Phóng viên (PV): Thưa ông, phát triển tài nguyên internet Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc hoàn thiện hạ tầng số theo định hướng và tầm nhìn chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ?
Ông Nguyễn Hồng Thắng: Chuyển đổi số dựa trên hạ tầng viễn thông và internet. Các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều tập trung đầu tư phát triển hạ tầng internet tốc độ cao, mạng cáp quang phủ rộng khắp tới hộ gia đình, phủ sóng dịch vụ 4G và thậm chí thời gian tới là 5G để người dùng truy cập internet tốc độ cao mọi lúc, mọi nơi.
Tài nguyên internet gồm tên miền ".vn" và địa chỉ IPv6 là một trong những điều kiện cơ bản cho phát triển hạ tầng số. Tên miền gồm hai nhóm là tên miền quốc tế và quốc gia. Sản phẩm, dịch vụ quốc gia nên dùng tên miền quốc gia ".vn" để phân biệt định danh thương hiệu Việt Nam. Tên miền ".vn" 10 năm liền dẫn đầu khu vực ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á) về lượng đăng ký sử dụng và thuộc tốp 10 tên miền mã quốc gia có lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Khi truy cập internet, mỗi thiết bị đều có địa chỉ IP đánh số duy nhất trên internet. Trong bối cảnh chuyển đổi số và internet kết nối vạn vật (IoT), số lượng thiết bị tham gia kết nối internet vô cùng lớn, địa chỉ IPv4 ngắn không thể đáp ứng nhu cầu đánh số thiết bị. Địa chỉ IPv6 giúp giải quyết điều đó. Việc chuyển đổi, hướng tới hoạt động thuần IPv6 ngày càng định hình rõ nét. Theo thống kê của Tổ chức Quản lý địa chỉ khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APNIC), tỷ lệ ứng dụng IPv6 trên internet Việt Nam đạt 45,74%, gấp 1,7 lần trung bình toàn cầu và gấp 2,3 lần trung bình khối ASEAN với 34 triệu người sử dụng IPv6. Việt Nam đứng thứ hai khu vực ASEAN, thứ tư châu Á và thứ 10 toàn cầu. Chúng tôi hy vọng đến năm 2025, 100% người dùng sẽ sử dụng IPv6.
PV: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tỷ lệ tên miền trên thế giới hủy cao và nhu cầu đăng ký mới sụt giảm, trong khi tên miền ".vn" vẫn giữ được vị trí. Tại sao có sự khác biệt như vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Thắng: Dịch Covid-19 khiến các dịch vụ trực tuyến được sử dụng nhiều hơn nên nhu cầu sử dụng tên miền tăng cao. Bên cạnh đó, tên miền quốc gia ".vn" chứa đựng những giá trị đã được thừa nhận, đó là nhận diện, tin cậy, an toàn. Do đó, tên miền ".vn" trở thành công cụ hữu ích xác định rõ vị trí địa lý, định danh hình ảnh Việt Nam. Đồng thời giúp kết nối, đưa thông tin, dịch vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam lên không gian mạng internet, khẳng định thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam. Đó là lý do vì sao tên miền ".vn" tăng trưởng hơn 4,5% trong khi thế giới chỉ 2% và một số nước thậm chí tăng trưởng âm.
Số lượng tên miền ".vn" trong 3 tháng đầu năm 2021 cao gấp đôi so với 3 năm trước. Điều này thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế và cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến tại nước ta đang tăng lên rất cao.
PV: Hành trình chuyển đổi internet Việt Nam sang thế hệ mới hoạt động với địa chỉ IPv6 đạt kết quả rất đáng khích lệ. Theo ông, đâu là yếu tố để Việt Nam đạt được thành công như vậy?
Ông Nguyễn Hồng Thắng: Hạ tầng số Việt Nam cần bảo đảm sẵn sàng với thế hệ địa chỉ internet IPv6. Việt Nam đang đi đúng hướng trong công tác thúc đẩy triển khai IPv6. Bộ TT&TT nhận thức từ rất sớm rằng địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt nên cần khẩn trương đầu tư. Từ năm 2011, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia IPv6 với mục tiêu cao và các đơn vị liên quan cùng triển khai. Chìa khóa cho sự thành công của IPv6 là nhanh chóng đón nhận những điều mới và mạnh dạn, kiên trì triển khai một cách quyết liệt.
PV: Để thực hiện mục tiêu 100% người dùng sử dụng IPv6 vào năm 2025, VNNIC sẽ tập trung vào những giải pháp gì? Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông, internet, doanh nghiệp công nghệ thông tin có vai trò như thế nào trong công cuộc thúc đẩy hoạt động thuần IPv6, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Thắng: Bộ TT&TT xác định thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi IPv6 tập trung vào khối cơ quan nhà nước (CQNN). Bộ TT&TT sẽ tiên phong và đồng hành với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của CQNN; xúc tiến, hỗ trợ và bảo đảm việc thực hiện thành công toàn bộ quá trình chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của CQNN.
Về phía các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng vì họ cung cấp dịch vụ trực tiếp tới người dùng và quản lý hạ tầng mạng lưới. Các doanh nghiệp chủ đạo trong lĩnh vực này đã triển khai đồng loạt IPv6 cho dịch vụ băng rộng cố định, băng rộng di động, thử nghiệm IPv6 cho mạng 5G. Tuy hạ tầng mạng lưới doanh nghiệp đã sẵn sàng cung cấp IPv6 nhưng vấn đề nằm ở chỗ người dân dùng nhiều loại thiết bị khác nhau, nhiều người dùng thiết bị di động cũ nên chưa truy cập được IPv6. Tương tự như vậy, thiết bị truy cập cáp quang tới các hộ gia đình cũng còn nhiều thiết bị cũ. Trong 4, 5 năm tới, khi vòng đời thiết bị thay đổi, việc chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6 sẽ thành công. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ lưu trữ dữ liệu, hệ thống của những doanh nghiệp này phải hỗ trợ IPv6. Vì vậy, khi người dân, tổ chức, CQNN thuê dịch vụ công nghệ thông tin của họ, hạ tầng IPv6 hoàn toàn sẵn sàng. Như vậy, chúng ta có thể yên tâm về lộ trình triển khai chuyển đổi địa chỉ giao thức internet thế hệ mới IPv6. Triển khai IPv6 thành công sẽ phản ánh mức độ phát triển internet quốc gia, khẳng định vị thế của chúng ta trên trường quốc tế.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo VŨ MY/Báo QĐND