Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của nông dân rất lớn, nhất là sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị và áp dụng công nghệ cao. Nguồn vốn này đã giúp các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn giải quyết nhu cầu về vốn, mạnh dạn xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Hội viên vay vốn không cần tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi, chỉ cần xây dựng dự án sản xuất kinh doanh khả thi. Sau khi thẩm định, kiểm tra, các cấp Hội nông dân trực tiếp giải ngân vốn từ Quỹ HTND.
Năm 2003, gia đình ông Phạm Như Bồn ở thôn Yên Tế, xã Yên Đồng-(Yên Mô) đã mạnh dạn đấu thầu 5 mẫu ruộng trũng của địa phương chỉ cấy được 1 vụ lúa để xây dựng mô hình nuôi thả cá. Được Hội Nông dân xã đứng ra bảo lãnh cho vay từ nguồn vốn Quỹ HTND với số tiền 100 triệu đồng, gia đình ông đã đầu tư cải tạo ao đầm với 3 ao để nuôi cá thương phẩm, cá giống và cá trắm ốc.
Ngoài được vay vốn từ Quỹ HTND, gia đình còn được tham gia các buổi tập huấn chuyển giao KHKT về nuôi trồng thủy sản do Hội nông dân huyện, xã tổ chức. Từ nuôi thả cá mà mỗi năm gia đình thu lãi trên 150 triệu đồng.
Bà Lương Thị Thịnh ở thôn Xuân Vũ, xã Ninh Vân (Hoa Lư) là một trong những hộ sớm được tiếp cận với nguồn vốn Quỹ HTND sớm. Năm 2012, được các cấp Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay vốn từ Quỹ HTND, cùng với số vốn của gia đình, bà đầu tư mua sắm máy móc, xây dựng xưởng chế tác đá mỹ nghệ. Hiện nay bà đã xây dựng được khuôn viên nhà xưởng rộng gần 1.000m2 cùng các loại máy: Chạm, tiện, thiết bị cầm tay…phục vụ sản xuất, mỗi năm thu lãi gần 1 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ hiệu quả mang lại, năm 2017, bà Thịnh là một trong 15 hội viên, nông dân ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư được tiếp cận với nguồn vốn Quỹ ở mức 1 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Chuyền, Giám đốc HTX sản xuất, tiêu thụ nấm và cây dược liệu xã Khánh Công (Yên Khánh) cho biết: Là HTX chuyên ngành có 26 thành viên sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu như trạch tả, đinh lăng, nghệ đen...và trồng nấm sò, nấm linh chi. Vốn điều lệ của HTX là 2,6 tỷ đồng; vốn vay là 1,2 tỷ đồng, trong đó có vay từ Quỹ tỉnh năm 2017 là 320 triệu đồng, Hội Nông dân huyện 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, HTX đã đầu tư trồng trên 4 ha cây trạch tả và đinh lăng, nghệ đen; mua máy nghiền và trộn nguyên liệu để sản xuất nấm và năm 2018 đã sản xuất được 5 vạn bịch nấm sò, hiện đang sản xuất 5 vạn bịch nấm linh chi.
Được biết, tổng nguồn vốn của Quỹ HTND toàn tỉnh hiện là trên 26 tỷ đồng (nguồn vốn của Trung ương Hội 15 tỷ đồng) đã cho trên 1.400 hộ nông dân vay. Quỹ HTND tỉnh đã được nâng mức vay đến 2 tỷ đồng/dự án và hộ vay tối đa tới 100 triệu đồng mà không phải thế chấp tài sản.
Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, cán bộ Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, chọn hộ vay đúng đối tượng để tham gia nhóm hộ xây dựng dự án. Bằng phương thức cho vay theo các dự án, nhóm hộ, Quỹ HTND đã kết nối từng hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thành các Tổ hợp tác, xóa bỏ dần tập quán làm ăn manh mún, dần hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm.
Với nhiều giải pháp, định hướng phát triển, Hội Nông dân tỉnh đang huy động các nguồn lực nhằm tăng cường nguồn vốn của Quỹ HTND, giúp cho nhiều hộ nông dân nghèo, khó khăn được vay vốn đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thông qua các kênh ủy thác, hỗ trợ; Quỹ HTND các cấp được xây dựng và phát triển khá tốt, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn vay của hội viên, nông dân trên địa bàn. Mức tăng trưởng nguồn vốn Quỹ được đánh giá là đều đặt hàng năm, đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân được tiếp cận và vay vốn đầu tư để xây dựng các dự án, mô hình phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao.
Đinh Chúc - Đức Lam