Việc tại 1 trường THCS trên địa bàn thành phố Ninh Bình từ đầu năm học đến nay có tới 3 vụ học sinh tự tử gây nên nỗi buồn đau, thương cảm cho nhiều người và là nỗi quan tâm, lo lắng cho nhiều bậc cha mẹ học sinh có con đang tuổi mới lớn. 3 em học sinh của trường học lớp 6 và lớp 8, mới 13-14 tuổi, em thì ham mê nghiện chơi games, em thì có bạn trai; khi bị cha mẹ mắng chửi, đòn roi, giận người yêu đã dại dột nhảy sông, treo cổ tự tử… Những câu chuyện đau lòng như trên, thay vì trách móc trẻ thì cảm thấy thương nhiều hơn bởi các em còn quá non nớt, chưa hiểu chuyện, lại không được bố mẹ, thầy cô giáo chỉ bảo, dạy dỗ, giáo dục kỹ năng để đối phó với các tình huống xảy ra trong cuộc sống, từ đó khi mắc phải sai lầm, tội lỗi, các em hoảng loạn, lo sợ, bế tắc và chọn cho mình cái kết dại dột, đau buồn nhất. Cô giáo Mai Thị Lệ Hằng, cử nhân tâm lý học, giáo viên trường THPT Hoa Lư A cho rằng: Trẻ em không chỉ cần người lớn cho ăn ngon, mặc đẹp. Trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ, việc được quan tâm, bồi dưỡng về mặt tinh thần đôi khi quan trọng hơn nhiều so với vật chất. Ngay cả khi cha mẹ có thể thuê cho con mình những gia sư, giáo viên tốt nhất, thì việc có bố mẹ quan tâm, chia sẻ, định hướng là không thể thiếu đối với sự trưởng thành của trẻ. Việc định hướng này sẽ quyết định 60-70% sự thành công và tính cách của trẻ sau này. Thực tế cuộc sống có vô vàn những tình huống, cạm bẫy mà các em học sinh không thể lường trước và biết cách xử lý khi gặp phải. Đó có thể là chuyện trẻ em bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục làm điều sai trái; bị xâm hại tình dục; bị tai nạn giao thông, đuối nước; bị nghiện games, lơ là việc học... Từ đó đòi hỏi có rất nhiều kỹ năng sống trẻ cần phải được trang bị.
Việc giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là một quá trình lâu dài và cần phù hợp với từng lứa tuổi ở những thời điểm khác nhau. Đối với các trường mầm non, giáo dục kỹ năng sống được thực hiện nhằm hình thành cho học sinh những kỹ năng giao tiếp cơ bản trong cuộc sống như: Việc giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; vấn đề đến lớp đúng giờ, làm việc theo yêu cầu; việc cùng học, cùng chơi, đồng cảm với bạn bè trong lớp, trong trường; rèn luyện tính kiên trì, chịu khó trong học tập;... tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần cho trẻ em. ở các trường tiểu học, THCS, THPT và các Trung tâm GDTX, ngoài tổ chức các hoạt động ngoại khóa, việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh cần được lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ở một số môn học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm hoàn thiện cho các em về nhân cách và học vấn.
Theo đại diện ngành Giáo dục và Đào tạo, trước tác động tiêu cực của xã hội cũng như việc thiếu quan tâm, giáo dục chưa đúng cách của phụ huynh nên một số học sinh đã vi phạm đạo đức. Đã xuất hiện tình trạng học sinh nghỉ học không phép, bỏ tiết, bỏ giờ đi chơi, giả chữ ký bố mẹ xin nghỉ học để đi chơi, một bộ phận học sinh nghiện games, lơ là việc học; số ít học sinh tụ tập, đàn đúm giữa trường này với trường khác để gây hội, tạo bè phái… Trước thực trạng đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, là một trong những nội dung cơ bản của phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Bộ GD&ĐT đã chuyển hướng từ trang bị kiến thức là chủ yếu sang trang bị những năng lực cần thiết cho học sinh với quan điểm: "Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để cùng chung sống".
Trong những năm qua, các nhà trường đã tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy và học theo hướng tăng cường hoạt động, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường, tập trung vào việc giáo dục những kỹ năng sống cơ bản, qua đó hình thành cho học sinh các giá trị sống, kỹ năng sống tích cực. Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng sống còn được các nhà trường gắn với các hoạt động cụ thể như: Xây dựng các hoạt động ngoại khóa thông qua các cuộc thi để giáo dục giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của quê hương. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã tích cực phối hợp với Đoàn Thanh niên, lực lượng Công an tuyên truyền, giáo dục cho học sinh những kiến thức pháp luật cần thiết, bản lĩnh chính trị vững vàng ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Các tổ chức Đoàn, Đội trong các nhà trường cũng thường xuyên định hướng cho các em học sinh những giá trị cơ bản, các kỹ năng trong cuộc sống, hình thành nhân cách, suy nghĩ biết yêu thương và sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có một bộ chương trình chuẩn quy định cụ thể về thời lượng, kiến thức kỹ năng sống cho học sinh nên hầu hết các nhà trường vẫn còn lúng túng khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa cũng như giảng dạy trên lớp. Cùng với đó, việc dạy kỹ năng sống cho học sinh chưa thật sự hiệu quả. ở một số trường, dạy kỹ năng sống cho học sinh còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, thiếu hoạt động trải nghiệm thực tế, thiếu các hoạt động giáo dục kỹ năng sống chuyên biệt. Trong mỗi năm học, nhà trường thường tổ chức 2-3 buổi sinh hoạt tập thể lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Các nội dung giáo dục kỹ năng sống được tích hợp trong các môn học xã hội thì chưa có sự hướng dẫn nội dung cụ thể ở các bài học, nên việc tích hợp phụ thuộc ở khả năng của mỗi giáo viên. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng chưa được trang bị kiến thức về kỹ năng sống và không có khung chương trình chung để tổ chức giảng dạy…
Để học sinh được phát triển toàn diện, có những kiến thức cơ bản trong cuộc sống, bên cạnh sự vào cuộc của ngành Giáo dục và Đào tạo thì gia đình cũng là môi trường rèn luyện để các em có thể phát triển kỹ năng sống đầy đủ, trưởng thành về mọi mặt. Khi các em được trang bị các kỹ năng sống cần thiết cùng ý thức vươn lên trong học tập, chắc chắn sẽ trở thành những con người phát triển toàn diện, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mỹ Hạnh