Đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định, ông hài lòng với ý tưởng và thông điệp của bộ phim này. Nhiều người dự đoán, bộ phim đầu tiên khai thác cuốn nhật ký nổi tiếng của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sẽ có lượng khán giả đông đảo, bởi sự kỳ vọng của hàng triệu người đã đọc cuốn sách này, cũng như sự tò mò của khán giả về số phận của cuốn nhật ký được Fred Whitehurst lưu giữ trong 35 năm. Phim bắt đầu bằng những cảnh chiến tranh ác liệt ở Đức Phổ - Quảng Ngãi khi bệnh xá của bác sĩ Thùy (Minh Hương đóng) bị chỉ điểm. Cả bệnh xá sơ tán đến nơi an toàn, kể cả người chính trị viên cũng đi và cuối cùng, bác sĩ Thùy còn lại một mình với các thương binh nặng…
Trong một trận càn của địch, chị đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Vô tình, Fred Whitehurst nhặt được hai cuốn nhật ký của chị… Và không ngờ, nó đã ám ảnh Fred cả cuộc đời, đến tận 35 năm sau… Với đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông khẳng định, không có chi tiết nào là hú họa mà đều có ý tưởng và đây là bộ phim khiến ông hài lòng nhất từ trước đến nay. Nhưng liệu nó có được khán giả đón nhận hay không, theo ông, ngoài tầm kiểm soát của một đạo diễn vì khâu này liên quan tới những người làm công tác phát hành, quảng bá cho phim. Sau buổi chiếu, một "khán giả đặc biệt" của bộ phim - chị Đặng Kim Trâm, em gái út của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - cho biết: "Bộ phim thực sự xúc động." Ngay tại buổi chiếu ra mắt, tên bộ phim Đừng đốt khiến không ít người ngạc nhiên. Bởi thực tế, bấy lâu nay, báo giới và những người trong nghề đều đã khá quen thuộc với cái tên: "Đừng đốt, trong đó đã có lửa", hay "Đừng đốt, bên trong đã có lửa". Đây chính là câu nói của trung sĩ ngụy quyền Sài Gòn khi đưa cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm cho Fred Whitehurst (người lính Mỹ đã lưu giữ 2 cuốn nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm trong suốt 35 năm). Đem thắc mắc này hỏi tác giả kịch bản - đạo diễn Đặng Nhật Minh được ông cho biết: "Đừng đốt là tên chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt, còn "Đừng đốt, bên trong đã có lửa" là tên kịch bản ban đầu của tôi. Hơn nữa, "Đừng đốt, bên trong đã có lửa", hay "Đừng đốt, trong đó đã có lửa" đều quá dài và khó nhớ với khán giả…". Cũng liên quan tới tên bộ phim này, cách đây ít lâu, trên một diễn đàn điện ảnh, các thành viên đã sôi nổi bàn luận. Có người cho rằng "nên đổi tên phim vì nếu như không hay như bản dịch tiếng Anh "Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình" thì cứ giản dị là "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" nghe vẫn có chất thơ, dễ đi vào lòng người.
Theo Vietnam+