Giáo dục kỹ năng sống được hiểu là giáo dục cho người học những kỹ năng cơ bản, cần thiết, hướng tới hình thành những thói quen tốt giúp đối tượng được giáo dục tự tin, chủ động xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, ngành giáo dục- đào tạo đã quan tâm chỉ đạo các nhà trường, từ bậc học mầm non cho đến THPT đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống thông qua nhiều hình thức, hoạt động phù hợp…
Trường Tiểu học Khánh Cư (Yên Khánh), mặc dù là trường vùng nông thôn, nhưng qua cách giao tiếp, trò chuyện giữa người lớn với các em học sinh cho thấy nhiều em khá bạo dạn, tự tin, biết cách chào hỏi, xưng hô, trả lời rành mạch, rõ ràng những câu hỏi… Thầy giáo Bùi Văn Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cùng với công tác giáo dục về văn hóa, đạo đức, nhà trường đã quan tâm thực hiện công tác giáo dục kỹ năng sống vì nhận thấy đây là hoạt động hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, nhà trường xác định rõ việc tiếp tục rèn luyện những kỹ năng mà học sinh đã được học ở mầm non là quan trọng nhằm giúp tập trung hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp cơ bản như: kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp, kỹ năng kiên trì trong học tập; kỹ năng đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, kỹ năng đồng cảm,... tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực của học sinh. Trường đã có nhiều hình thức để tiến hành hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học phù hợp với điều kiện. Vào các giờ lên lớp, nội dung giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép trong các môn học. Mỗi giáo viên đã biết cách ứng dụng những bài học thực tế, những câu chuyện… để làm sinh động và minh họa cho nội dung bài giảng. Đặc biệt, thông qua các giờ sinh hoạt, chủ nhiệm lớp, chào cờ đầu tuần, hoạt động Đội thiếu niên và Sao nhi đồng, qua các chủ điểm năm học để nhà trường tiến hành rèn kỹ năng sống cho học sinh. Nhằm giúp các em học sinh mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, nhà trường đã duy trì hiệu quả các tiết dạy của môn thể dục nội khóa, thể dục giữa giờ, múa hát tập thể ở sân trường, chơi các trò chơi dân gian… để gắn kết các em với các hoạt động tập thể. Trường đã huy động kinh phí từ công tác xã hội hóa để xây dựng thư viện thân thiện ở ngay sân trường. Qua đó tạo điều kiện cho các em học sinh được tiếp cận với các nguồn sách, báo, truyện, nâng cao kiến thức, hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Đồng thời, khu vực thư viện thân thiện cũng là địa điểm để các em học sinh cùng nhau vui chơi các trò chơi dân gian, chơi cờ vua cùng nhau khá thân thiện và hòa đồng. Đây cũng là trường đã tổ chức cho các em học sinh nhận chăm sóc di tích lịch sử đền Đức thánh Cả của xã để góp phần giáo dục cho các em về truyền thống lịch sử của quê hương. Qua kết quả đánh giá học sinh theo Thông tư 30, năm học vừa qua, 100% học sinh hoàn thành về kỹ năng, kiến thức, năng lực, phẩm chất. Thực tế việc giáo dục học sinh từ những năm trước ở nhiều trường còn "nặng" về giáo dục văn hóa, đạo đức mà xem nhẹ việc giáo dục kỹ năng sống. Ngay từ bậc mầm non, khi cho con đến trường, nhiều phụ huynh suy nghĩ đơn giản chỉ cần con đến lớp ăn ngoan, ngủ kỹ là được. Trong khi đó, những kỹ năng cơ bản cần có của trẻ bậc mầm non là biết chào hỏi, biết một số kỹ năng đơn giản như: rửa tay, tự xúc cơm ăn, biết nhận biết về thế giới xung quanh…nhiều cháu lại không có. Lên đến cấp THCS, những nhận biết về giáo dục giới tính, về cách ứng xử giữa hai bạn khác giới, ứng xử khi gặp tình huống trên đường đến trường: an toàn giao thông, bị bắt nạt, sự quan tâm thăm hỏi đến các thành viên trong gia đình…nếu không được đề cập, được giáo dục cẩn thận ngay từ môi trường học đường và trong gia đình, rất khó để hình thành các kỹ năng cho mỗi học sinh. Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động giáo dục kỹ năng sống, những năm học qua, Sở Giáo dục- Đào tạo đã chú trọng hoạt động này trong các nhà trường. Sở đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh nội dung giáo dục kỹ năng sống phải phù hợp với từng lứa tuổi và tiếp tục được rèn luyện theo mức độ tăng dần. Sở Giáo dục- Đào tạo đã hướng dẫn việc triển khai tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Tổ chức tập huấn giáo viên tích hợp giáo dục kỹ năng sống vào các môn học. Quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ giáo viên các trường phổ thông, cán bộ làm công tác Đoàn, Đội tại các cơ sở giáo dục.
Trên tinh thần quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục kỹ năng sống, các cơ sở giáo dục đã tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng sống phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, đặc điểm của địa phương, nhu cầu và khả năng của học sinh. Nội dung giáo dục kỹ năng sống đã và đang được các nhà trường tích hợp vào các môn học và các hoạt động giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy và học theo hướng tăng cường hoạt động học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường, tập trung vào việc giáo dục những kỹ năng sống cơ bản, qua đó hình thành cho học sinh các giá trị sống, kỹ năng sống tích cực. Đây cũng là hoạt động cần sự phối hợp chặt chẽ của mỗi gia đình, các bậc phụ huynh để giúp con em mình từng bước hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức cần thiết cho học tập và cuộc sống.
Bài, ảnh: Lý Nhân