Có mặt tại Trường Tiểu học Trần Phú, phường Bắc Sơn (thị xã Tam Điệp) bắt gặp sự háo hức, quyết tâm của các em học sinh lớp 3 tham gia cuộc thi "Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp" cấp tỉnh. Em Nguyễn Linh Chi, lớp 3E đang cần mẫn nắn nót những con chữ theo nét thanh, nét đậm cho biết: Em rất vui và tự hào khi được tham gia cuộc thi. Em chỉ là người được chọn ngẫu nhiên trong số hàng chục bạn viết đẹp của lớp. Theo em, để viết đẹp không khó, điều quan trọng là phải kiên trì tập luyện, từ đó bàn tay trở nên mềm mại, chữ viết sẽ đều đặn và đẹp hơn…
Ngồi ngay dưới Linh Chi là cậu học trò khôi ngô Vũ Công Đạt, học sinh lớp 3G. Là con trai nhưng Đạt rất thích việc luyện và viết chữ đẹp. Em tâm sự, từ khi vào lớp 1, mẹ cũng có phần lo lắng vì nghĩ con trai thường cẩu thả, không kiên trì nên chữ sẽ xấu, vở viết sẽ bẩn. Nhưng ngay từ đầu khi được cô giáo động viên, hướng dẫn tỉ mỉ từ cách cầm bút, viễt chữ theo kích cỡ, ô li chuẩn, rồi nét thanh, nét đậm, chữ nghiêng, chữ thẳng… em thấy rất thú vị. Việc rèn luyện chữ viết giúp em tính siêng năng, chăm chút cho vở sạch, không để dây mực làm lem, nhòe chữ và vở viết…
Nhìn những khuôn mặt xinh xắn, đáng yêu chăm chú làm bài thi, những bàn tay xinh xinh, mềm mại nắn nót viết những dòng chữ theo nét nghiêng, nét thẳng, nét thanh, nét đậm… đều đặn, uyển chuyển, cô giáo Bùi Thị Tơ, giáo viên lớp 1A, Trường Tiểu học Trần Phú, là một trong những giáo viên liên tục đạt giải cao trong cuộc thi viết chữ đẹp của thị xã Tam Điệp cho biết: Tôi nghĩ, giáo viên viết đẹp thì mới hướng dẫn và rèn cho các em viết chữ đẹp được. Bản thân tôi, để viết chữ đẹp cũng phải dày công, không chỉ dành nhiều thời gian để luyện chữ, để viết đẹp hơn, mới lạ hơn, tôi còn mượn một số bài mẫu chữ đẹp để tham khảo và thường xuyên tìm sách, báo có kiểu chữ mới, lạ để học tập. Tôi nhận thấy, khi luyện viết chữ đẹp, khó nhất là vừa tạo ra những nét thanh, nét đậm cho từng con chữ, vừa phải bảo đảm tốc độ nhanh, tất cả đều rất cần sự tỉ mỉ và cẩn thận. Đối với các em học sinh tiểu học, việc luyện viết chữ đẹp là luyện cho các em đức tính cẩn thận, kiên trì, nhẫn nại và nâng cao năng khiếu thẩm mỹ, óc quan sát, sáng tạo. Để các em luôn tiến bộ, học tốt, các thầy, cô giáo phải lấy mình làm gương trong việc tự tạo thói quen viết chữ đẹp, rèn giũa nét chữ để dìu dắt, hướng dẫn học trò, nhất là đối với những nét bút đầu đời của học sinh…
Thầy giáo Đinh Quang Năm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú cho biết: Đã khá lâu rồi Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình mới tổ chức cuộc thi viết chữ đẹp cho các em học sinh bậc tiểu học. Tôi nhận thấy, đây là cơ hội tốt, không chỉ động viên, khuyến khích các em thi đua, hào hứng rèn luyện chữ viết, giữ vở sạch sẽ, mà qua đó còn là động lực đẩy mạnh phong trào thi đua "Giữ vở sạch-Viết chữ đẹp" ở các trường tiểu học trong toàn tỉnh. Đối với Trường Tiểu học Trần Phú, là trường có bề dày thành tích trong học tập và rèn luyện học sinh, bên cạnh việc dạy kiến thức cho học sinh, nhà trường rất quan tâm đến việc rèn chữ viết cho các em. Qua việc các cô giáo tỉ mỉ, chăm chút, nghiêm khắc rèn cho các em viết chữ đẹp, giữ vở sạch sẽ cũng là cách làm hữu hiệu để rèn người, rèn nhân cách cho các em học sinh…
Nói về cuộc thi học sinh tiểu học "Giữ vở sạch-Viết chữ đẹp", ông Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Năm nay, việc tổ chức cuộc thi được thực hiện đối với học sinh lớp 3, theo phương pháp, các trường tiểu học đánh giá, phân loại học sinh thực hiện "Giữ vở sạch-Viết chữ đẹp" theo 3 loại: Tốt, khá và đạt yêu cầu. Sau đó các phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá, phân loại các trường, từ đó Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ báo cáo của các phòng Giáo dục quyết định chọn 1 loại vở của 1 khối lớp, 1 trường tiểu học ở một trong ba nhóm trường để dự thi. Kết quả, 8 trường tiểu học với 156 học sinh lớp 3 tham dự cuộc thi được lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên từ 43 trường tiểu học và các em học sinh được nhà trường, phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá "Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp" loại tốt. Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn vở Chính tả để đánh giá. Kết quả, có 92/156 học sinh đạt giải, bằng 58.97%. Qua cuộc thi, một số trường tiểu học có phong trào "Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp" khá tốt như: Trường Tiểu học Đồng Hướng (Kim Sơn); Tiểu học Thanh Bình (thành phố Ninh Bình); Tiểu học Trần Phú (thị xã Tam Điệp); Tiểu học Đồng Phong (Nho Quan)…
Qua kiểm tra thực tế vở Chính tả, Ban giám khảo khá hài lòng về chất lượng rèn chữ viết và phong trào giữ vở sạch ở các trường với nhiều bài viết đẹp, xuất sắc, tập vở sạch sẽ, đúng quy định và trình bày đẹp. Bài thi viết nhìn chung đúng mẫu, kích cỡ, khoảng cách, vị trí của dấu thanh; nhiều bài viết đã thể hiện được nét chữ mềm mại, đẹp, cân đối; nhiều bài, phần mẫu và phần viết theo mẫu của học sinh đều đẹp như nhau, như một bản photocopy. Tuy nhiên, qua cuộc thi cũng nhận thấy còn có những hạn chế nhất định, như trên phạm vi toàn tỉnh chưa có sự thống nhất về: loại vở Chính tả (có trường tiểu học dùng vở chính tả có mẫu chữ in sẵn); cách trình bày một bài viết Chính tả, kiểm tra bài viết Chính tả (có trường học sinh viết vào vở, có trường học sinh không viết vào vở); vị trí ghi đánh giá nhận xét của giáo viên (có trường giáo viên đánh giá nhận xét vào lề hoặc dưới bài viết hoặc học sinh kẻ bảng: Điểm và lời phê...). Chất lượng "Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp" của học sinh giữa các trường tiểu học có sự chênh lệch lớn, nguyên nhân chủ yếu là do lãnh đạo nhà trường, giáo viên chưa thường xuyên quan tâm, uốn nắn học sinh; giáo viên chấm, chữa lỗi ở bài chính tả chưa kỹ, nhận xét còn chung chung, câu nhận xét thiếu chủ ngữ, chữ viết chưa đẹp; một số trường chưa quan tâm nhiều đến tư thế ngồi học, ngồi viết của học sinh cũng như ánh sáng phòng học…
Cuộc thi "Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp" được tổ chức nhằm khơi gợi lòng yêu tiếng Việt, rèn chữ, giáo dục học sinh tính chăm chỉ, cẩn thận; đồng thời khẳng định, phong trào "Giữ vở sạch -Viết chữ đẹp" là việc làm cần thiết, hữu ích trong tổ chức lồng ghép các hoạt động ở hệ thống trường tiểu học, qua đó đẩy mạnh phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường tiểu học…
Hạnh Chi