Dịch xuất hiện ở nhiều nơi
Tại huyện Yên Mô, tính đến ngày 6/9, đã có gần 40 hộ chăn nuôi, ở 20 xóm, thuộc 5 xã, thị trấn xuất hiện dịch trở lại, phải tiêu hủy 164 con lợn nhiễm bệnh. Tại xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, hơn 170 con lợn (tổng trọng lượng gần 16 tấn) của 20 hộ chăn nuôi ở 7 xóm bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Gia đình bà Hà Thị Viên (xóm 2, xã Gia Hưng) là một trong những hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng với 1 con lợn nái và 4 con lợn thịt mắc bệnh, phải tiêu hủy. Bà Viên rơm rớm nước mắt cho biết: "Từ đầu năm tới giờ, riêng con lợn mẹ mang về cho tôi hơn 100 triệu, lứa nào cũng đẻ trọn vẹn 11-12 con lợn con. Ấy vậy mà mấy hôm trước tự nhiên nó lăn ra bệnh chết, rồi lây sang cả đàn lợn thịt nữa. Trong khi đó, gia đình tôi rất chú trọng công tác phòng dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc thường xuyên, đợt dịch trước nhà tôi không có con nào bị bệnh".
Ông Bùi Trọng Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho biết: Sau khi công bố hết dịch vào tháng 12 năm ngoái, xã đã phát động nhân dân tổ chức tái đàn lợn trên nguyên tắc đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng dịch song đến thời điểm này, dịch bệnh lại xuất hiện, diễn biến phức tạp. Điều đáng lo ngại là hiện nay bên cạnh những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trên địa bàn có 1 trang trại quy mô hơn 1000 con lợn cũng bị dịch bệnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Tính đến ngày 6/9, toàn tỉnh đã có khoảng 60 hộ chăn nuôi, ở gần 30 thôn, xóm thuộc 6 xã của 2 huyện, thành phố trong tỉnh tái phát dịch tả lợn châu Phi. Số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 335 con, tổng trọng lượng trên 29 tấn.
Đánh giá về một số nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh tái phát, cơ quan chuyên môn cho rằng: Do một số hộ chăn nuôi mua lợn giống không rõ nguồn gốc dẫn đến mang theo mầm bệnh của dịch tả lợn châu Phi. Dịch tái phát từ các ổ dịch cũ; xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Lợn hơi, sản phẩm từ lợn được vận chuyển vào địa bàn khó kiểm soát nên mang theo mầm bệnh.
Mặt khác, do giá lợn hơi trên thị trường tăng cao cho nên khi lợn ốm, mắc bệnh, một số người chăn nuôi giấu dịch, không báo cơ quan chuyên môn mà bán "chạy" dịch, giết mổ lợn để tiêu thụ; công tác giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh còn hạn chế…
Nhanh chóng khoanh vùng dập dịch
Tại huyện Gia Viễn, ngay sau khi xác định ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Gia Hưng, UBND huyện đã ra quyết định công bố dịch, cấp 60 lít hóa chất để xã triển khai ngay việc khử trùng tiêu độc môi trường. Phòng NN&PTNT huyện cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn để hướng dẫn các biện pháp khoanh vùng dập dịch: thành lập 5 chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển lợn trên địa bàn; thực hiện nghiêm quy trình tiêu hủy lợn ốm, chết; hướng dẫn các hộ dân tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của đàn vật nuôi…
Mặt khác, UBND huyện đã có công văn gửi UBND các xã thông báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và đôn đốc các xã tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi và nhân dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Khi lợn có triệu chứng bị bệnh, báo cáo ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, thực hiện tốt "5 không" trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Còn tại huyện Yên Mô, nơi hiện nay đang có tới 5 xã có dịch tả lợn châu Phi, ngoài việc sử dụng hóa chất, vôi bột để khử trùng, tiêu độc môi trường tại các ổ dịch và xung quanh ổ dịch; thực hiện khoanh vùng bao vây, kiểm soát chặt chẽ không để mầm bệnh phát tán ra khu vực khác. Ngành chuyên môn đã tổ chức thống kê số hộ nuôi lợn, số lượng đàn lợn trên địa bàn những nơi có dịch, yêu cầu các chủ hộ nuôi ký cam kết không bán chạy lợn, không giết thịt, không tái đàn lợn.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thực hiện tốt công tác giám sát, làm sao để phát hiện sớm, kịp thời báo cáo, xử lý dứt điểm các ổ dịch. Cần giao cho các thôn, chính quyền cấp xã trực tiếp quản lý vấn đề này. Đồng thời, xử lý thật nghiêm các trường hợp không khai báo dịch bệnh lây lan; bán chạy hoặc giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan.
Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường quản lý vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là vận chuyển lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ. Phải ngăn chặn nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan làm ảnh hưởng đến việc tái đàn lợn, gây khó khăn trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển của ngành.
Hà Phương - Anh Tuấn