Tại trường Tiểu học Thanh Bình (thành phố Ninh Bình), ngay khi bước vào đầu năm học, nhà trường đã thông báo lịch học với HS và phụ huynh về chương trình giáo dục KNS Poki cho các em. Mỗi khối lớp sẽ được học theo những chủ đề, chủ điểm phù hợp với trình độ, lứa tuổi HS. Đơn cử như HS lớp 2, các em được học theo các chủ điểm, chủ đề rất phong phú như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy, phòng tránh nghiện game, tìm hiểu các trò chơi dân gian, cách gấp quần áo gọn gàng, việc tận dụng giấy báo cũ, vấn đề tiết kiệm nước, phòng chống dịch bệnh tay-chân-miệng… Trong đó nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục KNS cho HS lớp 1, vì đây là lứa tuổi được chuyển lên từ bậc học mầm non, tạo tiền đề và là cơ sở giúp các em mới vào trường hình thành và phát triển kĩ năng tư duy tích cực và tư duy sáng tạo trong học tập. Cùng với đó, nhà trường cũng tổ chức các buổi ngoại khóa với quy mô lớn theo toàn trường về đảm bảo an toàn giao thông, công tác phòng cháy chữa cháy, luyện tập nghi thức đội…, giúp các em hình thành và có hiểu biết về các kỹ năng trong cuộc sống và học tâp, phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất.
Đối với trường THCS Lê Hồng Phong, cùng với công tác giáo dục về văn hóa, nhiều năm học gần đây, nhà trường luôn quan tâm thực hiện công tác giáo dục KNS cho HS nhằm giúp các em nhận thức về trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Cô giáo Trịnh Thị Vân Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong cho rằng: Các hoạt động giáo dục KNS là chương trình giáo dục rất cần thiết đối với học sinh trong một xã hội phát triển hiện nay, bởi nếu học sinh thiếu định hướng thì rất dễ bị dẫn dắt bởi những quan điểm sống lệch lạc, thiếu chuẩn mực. Với việc hình thành cho HS các kỹ năng giao tiếp cơ bản; kỹ năng kiên trì, đặt ra mục tiêu trong học tập và làm việc theo yêu cầu; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp; kỹ năng đồng cảm, chia sẻ với người thân, bạn bè…; nhà trường luôn coi hoạt động giáo dục KNS cho HS là nhiệm vụ xuyên suốt và quan trọng trong quá trình dạy và học.
Cũng theo cô giáo Trịnh Thị Vân Khánh, Hiệu trưởng nhà trường, cùng với lồng ghép giáo dục KNS vào trong nội dung bài giảng chính khóa ở các môn học như Giáo dục công dân, Sinh học, Ngữ văn…, nhà trường còn phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục KNS, hoạt động trải nghiệm như chương trình thiện nguyện "Vì miền Trung thân yêu", "Kĩ năng sống với tuổi hồng", "Noi gương anh bộ đội cụ Hồ", "Lễ dâng hương" tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ; các chương trình giao lưu: "Là con gái thật tuyệt", "Sống ước mơ và khát vọng"... Những hoạt động này giáo dục cho HS lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đồng thời giúp HS tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và nêu cao ý thức phấn đấu, rèn luyện, thi đua quyết tâm dành được những thành tích mới. Với kết quả hoạt động giáo dục KNS cho HS đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường. Nhiều năm qua, chất lượng giáo dục của trường THCS Lê Hồng Phong luôn ở tốp đầu bậc THCS của thành phố và của tỉnh. Hàng năm, tỷ lệ tốt nghiệp THCS và thi đỗ vào các trường THPT luôn đạt gần 100%, trong đó tỷ lệ thi đỗ vào trường THPT chuyên Lương Văn Tụy chiếm khoảng 40%. Về xếp loại hạnh kiểm, có tới trên 96% HS đạt hạnh kiểm tốt, số còn lại xếp loại khá, không có học sinh xếp loại đạo đức trung bình và yếu.
Theo các chuyên gia giáo dục, những nhà nghiên cứu tâm lý, giáo dục KNS là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch đến HS nhằm giúp các em có những kiến thức về cuộc sống, có hành vi ứng xử đúng mực trong các mối quan hệ xã hội, giúp nhân cách mỗi HS được phát triển đúng đắn, từ đó thích ứng và đáp ứng tốt nhất với môi trường sống. Thời gian qua, Ngành GD&ĐT Ninh Bình chỉ đạo và khuyến khích Phòng giáo dục huyện, thành phố và các nhà trường quan tâm, chủ động xây dựng chương trình giáo dục KNS theo từng chủ đề, chủ điểm và lồng ghép tích hợp vào trong các môn học, tiết học. Đối với từng bậc học, cấp học, các nhà trường sẽ dạy KNS theo các nội dung khác nhau: Như đối với học sinh các bậc mầm non, tiểu học, các em cần có các kỹ năng, kiến thức nhận biết thế giới xung quanh, cách ứng xử với người lớn, với bạn bè… ở bậc THCS, THPT là kiến thức về giáo dục giới tính, kỹ năng giao tiếp với bạn bè, làm việc độc lập, làm việc nhóm... tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực của HS.
Tuy nhiên thực tế hiện nay vẫn chưa có một bộ chương trình chuẩn quy định cụ thể về thời lượng, kiến thức học kỹ năng sống cho học sinh ở các cấp học, bậc học; hoặc có thì cũng còn khá mới và chưa đồng bộ cả về đội ngũ giảng dạy và tài liệu chuẩn kiến thức. Hầu hết các nhà trường vẫn còn lúng túng và tự xây dựng kế hoạch khi tổ chức các hoạt động cũng như tích hợp nội dung rèn luyện kỹ năng sống trong các bộ môn trên lớp cho HS. Các nội dung giáo dục KNS được tích hợp trong các môn học như Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử…, thường chưa có sự hướng dẫn nội dung tích hợp cụ thể ở các bài học, nên phụ thuộc ở khả năng của mỗi giáo viên... Trong khi đội ngũ giáo viên hầu như chưa được trang bị kiến thức giảng dạy về KNS và không có khung chương trình chung để tổ chức giảng dạy, nên việc giáo dục KNS trong các nhà trường chưa đạt kết quả như mong muốn…
Việc quan tâm, tăng cường giáo dục KNS cho HS là việc làm cần thiết và dù dưới hình thức nào cũng sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho HS. Điều đáng nói là bên cạnh sự vào cuộc của ngành Giáo dục, cần sự quan tâm, tạo điều kiện và đồng hành của gia đình, tạo môi trường học tập, rèn luyện để các em được phát triển kỹ năng sống đầy đủ, trưởng thành về mọi mặt. Nhà trường và gia đình sẽ là nơi gợi mở, khơi dậy ở các em tinh thần tự giác, trải nghiệm và khám phá… thích nghi với những thay đổi và phát triển của xã hội. Khi các em được trang bị các KNS cần thiết cùng ý thức vươn lên trong học tập, chắc chắn sẽ trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Hạnh Chi