, tự nguyện tham gia để xây dựng mô hình. Đối với hoạt động triển khai sinh sản nhân tạo cá lóc bông, nhóm đề tài đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất như: hệ thống ao nuôi cá bố mẹ, ao ương, thiết bị, máy móc, dụng cụ… phục vụ sinh sản nhân tạo…
Đến thời điểm này, đề tài đang được triển khai theo đúng tiến độ và đạt được một số kết quả khả quan, dự kiến trong tháng 10, nhóm thực hiện đề tài sẽ tổ chức hội thảo, trình diễn kết quả đầu bờ và triển khai cho các hộ nuôi mô hình thu hoạch.
Đề tài thành công sẽ mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực, những lao động thực hiện đề tài sẽ nâng cao được tay nghề, tiếp cận, nắm bắt được quy trình cho sinh sản nhân tạo cá lóc bông; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, đưa khoa học gắn liền với sản xuất và đời sống. Về mặt hiệu quả kinh tế, theo tính toán của nhóm thực hiện đề tài, giá thành sản xuất con giống cung cấp cho bà con nông dân giảm so với giá thị trường 471 đồng/con, lãi xây dựng mô hình (diện tích mặt nước 2.500 m2) đạt gần 85 triệu đồng.
Về mặt xã hội, đề tài sẽ tạo ra con giống tại chỗ, cá có chất lượng tốt, đáp ứng đủ giống cho người nuôi trong tỉnh. Đồng thời xây dựng được mô hình nuôi cá lóc bông thương phẩm hiệu quả để nhân dân đến tham quan, học tập, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất. Từ đề tài sẽ xây dựng một quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá lóc bông phù hợp với điều kiện của địa phương.
Bài, ảnh: Hồng Giang