Còn nhớ, trong một lần tác nghiệp, khi chúng tôi về Cao Thắng, nơi này được xem là "vùng lõm" của Đức Long. Nói là vùng lõm bởi lẽ Cao Thắng là thung lũng được bao bọc xung quanh tứ bề là núi, ra trung tâm xã là con đường độc đạo vượt qua quèn Dù. Đất "mênh mông bể sở" nhưng toàn núi là núi, thiếu mặt bằng canh tác và diện tích để làm nhà, vì thế những ngôi nhà ở đây cũng nho nhỏ, mọc san sát nhau. Sự trắc trở về địa lý đã "đưa" Cao Thắng trở thành thôn đặc biệt khó khăn, nằm trong danh sách vùng 135 của huyện Nho Quan…
"Bây giờ Cao Thắng đã đổi thay nhiều. Trước đây, đời sống bà con khổ lắm, đường sá đi lại khó khăn, trời mưa trơn trượt, trời nắng thì bụi, ổ voi, ổ gà, gập ghềnh khó đi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, người dân đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc xóa đói, giảm nghèo. Với đức tính cần cù, chăm chỉ và tư duy sáng tạo, bà con đã năng động hơn trong cơ chế thị trường, nhiều nhà đã có của ăn, của để, con cái được học hành đến nơi đến chốn". Đó là lời tâm sự của trưởng thôn Cao Thắng Vũ Văn Điệp khi mở đầu câu chuyện về cách thức thoát nghèo vươn lên của người dân nơi này.
Trưởng thôn Vũ Văn Điệp cho biết thêm: Cao Thắng có 197 hộ, 920 khẩu, trong đó 100% đồng bào công giáo và một tỷ lệ nhỏ người Mường. Với diện tích canh tác trên 60 ha đất nông nghiệp cấy được 1 vụ nhưng phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Năm nào mưa ít thì cấy lúa còn được thu, năm mưa nhiều nước sông dâng cao coi như mất trắng. Những năm lũ lụt, con sông Nho Quan lại cuồn cuộn nước, thôn Cao Thắng nằm giữa biển nước mênh mông, bị cô lập hoàn toàn. Gian khó là vậy, nhưng người dân chúng tôi vẫn rất thủy chung với mảnh đất này bởi hầu hết đều là nông dân hay lam, hay làm. Chuyện nước lên, nước xuống trở thành lẽ tất yếu, người dân trong thôn đã lựa chọn cho mình cách "sống chung với lũ"!. Sau này bà con rút kinh nghiệm nên nhà nào cũng làm một cái gác sép để cất đồ đạc lên cao, đề phòng khi lũ về.
Sự thay đổi lớn nhất ở Cao Thắng đó là kết cấu hạ tầng đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Tuyến đường độc đạo bằng đất đầy ổ voi, ổ gà năm xưa nay đã được đổ đá cấp phối phẳng phiu, thuận lợi hơn cho người dân khi tham gia giao thông. Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, thôn đã được hỗ trợ xi măng để đổ đường bê tông ở một số tuyến đường chính của thôn. Đặc biệt, năm 2013, Cao Thắng đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn. Đây được xem là thôn có nhà văn hóa to nhất xã Đức Long. Có nhà văn hóa, người dân trong thôn đã có điều kiện tham gia sinh hoạt cộng đồng. Việc sinh hoạt chi đoàn và các tổ chức đoàn thể trong thôn cũng thuận lợi hơn trước. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được phát động thường xuyên, qua đó tăng cường tình làng nghĩa xóm, tạo được sự đồng thuận để cùng xây dựng quê hương no ấm, yên bình.
Trở lại Cao Thắng lần này, điều dễ nhận thấy sau những dãy núi là những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Đó là minh chứng cho thấy sự đi lên của "vùng lõm". Theo trưởng thôn, để giảm nghèo bền vững, Cao Thắng xác định yếu tố tiên quyết là phải làm thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân dám nghĩ, dám làm, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT. Giống lúa thuần đã được thay thế bằng lúa lai năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, người dân còn tận dụng diện tích vùng trũng để thả cá và trồng lúa tái sinh. Vì vậy, năng suất lúa đã được cải thiện nhiều, bình quân đạt 1,5 tạ/sào, có năm thời tiết thuận lợi, năng suất đã đạt 2 tạ/sào.
Với bản tính hay lam, hay làm, không chịu "bó gối", khoanh chân ngồi chờ nước lên, nước xuống vào mùa lũ, người Cao Thắng đã mạnh dạn, năng động hòa vào nhịp phát triển chung của cơ chế thị trường bằng việc mở rộng dịch vụ, tạp hóa, đầu tư chăn nuôi…, nhờ vậy mà họ có thêm đồng ra, đồng vào cho con ăn học. Nếu như hơn 10 năm trước đây, cả thôn Cao Thắng chưa có ai vào đại học, số học cao đẳng, THCN chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay đã có 5 người có bằng đại học, nhiều người trong số họ đã tìm kiếm việc làm ổn định tại các cơ quan nhà nước. Đó là điều đáng mừng ở một vùng gian khó như Cao Thắng. Lớp thanh niên trong thôn cũng tích cực tham gia lao động, sản xuất ở các công trường, xí nghiệp trên khắp mọi miền Tổ quốc... Những người trong thôn đi làm ăn xa cũng đem lại nguồn thu lớn cho các gia đình. Số hộ nghèo giảm mạnh, năm 2014 Cao Thắng chỉ còn 8 hộ nghèo (chiếm 0,4%), hộ cận nghèo chỉ còn 6 hộ.
Trong không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết, mọi hoạt động chuẩn bị để đón năm mới của bà con thôn Cao Thắng càng trở nên hối hả. Dường như ai cũng đang nỗ lực hoàn tất công việc để chào đón năm mới, kinh tế chưa hẳn đã hết khó khăn song với niềm tin, ý thức tự lực, tự cường vươn lên, người dân Cao Thắng sẽ viết nên trang sử mới, trang sử của sự no ấm, hạnh phúc.
Bài, ảnh: Đức Nghĩa