Đối với tỉnh Ninh Bình, ngày 09/3/2019, đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi của ông Nguyễn Xuân Hải ở xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư. Ngay sau khi phát hiện có dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp như: tiêu hủy đàn lợn, phun thuốc khử trùng và các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.
Tỉnh đã ban hành 01 Công điện, 02 Công văn, 01 Kế hoạch, 03 Quyết định để chỉ đạo các địa phương và thành lập các chốt kiểm dịch lưu động tại các đầu mối giao thông liên tỉnh, liên huyện, vùng giáp ranh. Tăng cường hoạt động của các đội kiểm tra lưu động để kiểm tra, giám sát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh … Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo Ninh Bình, Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, đài truyền thanh huyện, xã để nhân dân hiểu về bệnh dịch tả lợn châu Phi, biết các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, không hoang mang, không tẩy chay thịt lợn và thực hiện tốt "5 không" là: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn.
Các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ và chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Tính đến 12h, ngày 18/3/2019, Chi cục Chăn nuôi Thú y đã gửi 45 mẫu của 19 hộ gia đình thuộc 16 xã, phường của 7 huyện, thành phố có lợn bị ốm nghi bị bệnh tả lợn châu Phi đi xét nghiệm. Kết quả ngoài 02 mẫu dương tính của hộ ông Hải, thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, 03 mẫu chưa có kết quả (gửi ngày 18/3/2019), còn lại các mẫu khác âm tính. Do cấp ủy, chính quyền các cấp quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống nên đến nay, đã hơn 10 ngày, trên địa bàn huyện Hoa Lư nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung chưa thấy xuất hiện ổ dịch khác.
Tuy vậy, dịch tả lợn châu Phi hiện tại đang ở thời kỳ cao điểm, dễ lây lan, phát tán dịch bệnh. Mặt khác, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, gia trại ở tỉnh ta là khá phổ biến. Do vậy, điều kiện vệ sinh chuồng trại không đảm bảo, nguồn thức ăn, nước uống chưa được kiểm soát chặt chẽ nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung phòng,chống dịch tả lợn châu Phi. Duy trì đội kiểm tra lưu động cấp tỉnh và huyện; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn, trong đó tập trung vào những nơi có nguy cơ cao, các địa bàn giáp ranh, các chợ, điểm tập kết, trung chuyển lợn....
Thực hiện nghiêm túc hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành ở các đầu mối giao thông giáp ranh với các tỉnh, đường quốc lộ; các chốt kiểm dịch tạm thời ở các đầu mối giao thông liên huyện, liên xã giáp ranh với các tỉnh bạn, đặc biệt là kiểm soát vận chuyển ra vào khu vực ổ dịch tại xã Ninh Khang, Hoa Lư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu rõ về bệnh dịch tả lợn châu Phi và không quay lưng, tẩy chay đối với thịt lợn an toàn.
Vấn đề trọng tâm lúc này là tập trung tuyên truyền phòng, chống, ngăn chặn không để dịch tả lợn châu Phi lan rộng và để mọi hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán, tiêu dùng thịt lợn diễn ra bình thường. Tránh tình trạng người tiêu dùng không sử dụng thực phẩm thịt lợn; người chăn nuôi không đầu tư vào nuôi lợn. Đến khi hết dịch sẽ có nguy cơ khan hiếm thực phẩm thịt lợn, làm giá thịt lợn tăng cao, gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng và người chăn nuôi ngay trên chính địa bàn tỉnh ta.
Nguyễn Đông