Nỗ lực từ nhiều phía Bước sang năm 2017, nhiều tín hiệu tốt từ thị trường đã giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Ninh Bình có những bứt phá đáng ghi nhận. Trong đó, Nhà máy ô tô Thành Công là doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất cho giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Năm 2016, Công ty đứng thứ hai thị phần về xe du lịch với doanh số 36.500 xe. Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô du lịch công suất 52.000 xe/năm, nhà máy sản xuất xe khách, xe bus, xe mini bus công suất 18.000 xe/năm và sản xuất linh kiện phụ trợ.
Năm 2017 được đánh dấu bằng việc Công ty đã đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc về việc đầu tư Trung tâm sản xuất xe du lịch Hyundai tại Việt Nam, vừa tiêu thụ tại thị trường trong nước, vừa xuất khẩu sang thị trường ASEAN.
Ngay từ đầu năm, dự án đầu tư nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô công suất 40.000 xe/năm của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam tại Khu công nghiệp Gián Khẩu cũng đã đi vào hoạt động, sản xuất ổn định.
Bên cạnh đó, Công ty cũng chủ động xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô và linh kiện phụ trợ với tổng vốn đầu tư khoảng 10.600 tỷ đồng, đầu tư tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Một số loại xe sản xuất ra hướng đến sử dụng năng lượng sạch, tiêu chuẩn khí thải Euro 4, Euro 5. Do đó, 6 tháng đầu năm sản lượng lắp ráp ô tô của Công ty ước đạt 6.201 xe, tăng gấp hơn 3 lần, đạt 77,5% kế hoạch.
Đối với các doanh nghiệp địa phương, cũng ghi nhận nhiều sự nỗ lực, trong đó phải kể đến Công ty Đại Phát. Năm 2017, Nhà máy Luxxx của Công ty với quy mô 10.000 m2 chuyên lắp ráp các sản phẩm đèn led nhãn hiệu Maxwin và Hafuco được chuyển từ Hải Phòng về Ninh Bình từ đầu năm nay chính thức đi vào hoạt động.
Đến nay, Công ty đã nhanh chóng ổn định sản xuất với công suất 10 nghìn sản phẩm/ngày. Bên cạnh dòng sản phẩm chủ đạo do Công ty lắp ráp và phân phối thì doanh nghiệp còn phân phối các sản phẩm điện dân dụng, vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất của các thương hiệu nổi tiếng.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cho biết: 6 tháng đầu năm, do thị trường ổn định nên sản lượng tiêu thụ của Công ty đã vượt trên 100% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Ông Giám đốc Công ty mong rằng thành phố Ninh Bình sớm giải phóng mặt bằng để Công ty có thêm diện tích mở rộng nhà xưởng, kho bãi, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Không chỉ có sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, chính quyền các địa phương cũng đã vào cuộc tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Năm vừa qua, huyện miền núi Nho Quan là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn để phát triển công nghiệp.
Ông Trần Văn Sính, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Huyện đã chỉ đạo các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Hiện nay, Nho Quan xếp thứ 3/8 huyện, thành phố trong tỉnh về cải cách TTHC.
Kết quả, 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Nho Quan ước đạt 484,6 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn như: đá các loại 208.000 m3, than 1.039 tấn, gạch đất nung 20 triệu viên, tinh bột sắn 151 tấn, nước khoáng 3 triệu lít, 1,52 triệu sản phẩm may mặc, 28,5 tấn CO, 11.764 tấn dầu Fo-r, 4.752 tấn thép phế thải...
Những kết quả khả quan
Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay, đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương nhận định: 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tương đối ổn định và đã đạt được những kết quả khả quan. Một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã có bước tăng trưởng vượt bậc, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.
Kết quả này là do tỉnh Ninh Bình đã chủ động triển khai có hiệu quả Nghị quyết 19/2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp. Ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, cùng với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cũng theo báo cáo của ngành Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm toàn tỉnh ước đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ, đạt 56,1% kế hoạch năm; trong đó công nghiệp khai thác ước đạt 103 tỷ đồng, giảm 5,3%; công nghiệp chế biến ước đạt 19.280 tỷ đồng, tăng 25,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt đạt 354 tỷ đồng, tăng 3,1%; cung cấp nước; quản lý rác thải, nước thải ước đạt 73 tỷ đồng, tăng 18,7%.
Một số sản phẩm chủ yếu vẫn duy trì được mức tăng ổn định so với cùng kỳ năm trước như quả và hạt đóng hộp ước đạt 10,343 nghìn tấn, tăng gấp gần 2,5 lần; nước quả ép ước đạt 1.071 nghìn lít, tăng 10%; lắp ráp ô tô ước đạt 6.201 xe, tăng gấp hơn 3 lần, đạt 77,5% kế hoạch; phân đạm ước đạt 140 nghìn tấn, tăng 63,2%; phân lân và NPK ước đạt 143,3 nghìn tấn, tăng 33,1%, đạt 57,3% kế hoạch; camera modul ước đạt 41,4 triệu sản phẩm, tăng 91,7%, đạt 75,3% kế hoạch; linh kiện điện tử ước đạt 112 triệu sản phẩm, tăng 15,9%, đạt 44% kế hoạch; cần gạt nước ước đạt 3,8 triệu chiếc, tăng 27,7,6%, đạt 50,7% kế hoạch.
Có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017 tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, một số dự án lớn đã đi vào hoạt động ổn định, tạo ra sản phẩm có giá trị cao như camera modul và linh kiện điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện điện tử…
Mặc dù có nhiều cơ sở để tin tưởng vào mức tăng trưởng vượt kế hoạch của ngành sản xuất công nghiệp tỉnh nhà trong năm nay, tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung Kiên, để hoàn thành kế hoạch năm 2017, ngành Công thương vẫn phải tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó là tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư để tạo điều kiện thu hút các dự án vào công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
Sở Công thương cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy hoạch ngành, lĩnh vực như: Quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển nghề, làng nghề kết hợp phục vụ du lịch, quy hoạch điện lực tỉnh và các địa phương. Tổ chức thực hiện xét duyệt công nhận làng nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình năm 2017 và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2017.
Sở cũng sẽ tham mưu và xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn phù hợp với các quy định của Trung ương và yêu cầu thực tế của địa phương nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn dễ dàng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước ví dụ như chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình.
Bên cạnh đó, ngành Công thương sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực như quản lý điện năng, kỹ thuật an toàn và môi trường. Trong đó tập trung làm tốt vai trò cơ quan tham mưu Ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện, Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, thực hiện tốt các nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng của Điện lực Ninh Bình.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm