Đặc biệt là vào dịp hè, khi các em đã được nghỉ học, nhiều cha mẹ đã đăng ký nhiều lớp dạy kỹ năng sống cho các em, với mong muốn, các em không chỉ học kiến thức văn hóa, mà còn nắm bắt được nhiều vấn đề trong cuộc sống, như kỹ năng giao tiếp, nhận thức đúng sai đối với nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội; các kỹ năng sinh tồn như tập bơi lội để phòng tránh đuối nước, hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông để không xảy ra tai nạn giao thông hay có khả năng ứng phó, phòng chống với nhiều tệ nạn xã hội khác…, từng bước giúp các em hình thành nhân cách một cách vững vàng và toàn diện. Hè năm nay đối với 2 cu cậu Bi và Bo (lớp 2 và lớp 5) thật là một mùa hè ý nghĩa, bởi các cậu không chỉ được về thăm, chơi với ông bà nội, mà còn được học thêm nhiều môn học mà mình yêu thích và mơ ước bấy lâu. Ông Nguyễn Tử Toàn, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) - ông nội của Bi và Bo chia sẻ: Mặc dù nhà ở Hà Nội, nhưng công việc của bố mẹ 2 em rất bận rộn, khi các em vừa được nghỉ hè, bố mẹ các em đã nhờ ông bà trông coi hộ, vừa để các cháu có một mùa hè bổ ích, vừa được gần ông bà thêm gắn bó tình cảm gia đình. Về nghỉ hè, nếu để các cháu chỉ chơi với ông bà, quanh quẩn với vườn tược, chăn nuôi chắc các cháu cũng sẽ nhanh chán, do đó, khi được người cô giới thiệu các lớp học kỹ năng tại Trung tâm thanh thiếu nhi tỉnh, ông bà Toàn nhanh chóng đáp ứng nguyện vọng của các cháu.
Theo đó, đều đặn những ngày trong tuần, buổi sáng các cháu được đi học bơi, tham gia lớp học vẽ, chơi cờ, buổi chiều đi học võ thuật. Không chỉ rèn luyện được cho các cháu về giờ giấc ăn ngủ khoa học, đảm bảo sức khỏe, mà theo ông Toàn, cái được hơn cả là các cháu ông biết được các kỹ năng sinh tồn trong bơi lội, phòng tránh được tai nạn đuối nước. Ông Toàn cho biết thêm, nếu có điều kiện, ông còn muốn cho các cháu được học thêm nhiều lớp kỹ năng sống khác, như kỹ năng giao tiếp, chuyên đề về tình cảm gia đình, kỹ năng hoạt động nhóm, tổ chức các hoạt động vui chơi.
Đối với chị Thu Thảo, phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) hè năm nay là năm thứ 2 chị cho con gái lên lớp 6 tiếp tục tham gia các lớp kỹ năng sống. Năm nay, được biết Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh mở lớp nấu ăn thực hành cho các em nữ, chị đăng ký luôn cho con. Con gái chị thích học và hăng hái tham gia các buổi nấu ăn thực hành tại Trung tâm và tại nhà, chị như vui hơn vì có thêm "đồng minh" khi cùng làm việc nội trợ. Chị Thảo cho biết, xã hội ngày càng phát triển, trẻ em được tiếp cận từ rất nhiều nguồn thông tin khác nhau. Trong khi phụ huynh bận rộn không thể quán xuyến hết được suy nghĩ, việc làm của các em, do đó rất cần trang bị những kỹ năng sống cần thiết để rèn luyện cho các em sự hiểu biết, tự tin, chủ động đối phó với nhiều tình huống bất thường có thể xảy ra trong cuộc sống. Đấy là chưa kể đến việc các em đi học các lớp kỹ năng, có thêm điều kiện gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè, ngoài ra còn được các giáo viên kết hợp dạy thêm kiến thức ở trường, hình thành nhân cách, giao tiếp và phản xạ tốt, ra đời chắc chắn sẽ vững tin và thành công hơn.
Đồng chí Đàm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh cho biết: Kỹ năng sống là khả năng thích nghi với cuộc sống của mỗi cá nhân, ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Trong mỗi lĩnh vực, phạm vi của cuộc sống đòi hỏi mỗi cá nhân phải có những kỹ năng riêng. Kỹ năng sống cho trẻ bao gồm: Kỹ năng thoát hiểm; ứng phó, ứng biến; kỹ năng sử dụng các vật dụng (đặc biệt là vật dụng nguy hiểm); khám phá cuộc sống một cách an toàn và hiệu quả; kỹ năng tự tin thể hiện trước người khác… Nếu trẻ được quan tâm rèn luyện kỹ năng sống sẽ rất thuận lợi trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, biết chủ động, tự tin xử lý các tình huống bất ngờ của cuộc sống. Nhận thấy việc cần thiết phải dạy kỹ năng sống cho các em, những năm gần đây, đặc biệt vào mỗi dịp hè, Trung tâm tổ chức hàng chục lớp dạy kỹ năng, tập trung vào các chuyên đề tình cảm gia đình, về phòng chống tai nạn thương tích hoặc trang bị các kiến thức giao tiếp, làm việc nhóm, vui chơi… góp phần hình thành các kỹ năng, phản xạ ứng phó cho các em trong các tình huống của cuộc sống.
Cô giáo Đinh Thị Thanh Hằng, giáo viên tâm lý học dạy tại Trung tâm cho biết: Tôi nhận thấy, việc giáo dục kỹ năng sống cho các em là rất cần thiết và không bao giờ thừa. Bởi ở các lớp này, các em được dạy những điều cơ bản nhất như giới thiệu về bản thân, kỹ năng giao tiếp ứng xử, làm việc theo nhóm, kỹ năng khám phá, thay đổi bản thân, các kỹ năng về phòng tránh tai nạn thương tích… Mục đích của các lớp học này là giúp các em tự tin, tự lập hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, với lứa tuổi thiếu niên, các em rất cần được rèn luyện về kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình, diễn thuyết trước đám đông hay giáo dục về giới tính và các kỹ năng cần thiết khác. Tất nhiên, tùy theo sự phát triển của các em, các phụ huynh cần tìm hiểu để chọn cho con em mình các lớp học phù hợp, thực sự bổ ích, giúp các em hình thành và phát huy các kỹ năng, phản xạ tốt trong cuộc sống.
Hè năm 2016, ngoài tổ chức các lớp năng khiếu ca múa nhạc, các môn thể thao rèn luyện sức khỏe như võ thuật, bóng rổ, bóng bàn…, Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh tiếp tục tập trung cho các lớp dạy kỹ năng sống. Từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 đến nay, Trung tâm đã tổ chức gần 90 lớp các loại, bao gồm luyện chữ viết, tiếng Anh, bóng rổ, bóng bàn, cầu lông, đàn các loại, hội họa, múa, cờ vua, võ thuật, bơi lội, khiêu vũ, nấu ăn thực hành…, trong đó có hàng chục lớp dạy kỹ năng, gồm kết hợp giữa giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng với tham quan dã ngoại ở trong và ngoài tỉnh. Các lớp học đã thu hút gần 2 nghìn thanh thiếu niên theo học, trong đó nhiều hơn cả là các lớp kỹ năng sống, lớp học bơi và võ thuật, mỗi môn được tổ chức nhiều lớp, nhiều ca học trong ngày, thu hút từ 400-500 thanh thiếu niên tham gia. Trong đó chủ yếu là thanh thiếu nhi của thành phố Ninh Bình, một phần các huyện Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn và huyện ý Yên (Nam Định).
Cũng theo đồng chí Giám đốc Trung tâm, với cơ sở vật chất hiện có, đội ngũ giảng viên được hợp đồng có trình độ nghiệp vụ sư phạm cao, việc tổ chức dạy và học tại các lớp kỹ năng sống cũng như rèn luyện thân thể cho các em của Trung tâm không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn đáp ứng yếu tố vui chơi, thư giãn cho các em trong những ngày hè. Mong muốn của những người làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em là tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng mở rộng thêm diện tích làm sân chơi, phòng tập; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên; thống nhất về chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ; sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn của các gia đình… Có như vậy, kỹ năng sống mới thực sự đi vào cuộc sống thường ngày của các em, học sinh sẽ được phát triển toàn diện cả về nhân cách và trí tuệ.
Hạnh Chi