Tuy mới được khởi động từ năm học trước, nhưng những ngày đầu vào năm học mới, Hội thi "Ngành giáo dục và Đào tạo Ninh Bình với pháp luật về an toàn giao thông" được triển khai hào hứng giữa các cụm thi, qua đó lựa chọn những đội thi xuất sắc nhất cụm tham gia hội thi cấp tỉnh. Trước đó, để chuẩn bị cho hội thi, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về câu hỏi, kiến thức, trang phục… để tham gia hội thi đạt kết quả cao.
Em Vũ Thị Thùy My, lớp 11A4, Trường THPT Yên Mô B tham gia Hội thi "Ngành giáo dục và Đào tạo Ninh Bình với pháp luật về an toàn giao thông" năm 2013, cụm thi số 4 gồm các trường trên địa bàn các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô và thị xã Tam Điệp cho biết: Được chọn vào đội tuyển và tham gia hội thi, em rất phấn khởi, qua các buổi tập luyện tại trường, được đọc và học các điều luật, các tình huống xử lý khi tham gia giao thông giúp em hiểu thêm nhiều điều, qua đó có ý thức hơn khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người…
Còn em Nguyễn Thu Thảo, học sinh Trường THPT Yên Khánh A rất nhiệt tình cổ vũ cho các bạn tham gia Hội thi, cho rằng, tuy không phải là người trực tiếp tham gia Hội thi nhưng qua những tiểu phẩm, các tiết mục văn nghệ đặc sắc của các đội tuyển tham gia tại Hội thi giúp em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng khi tham gia giao thông.
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ban An toàn giao thông tỉnh về việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho năm học mới 2013-2014, Sở Giáo dục và Đào tạo có Công văn hướng dẫn các nhà trường và các đơn vị giáo dục trong toàn tỉnh tăng cường triển khai một số hoạt động nhằm thiết thực hưởng ứng tháng an toàn giao thông và đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT trong năm học 2013-2014.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị trường học xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh ngay từ đầu năm học mới 2013 - 2014. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc thi "Giao thông thông minh" trên Internet cho 2 đối tượng là học sinh tiểu học và học sinh THCS vào đầu năm học 2013 - 2014; triển khai thí điểm dạy bơi cho học sinh tiểu học giai đoạn 2010 - 2015; phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, các phương pháp phòng, chống đuối nước và mặc áo phao khi đi đò cho học sinh. Ngay trong tháng 9 - Tháng ATGT, phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội thanh niên, Đội TNTP… để tổ chức các đội xung kích tình nguyện, các hoạt động tự quản giữ gìn trật tự ATGT….
Thực hiện Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo, bước vào năm học 2013-2014, các nhà trường tổ chức ký cam kết với gia đình và học sinh, sinh viên về việc chấp hành quy định ATGT; phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT tại khu vực cổng trường, không để xảy ra ùn tắc giao thông; quán triệt cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc quy định không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm và tuân thủ quy tắc ATGT… 100% trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho phụ huynh ký cam kết không giao xe máy cho các em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.
Cùng với đó, đưa nội dung về ATGT vào các tiết học chính khóa, ngoại khóa, mỗi tuần từ 1-2 buổi. Đồng thời, phát huy vai trò của thanh niên, học sinh trong công tác tuyên truyền, nhiều xã, phường, thị trấn đã thành lập được các đội cờ đỏ, thanh niên xung kích tham gia đảm bảo trật tự ATGT các khu vực cổng trường, đường vào trường, kịp thời nhắc nhở phụ huynh, học sinh chấp hành các quy định về ATGT cũng như điều tiết, sắp xếp khu vực dừng, đỗ xe hợp lý, tránh ùn tắc trong những giờ cao điểm đầu giờ vào lớp và tan trường…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn những bất cập trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh. Trong nhà trường, hiện chưa có một chương trình giáo dục về ATGT có tính hệ thống, đồng bộ, liên tục trong cả 3 cấp học. Những kiến thức về pháp luật giao thông được giới thiệu trong môn Giáo dục công dân là chưa đủ. Công tác tuyên truyền đã thực hiện nhưng còn hời hợt, chưa có chiều sâu nên hiệu quả và sức tác động tới học sinh còn hạn chế, do đó nhận thức của nhiều học sinh về vấn đề ATGT còn khá mơ hồ,xem nhẹ...
Để làm chuyển biến nhận thức của học sinh trong việc chấp hành Luật Giao thông, vai trò của nhà trường và ngành Giáo dục hết sức quan trọng. Cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa, bởi đây là môi trường thuận lợi để học sinh có thể thu nhận được những kiến thức cần thiết về pháp luật nói chung và vấn đề an toàn giao thông nói riêng. Các hình thức tuyên truyền cũng cần sinh động hơn, như tổ chức sân khấu hoa, tổ chức các cuộc thi kết hợp tuyên truyền miệng...
Bên cạnh đó, cần tổ chức cho học sinh xem những hình ảnh về các lỗi vi phạm, hậu quả của các vụ tai nạn giao thông để các em nhận thức thực tế hơn, cụ thể hơn. Về phía gia đình, tùy thuộc vào độ tuổi của con em cần có những hướng dẫn về kỹ năng tham gia giao thông, đồng thời thường xuyên nhắc nhở, giáo dục về những tác hại, hậu quả của việc vi phạm ATGT.
Các phương tiện thông tin đại chúng cần có nhiều hơn nữa những chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến về ATGT cho đối tượng học sinh, sinh viên….
Để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông hiệu quả, cần làm chuyển biến nhận thức của mỗi người trong việc chấp hành nghiêm Luật ATGT. Muốn vậy, việc giáo dục, tuyên truyền những kiến thức, kỹ năng về ATGT cho đối tượng học sinh là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay.
Hạnh Chi