Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có hàng trăm người điếc, hầu hết ít có cơ hội được học hành, nhiều người không biết chữ, không biết tính toán. Công việc và nghề nghiệp của người điếc thường đơn giản, thu nhập không cao, chủ yếu làm công nhân, nghề mộc, xây dựng, các nghề lao động phổ thông... Do không nghe và nói được nên người điếc thường không hòa nhập được với cộng đồng và gia đình. Tình trạng hôn nhân khó khăn, bị xã hội kỳ thị, xa lánh...
Trước đây, người điếc trong tỉnh đã có CLB sinh hoạt do có dự án đào tạo xóa mù cho người điếc. Khi dự án kết thúc, tháng 3/2018, Ban vận động thành lập CLB người điếc và chính thức đi vào hoạt động cho đến nay. Trước thực tế cần thiết phải có một chi hội cho người điếc sinh hoạt và giao lưu, chia sẻ, Hội người khuyết tật tỉnh Ninh Bình quyết định thành lập Chi hội người điếc, với gần 50 thành viên.
Việc thành lập tổ chức chi hội nhằm mục đích tập hợp những người điếc trên địa bàn tỉnh và tỉnh bạn trên tinh thần tự nguyện, tự giác có đơn xin gia nhập; hoạt động trên tinh thần đoàn kết, đáp ứng nhu cầu của người điếc về học tập, đời sống, sinh hoạt văn hóa, tinh thần, tình cảm...
Tại lễ ra mắt, Chi hội người điếc tỉnh Ninh Bình đã báo cáo tổng kết quá trình hoạt động của CLB người điếc năm 2018 và phương hướng công tác trong năm 2019; thông qua Quy chế hoạt động của Chi hội người điếc nhiệm kỳ 2018-2021; ra mắt BCH chi hội...
Chi hội đặt ra một số mục tiêu phấn đấu thực hiện như: Thường xuyên tổ chức sinh hoạt, ít nhất mỗi tháng 2 lần vào các ngày chủ nhật; tăng cường cập nhật ngôn ngữ ký hiệu cho các thành viên; tập huấn về các từ vựng, thông tin về xã hội, các văn bản pháp quy về quyền của Người khuyết tật; tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, giúp nhau tìm kiếm việc làm... xây dựng chi hội người điếc thực sự là ngôi nhà chung của người khiếm thính.
Huy Hoàng- Minh Quang