P.V: Quần thể Danh thắng Tràng An được tỉnh Ninh Bình xây dựng hồ sơ đề nghị Unesco công nhận là di sản thế giới. Xin đồng chí cho biết khu di sản này có những giá trị nổi bật gì? Đồng chí Trần Hữu Bình: Quần thể Danh thắng Tràng An được tỉnh Ninh Bình xây dựng hồ sơ đề nghị Unesco công nhận là di sản thế giới bao gồm: Khu Du lịch Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và trên 1.500 ha rừng đặc dụng tiếp giáp, nằm trên địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Quá trình phát triển lâu dài của địa chất và các loài sinh vật đã tạo ra cho khu vực này những cảnh đẹp hoang sơ, độc đáo. Vẻ đẹp cảnh quan của địa hình cùng những hang động muôn hình vạn trạng đã làm nên một không gian có tính thẩm mỹ riêng biệt và nổi trội của Quần thể Danh thắng Tràng An, nhất là về địa hình Karst dạng tháp và dạng chuông bị biển xâm thực. Hang động cũng là một trong những nét đặc trưng nổi bật của khu Di sản với bốn loại hang động chính: hang ngầm cổ, hang nền Karst cổ, hang mái đá và hang hàm ếch. Đây cũng là khu vực thể hiện đầy đủ các quá trình hình thành Karst trên quy mô lớn và minh chứng cho một giai đoạn dài về quá trình tiến hóa địa chất.
Trải qua hàng trăm triệu năm hình thành, Quần thể Danh thắng Tràng An với lịch sử phát triển phức tạp, lâu dài qua các thời kỳ kiến tạo quan trọng và các pha chuyển động đứt gãy khối tảng đá liên tục, đã tạo ra các dãy núi trùng điệp do chuyển động nâng cao và các bồn trầm tích do chuyển động sụt lún. Bối cảnh kiến tạo đó là thành tố cơ bản tạo ra tính đa dạng về địa chất, địa mạo, mạng lưới thủy văn và đa dạng về hang động trong hệ thống đá vôi Quần thể Danh thắng Tràng An.
Điều khác biệt nữa về địa hình của Quần thể Danh thắng Tràng An là liền khoảnh, khu vực này được ngăn cách và phân biệt với các khu vực khác bởi các con sông ở xung quanh. Những dấu ngấn sóng biển (thời biển tiến Holocene) còn hằn trên những vách đá quanh vùng ven của Quần thể danh thắng Tràng An nên có thể coi nơi đây là vịnh biển cổ.
Loài người từ xa xưa đã tận dụng những lợi thế về thiên nhiên và sinh học trong Quần thể Danh thắng Tràng An để định cư, sinh sống, và đã tạo ra những giá trị văn hóa vượt ra khỏi không gian của khu vực. Qua các di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện và nghiên cứu trong các hang động bởi các chuyên gia của Viện khảo cổ học và Trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, Hang Trống có dấu ấn của người Tiền sử trên dưới 20.000 năm; hang Bói có sự xuất hiện của người Tiền sử trên 10.000 năm...
P.V: Vậy chúng ta lựa chọn tiêu chí nào để xác định giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Chính những giá trị to lớn và phong phú về giá trị thẩm mỹ, về địa chất địa mạo, về da dạng sinh học và về văn hóa... của quần thể danh thắng Tràng An đã làm các nhà khoa học và các nhà quản lý mất rất nhiều thời gian cân nhắc nên lựa chọn tiêu chí nào là giá trị nổi bật toàn cầu để xây dựng hồ sơ trình Unesco công nhận Quần thể Danh thắng Tràng An là di sản Thế giới. Sau nhiều lần hội thảo, các nhà khoa học đề xuất lựa chọn tiêu chí số 6 (Khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường) và/hoặc số 7 (Khu vực có giá trị về địa chất và địa mạo).
Tuy nhiên, khi bắt tay vào quá trình nghiên cứu chi tiết, chúng tôi thấy xuất hiện một vấn đề: trên thế giới hiện có 27 khu vực núi đá vôi (dạng Kast) đã được Unesco công nhận là di sản thế giới (Viêt Nam có Vịnh Hạ Long và vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng). Nếu lựa chọn tiêu chí về thẩm mỹ và/hoặc địa chất địa mạo, liệu quần thể danh thắng Tràng An có vượt qua được hàng chục ứng cử viên từ Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Đông Nam Á (như Indonexia)... đang xếp hàng, để trở thành ứng cử viên vượt trội, được Unesco công nhận là di sản dạng Kast thứ 28? Liệu các nhà chuyên môn khi bỏ phiếu có thừa nhận các hang động của Tràng An đẹp hơn các động của Phong Nha - Kẻ Bàng, và các tháp núi của Tràng An có đẹp hơn Vịnh Hạ Long và rất nhiều nơi khác, trong khi các chuyên gia địa chất cho biết, tuổi đá vôi của Tràng An không cao hơn Vịnh Hạ Long.
Chúng tôi nhận thấy, để xây dựng thành công bộ hồ sơ trình Unesco, việc đầu tiên và có ý nghĩa sống còn là lựa chọn đúng tiêu chí xác định giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
P.V: Vậy theo đồng chí, đâu là sự lựa chọn của chúng ta?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Cũng may là chúng ta đã nghiên cứu về Tràng An trong nhiều năm nay. Các tài liệu khảo cổ công phu, mặc dù chưa đầy đủ, đã bước đầu chỉ cho chúng ta thấy các hang động trong quần thể danh thắng Tràng An chính là nơi sinh sống của người Tiền sử qua các giai đoạn chuyển tiếp từ thế Pleistocene sang thế Holocene. Các thế hệ cư dân này chịu sự tác động của khí hậu, sự xâm thực của nước (biển tiến, biển lùi), sự biến đổi của địa chất. Cách thích nghi của họ trước những tác động này là một vấn đề vô cùng độc đáo, đang được các nhà khoa học trên toàn thế giới quan tâm, đặc biệt trước sự biến đổi của khí hậu toàn cầu. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt của Tràng An so với các khu vực Kast khác trên thế giới.
Chúng ta có hai cách lựa chọn: hoặc chúng ta chọn tiêu chí về văn hóa, ở đây là tiêu chí 3 (minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác biệt về một nền văn minh đã tuyệt vong do sự biến đổi của khí hậu và quá trình vân động về địa chất địa mạo), hoặc chúng ta xây dựng hồ sơ di sản đệ trình UNESCO theo thể thức kết hợp nhiều tiêu chí (văn hóa kết hợp với cảnh quan và các giá trị địa chất địa mạo). Sự lựa chọn này sẽ tạo nên sức nặng về giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể Danh thắng Tràng An.
Xin cảm ơn đồng chí!Nguyễn Thơm
(Thực hiện)